Dân Trí - GS. Trần Lâm Biền chia sẻ, về dự án xây dựng đền và tháp Hùng Vương ở đảo Trường Sa ông đã được biết cách đây khá lâu. Theo GS Biền thì ý tưởng xây dựng công trình này là một trí tưởng tượng mênh mông ngang tầm trời đất của ai đó chứ truyền thống Việt Nam không có chuyện đó.
GS nhấn mạnh: “Nói là không chứ không phải là chưa. Vì thế, việc đưa những ý tưởng này ra nằm ngoài nhận thức của chúng ta. Đưa ra cái gì quá sẽ dễ gây nên những phản cảm. Chẳng hạn, trong nhận thức của chúng ta, cái tháp của cổ Phật chỉ có 13 tầng thôi. Chúng ta có khởi nguồn là nông dân và sau bao nhiêu năm chất nông dân vẫn còn rất đậm đặc nên quen với việc bám đất chứ không quen với việc trèo lên trời.
Ông Ngô Quang Nam, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cũ từng đưa ra ý tưởng xây dựng tháp Hùng Vương. Ông muốn thực hiện ý tưởng này nhưng bao nhiêu năm qua vẫn chưa thực hiện được vì vấp phải quá nhiều sự phản ứng. Điều đó cũng hợp lý thôi bởi đây là một ý tưởng mang tính cảm hứng nhất thời chứ không phải bằng sự suy xét của trí tuệ.
Vậy mọi vấn đề đặt ra là phải có trí tuệ, nhìn trước nhìn sau, tức là nhìn vào quá khứ để dựng tương lai chứ không phải cứ ứng xử một cách tuỳ tiện để biểu hiện về cái “mẽ” bên ngoài. Người Việt Nam lấy giá trị biểu tượng để làm trọng chứ không phải lấy cái to xác để làm trọng. Các cụ vẫn nói “thùng kêu to là thùng rỗng”. Bởi vậy làm gì các cụ cũng hướng đến tinh chứ không phải hướng đến lượng.
Ai đời đòi xây một cái tháp cao những 18 tầng giữa Trường Sa. Liệu xây dựng cái tháp đó giữa Trường Sa có tồn tại được không, tồn tại được bao lâu với những sóng gió khắc nghiệt giữa biển khơi. Cây cối trồng ở mảnh đất đó cũng lúp xúp chứ có lên cao được đâu thế mà đem những cái mang tính khoe “mẽ” như thế ra Trường Sa để làm gì...
Tôi cho rằng, ý tưởng xây dựng đền, tháp Hùng Vương ở Trường Sa là ý tưởng ghê gớm nhưng không giá trị biểu tượng mà chỉ nằm ở sự: to xác” bên ngoài. Tất cả người Việt Nam trong một giới hạn nào đó lấy giá trị biểu tượng làm trọng và đã đi vào giá trị biểu tượng nghĩa là đi vào trí tuệ. Sự to lớn chẳng qua là để che khuất về tầm nhìn chứ không mang biểu tượng trí tuệ”, GS. Biền chia sẻ.
GS Biền cũng khẳng định rằng, công trình này sẽ không mang ý nghĩa giáo dục mà ý nghĩa giáo dục nằm trong tâm mỗi con người. Và cái tâm ấy phải được nuôi dưỡng bằng trí tuệ Việt Nam. Tâm không có trí tuệ làm bệ đỡ thì tâm ấy mù quáng. Thích sự to lớn để quỳ lạy thôi mà không mang lại ý nghĩa nào thiết thực cả.
“Tôi tin, trí tuệ Việt Nam sẽ quyết định cái tâm và giá trị biểu tượng”, GS. Trần Lâm Biền nhấn mạnh.