Đất Việt - "Theo tôi cần có một Ủy ban quốc gia về sông Hồng để quyết định những vấn đề có tính chất an ninh về nguồn nước".
Đổi tên quy hoạch sông Hồng
Bộ TN&MT ra thông báo cho biết Bộ trưởng Trần Hồng Hà ký văn bản kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh tên Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng thành Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình.
Đồng thời, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng vừa ký ban hành quyết định thành lập Hội đồng thẩm định đề cương đồ án “Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng-Thái Bình” nhằm đưa ra những đánh giá tổng thể về hiện trạng dòng chảy, để khai thác tài nguyên nước sông Hồng.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 24/5, về vấn đề trên, GS.TS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho biết: "Đối với nội dung của quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng, chủ yếu nhằm vào sự cân đối giữa nguồn nước sông Hồng có được và những nhu cầu sử dụng nước sông Hồng ở nhiều lĩnh vực khác nhau, còn nội dung quy hoạch tài nguyên nước, thực chất chỉ là đánh giá tiềm năng về tài nguyên này.
Khái niệm về tài nguyên nước và nước, có sự phân biệt rõ rệt. Bởi lẽ, tài nguyên là do nhà nước sở hữu, còn nói đến nước là quyền sử dụng của mọi hoạt động của xã hội. Chính vì vậy, hai quy hoạch này nhằm hai mục tiêu khác nhau, không thể đổi tên được”.
Nói đến quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng, trước tiên, theo ông Hồng, phải xét việc sử dụng nước của sông Hồng sẽ được ưu tiên thứ tự như thế nào?. Rõ ràng, ưu tiên số 1 phải là nước sinh hoạt cho con người, rồi nước cho sản xuất lương thực.
"Tại sao tôi nhấn mạnh nước cho lương thực, chúng ta nhớ rằng cả đất nước có 2 Đồng bằng lớn nhất để sản xuất lương thực là Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng.
Qua việc hạn hán, xâm nhập mặn vừa qua thì việc cung cấp nước cho Đồng bằng sông Cửu Long đã đi vào đường cùng, dẫn đến việc phải gửi công hàm đề nghị Trung Quốc giúp đỡ bằng việc xả nước từ đập Cảnh Hồng. Song dung tích hồ đập Cảnh Hồng chỉ có trên 200 triệu mét khối nước mà nhiệm vụ chủ yếu là phát điện, nên lượng nước giúp chúng ta không được bao nhiêu.
Bây giờ đối với Đồng bằng sông Hồng, nếu không có nước để sản xuất lương thực, thì hàng chục triệu người dân sống bằng gì? Người Việt Nam chúng ta đã có hàng nghìn năm sống bằng hạt gạo do lúa nước sinh ra.
Liệu do thiếu nước, phải chuyển sang sống bằng ngô, khoai, sắn...có được không?. Lúc đó xã hội sẽ mất an ninh nước, mất an ninh lương thực. Lúc đó an ninh năng lượng sẽ không còn ý nghĩa gì nữa?
Tiếp theo nhu cầu nước cho phát điện, nuôi cá, cho công nghiệp, cho các khu đô thị, cho giao thông thuỷ, du lịch, nước để đảm bảo môi trường, nước để đẩy mặn...Như vậy, nói đến khai thác tổng thể sông Hồng, có nghĩa liên quan đến các nhu cầu dùng nước của cả xã hội, liên quan đến các bộ ngành chức năng, các địa phương và cả người dân.
Tầm ảnh hưởng của nó mang ý nghĩa quốc gia, không một Bộ nào có thể giải quyết được. Chỉ đơn cử trường hợp Bộ Y tế kêu cứu nước cho các bệnh viện, để bệnh nhân có đủ nước, để các ca mổ, ca đỡ đẻ không bị dừng nửa chừng, như các báo phản ảnh trong những mùa nắng nóng. Vậy ưu tiên này được xếp hạng thứ bao nhiêu?.
Tuy chỉ là yêu cầu của một Bộ chuyên ngành, song lại ảnh hưởng thiết thân đến cuộc sống người dân, cũng như tâm lý của toàn xã hội. Chắc rằng những cơ quan có chức năng quản lý nước sẽ không nghĩ đến ảnh hưởng này, mà chỉ cấp quốc gia mới quyết định được", ông Hồng nhấn mạnh.
Cần sự phối hợp chặt chẽ từ các Bộ, ngành, địa phương
Đối với dự án giao thông thuỷ xuyên Á chưa được Thủ tướng xem xét, ông Hồng cũng chỉ rõ, trong đó có một lý do là tờ trình do Bộ KH&ĐT lại ghi “mục tiêu đáp ứng giao thông thuỷ là số 1”. Vậy những mục tiêu khác liên quan đến sự sống của 20 triệu người dân vùng Đồng bằng sông Hồng sẽ xếp thứ tự như thế nào?.
Còn nói đến quy hoạch tài nguyên nước, chỉ là cụ thể hoá những điều nằm trong Luật tài nguyên nước và trong Luật của các tài nguyên khác, nghĩa là đánh giá tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây là nhiệm vụ chính của Bộ TN&MT. Vậy nội dung quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng sẽ có tầm quan trọng như thế nào?.
Ông Hồng phân tích: "Trước tiên, chúng ta phải hiểu rằng, để lập được quy hoạch này, không chỉ đơn giản là đánh giá theo nghĩa tài nguyên, mà yêu cầu phải tính toán và kiểm tra được lượng nước hàng năm có được của vùng đồng bằng sông Hồng.
Đó không chỉ là lượng dòng chảy trên sông Hồng và các nhánh sông vào chảy vào vùng đồng bằng, mà còn có lượng nước mưa thấm qua đất bổ sung cho tầng nước ngầm, lượng nước mưa chảy trên mặt đất, tập trung vào các hồ ao, lượng nước bốc hơi, lượng nước sử dụng của toàn vùng, và lượng nước trôi ra biển.
Nói một cách khác, chúng ta có thể nắm được thực trạng lượng nước do thiên nhiên cung cấp và lượng nước đã sử dụng, đã trừ đi lượng nước tổn thất trong quá trình luân chuyển.
Như vậy, đó là sự cân bằng nước trên phạm vi rộng lớn của một vùng. Dựa vào dự báo này, chúng ta mới có thể đưa ra những quyết định cho phép sử dụng lượng nước trên toàn vùng ở mức độ nào.
Việc làm này, đúng với chức năng của Bộ TN&MT, mà trong luật Tài nguyên nước đưa ra. Ngày nay với những công nghệ hiện đại, cho phép ta thực hiện được. Ví dụ công nghệ viễn thám để dự báo mực nước trên các dòng sông theo thời gian và không gian hiện nay đã trở thành hiện thực.
Tiếp theo, các Bộ ngành có hệ thống công trình lấy nước nước để phục vụ cho nhu cầu theo chức năng, như sản xuất nông nghiệp và đời sống cho nông thôn (Nông nghiệp và Phát triển Nông), thuỷ điện (Công Thương), nước sinh hoạt cho các khu đô thị (Xây dựng), vận tải trên các dòng sông ( Giao thông vận tải)...sẽ căn cứ vào những mực nước trên các sông, trữ lượng và chiều sâu nước ngầm, lượng nước mưa ...do Bộ TN&MT cung cấp, để xây dựng kế hoạch sử dụng nước cho ngành mình, thông qua những hệ thống công trình sẵn có.
Về phía nhà nước có thể kiểm soát việc sử dụng nước trên toàn vùng sông Hồng, phê duyệt những kế hoạch sử dụng nước, chẳng hạn như dự án giao thông thuỷ xuyên Á trên, sẽ ảnh hưởng đến việc dùng nước chung cho cả vùng như thế nào.
Mặt khác, nhà nước sẽ điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với nguồn nước có sẵn trong tay. Thông báo hạn mức sử dụng nước khi dự báo quỹ dự trữ nước đã ở ngưỡng dưới, theo thời gian và không gian, trong toàn vùng, để điều tiết mọi hoạt động xã hội có sử dụng nước, tương tự như dự báo về nguồn điện năng mà chúng ta đang làm".
Riêng với các địa phương trong khu vực, vị chuyên gia này cho rằng, phải dựa vào dự báo về quỹ nước hàng năm trên các nguồn nước đi qua địa phương sẽ khống việc sử dụng nước, và điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong phạm vi địa phương minh.
Ngày nay, có nước trên thế giới đã kiểm soát được quỹ nước này. Ví dụ, ở nước Mỹ, có thể đưa ra thông báo về quỹ nước để người dân hạn chế sử dụng.
Bằng sự phối hợp chặt chẽ nhiều Bộ, ngành, dưới sự lãnh đạo của chính phủ, chúng ta hy vọng quy hoạch này sẽ thành hiện thực, làm cơ sở để loại bỏ những dự án, mang nặng ý tưởng “ước mong” mà không có tính khả thi.
Ông Hồng nhấn mạnh: "Tôi thiết nghĩ, liên quan đến sông Hồng tức là liên quan đến sự sống còn của cả một vùng đồng bằng, do vậy, cần có một Ủy ban cấp quốc gia về sông Hồng để quyết định những vấn đề có tính chất an ninh về nguồn nước và có sự thẩm định của Quốc hội”.