TNO - Lo âu, hoang mang là những trạng thái cảm xúc khó có thể giấu được lúc này của người nông dân Việt Nam bởi vựa lúa lớn nhất nước vẫn chưa có giải pháp cứu vãn căn cơ, Miền Trung cá vẫn chết, vùng biển gần bờ trống trơn tiêu điều cả tháng nay nhưng vẫn chưa tìm ra thủ phạm.
Ngày 7.5, đội thợ lặn tại xã Nhân Trạch đã ra khơi lặn xuống vùng biển Nhân Trạch, Quảng Bình để ghi lại những hình ảnh dưới đáy biển, những gì các thợ lặn quay được đem lại một nỗi buồn không thể tả: không tôm không cá, chỉ thấy một vài con nhím biển là còn sống.
Cá đã chết sạch, số còn lại có lẽ đã di cư đi nơi khác tìm nguồn nước trong lành hơn, không dừng lại ở đó cá chết đã lan vào các dòng sông tại Thanh Hóa, Quảng Bình. Nguyên nhân vẫn còn đang được các cơ quan chức năng điều tra, và chuyện ai sẽ phải bồi thường thiệt hại cho người nông dân còn rất mờ mịt.
Biển chết, các rạn san hô bị tuyệt chủng, ngôi nhà của các loài cá bị tàn phá, đến khi nào mới có thể phục hồi nguyên trạng, biển sẽ như thế nào và liệu biển có còn được gọi chính tên nó khi… không có cá! Thiên nhiên - bản thân nó vốn có khả năng tự làm lành vết thương nhưng phải mất hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm và trong thời gian này hàng triệu con người sống nhờ tài nguyên biển sẽ mưu sinh bằng gì?
Cá chết đã lan ra nhiều địa phương, một loạt các nhà máy bị phát hiện xả thải trực tiếp ra môi trường, rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ tan hoang tiêu điều, nắng hạn gay gắt kéo dài, những cơn mưa ngày càng hiếm hoi, thời tiết biến hóa khó lường.
Đã gần nửa năm nay cơn hạn, mặn vẫn chưa thể buông tha đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa lớn nhất nước. Hàng triệu nông dân Miền Tây Nam bộ có nguy cơ thiếu lương thực ngay trên mảnh đất lúa nổi tiếng. Là quốc gia cuối cùng của con sông Mekong bắt nguồn từ Trung Quốc, Việt Nam hầu như hoàn toàn bị động trước sự vận hành của các nhà máy thủy điện khổng lồ ở thượng nguồn, cả một vùng đồng bằng trù phú bỗng chốc trở thành “cá trên thớt”! Sự sống còn của hàng triệu nông dân đang phụ thuộc vào ông chủ các nhà máy thủy điện kia.
Liệu chúng ta có yên ổn khi mạng sống của chính mình đang nằm trong tay kẻ khác? Thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời nhưng chắc chắn một điều rằng nếu chúng ta không có biện pháp hữu hiệu thì câu trả lời của thời gian sẽ vô cùng đau đớn!
Các thảm họa thiên tai lẫn nhân tai liên tục xuất hiện cho thấy, chúng ta đang vay của tương lai quá nhiều thứ. Khó có thể phát triển bền vững và an toàn nếu cứ đem của dự phòng ra tiêu xài phung phí. Dự trữ quốc gia không phải chỉ có tài sản hữu hình là vàng, ngoại tệ…mà đó là tất cả những gì thuộc về lãnh thổ, tài nguyên, văn hóa… Đến một lúc nào đó con người sẽ nhận ra rằng tiền, vàng… không thể ăn được!
Tạm chưa bàn đến tương lai, trước mắt hàng triệu nông dân Miền Tây bỗng dưng mất hết tư liệu sản xuất sẽ đổ dồn về thành phố mưu sinh, đây lại là một ẩn họa về trật tự an toàn xã hội khi việc làm khan hiếm, cạnh tranh sinh tồn trở nên khắc nghiệt, rồi đây tội phạm sẽ gia tăng, các vấn đề an sinh xã hội sẽ là gánh nặng cho nhà nước.
Hàng triệu ngư dân Miền Trung vốn mưu sinh bằng nghề đánh bắt hải sản sẽ không còn kế sinh nhai, nhất là khi họ không có điều kiện đóng tàu lớn để xa khơi… “Nhàn cư vi bất thiện” sẽ phát tác!?
Sẽ ra sao nếu Việt Nam thiếu lương thực? Sẽ chuyển đổi cơ cấu kinh tế như thế nào nếu một đất nước nông nghiệp bị thiếu đất, thiếu nước? Công nghiệp và dịch vụ có đủ khả năng gánh vác nền kinh tế? Đó là một loạt vấn đề hệ trọng không thể không đặt ra và giải quyết.
Cá chết, đồng bằng bị hủy hoại suy cho cùng chỉ là “hiện tượng”, còn “bản chất” vấn đề là an ninh quốc gia bị đe dọa. Thực tế cho thấy các cuộc đấu tranh ngày nay không chỉ là súng đạn mà mối nguy lớn hơn là chuyện phá hoại kinh tế, phá hoại môi trường sống, gây bất ổn nội bộ, làm suy giảm lòng tin của dân với Nhà nước, kích động quá trình tự diễn biến, tự chuyển hóa…
Câu hỏi món nợ tương lai ai sẽ trả? - Không ai ngoài thế hệ tương lai - con cháu chúng ta - sẽ còng lưng trả món nợ này.