Thứ Hai, 16 tháng 5, 2016

Về một cuộc triển lãm... lừa đảo

FB Nguyễn Hưng

Năm 1997, ở Mát-xcơ-va, thủ đô nước Nga, có một triển lãm nhỏ, chỉ diễn ra trong một buổi tối, của một họa sĩ trẻ "vô danh". Cấp thời, cuộc triển lãm này được/bị xem là một sự lừa đảo. Nhưng câu chuyện về nó đã lan truyền...

Trong phòng triển lãm chẳng có gì, ngoài một chiếc bàn gỗ trơ trọi ở giữa. Sau khi lấy từ giỏ xách ra một con cá còn sống đặt lên chữ "WATER" được viết nguệch ngoạc bằng màu sáp trên mặt bàn, chàng họa sĩ đưa mọi người đến từng mảng tường trống trơn và bắt đầu huyên thuyên. Chàng bảo, trên mảng tường này, chàng dự tính sẽ treo một tác phẩm có ý tưởng độc đáo như thế nào và chàng sẽ vẽ bằng tâm huyết và tài năng ra làm sao...v.v... Cứ thế!

Gần 2 tiếng đồng hồ sau, sau một hồi thoi thóp, chú cá trên chiếc bàn gỗ đã tắt thở. Chàng họa sĩ la lên: "Nó chết rồi!". Mọi người cùng quay lại nhìn, và cùng la lên: "ô, nó chết thật rồi!". Đến đây, chàng họa sĩ tuyên bố: "Triển lãm đã kết thúc"!

Kết thúc thì về. Khi mọi người ra đến cửa, có vài người trong nhóm tổ chức đã đề nghị cho biết cảm tưởng về cuộc triển lãm.

Hầu hết đều khoát tay cho rằng: "cũng vui vui, nhưng đây là một sự lừa đảo! triển lãm nghệ thuật mà chẳng có gì để xem!"

Duy có một vị giáo sư già đã dừng lại, và trịnh trọng nói: "Tôi chưa thấy một cuộc trình diễn nào thông minh như thế này. Chúng ta hãy lưu ý đến con cá. Con cá là một sinh vật. Là một sinh vật, nó chỉ có thể sống trong môi trường nước, chứ không thể sống bằng khái niệm "nước". Người Nga chúng ta cũng như vậy. Là những con người, chúng ta chỉ có thể sống được trong một môi trường với các mối quan hệ xã hội và tự nhiên cụ thể, chứ không thể sống được bằng khái niệm "chủ nghĩa xã hội". Đấy, chúng ta rồi cũng sẽ giống như con cá đó...!"

Mọi người ồ lên đồng tình: "cũng có lý!"

Bấy giờ, có một người phụ nữ to béo từ phía sau chen vào: "Cái ông này nói chuyện gì cao siêu chẳng hiểu được! Nhưng phải nói là cái thằng chồng tôi ở nhà cũng chỉ là khái niệm "chồng" thôi! Chết với nó!..."