Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016

Có sự bắt tay tinh vi trong cuộc triển lãm toàn tranh giả?

Hoàng Vy (ghi)

VNN - Họa sĩ Lê Thiết Cương, giám tuyển cho nhiều cuộc triển lãm lớn ở Việt Nam chia sẻ ý kiến trên VietnamNet xung quanh cuộc triển lãm 'toàn tranh giả' vừa diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM gây xôn xao dư luận.

“Tôi không có ý gì khác với các họa sĩ rằng tất cả các bức tranh triển lãm đều là giả vì người trong nghề nhìn là biết ngay. Nhưng sau sự việc của anh Vũ Xuân Chung, chủ của bộ sưu tập 17 bức tranh được trưng bày, có hai chuyện.

Đầu tiên phải khẳng định anh ấy là người có thiện chí với mỹ thuật Việt Nam. Thay vì có tiền đi mua cái ô tô đắt tiền thì anh ấy lại mua tranh, hơn nữa lại mua ở nước ngoài và là tranh đứng tên các bậc thầy hội họa Việt Nam mang về để triển lãm chia sẻ với mọi người vì không phải ai cũng có điều kiện như anh ấy.

Ý thứ 2, ngược lại, không biết anh ấy có thiện tâm đó thật không vì đến giờ vẫn chưa chứng minh được giả sử anh ấy lại 'hợp tác' với người bán là Hubert thì sao? Hubert rất có thể đã bắt tay với anh Chung để làm việc giả dối này. Vì anh Chung đâu phải người bình thường mà là chủ một cửa hàng đồ cổ ở Lê Công Kiều, một người có 'số má' trong giới sưu tập đồ cổ chuyên về đồ đá. Anh Chung không gà mờ và không thể có chuyện không biết được.

Thêm nữa, bức tranh người ta cho là của anh Thành Chương (chứ chưa thể nói ngay là của Thành Chương), cũng chưa chứng minh được. Trừ khi phía sau bức tranh đó có dòng chữ ghi 'Thành Chương tặng bạn Kim Anh' hoặc nó từng tham gia 1 cuộc triển lãm nào hồi đó rồi. Chứ ở đây tôi thấy rất khó chứng minh bức Chân dung cô gái vẽ theo lối lập thể là của Thành Chương. Hoặc khi vừa vẽ xong thì nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Tuấn, bạn thân của Thành Chương đến xưởng vẽ chụp Chương tay còn đang cầm bút đứng cạnh bức tranh thì có thể tạm gọi là bằng chứng chứ chưa thể khẳng định chính xác 100%.

Tiếp tục, anh Chương sợ người ta không tin nên đưa ra một phác thảo nhưng hai cái đó không liên quan gì đến nhau cả. Ai cũng hiểu: Không thể có bức phác thảo nào giống tuyệt đối bức tranh đã hoàn thiện nhưng nó phải giống tới 90% nhưng đằng này lại khác một trời một vực. Chưa kể về bảng màu, tranh bị nhái chữ Tạ Tỵ vào và bức phác thảo anh Chương đưa ra có bảng màu không liên quan.

Qua tranh nhái của họa sỹ Tạ Tỵ, khi báo chí và anh Thành Chương truy thì anh Chung và Hubert mới nói rằng họ mua của anh Tuấn, con của nhà sưu tập Thẩm Đôn Thư. Trước khi chuyển từ Paris sang Berlin, bà Thẩm Đôn Thư chia tài sản cho các con, trong đó có anh Tuấn. Khi bị truy họ mới nói ra nguồn gốc bức gắn tên Tạ Tỵ như trên thì tại sao 16 bức còn lại không thể truy ra tiếp?

Hubert tự nhận là chuyên gia cao cấp về mỹ thuật Á đông và VN, từng hợp tác với Christie's Hong Kong, cho nên anh ta không phải là người mù tranh đến mức tiện thấy tranh rẻ thì mua rồi bán lại. Đã tầm như Hubert thì dứt khoát mua của ai phải có giấy tờ và anh ấy thẩm định tranh giỏi hơn rất nhiều người. Do vậy không khó để truy ra nguồn gốc của tất cả những bức tranh triển lãm lần này.

Sau cuộc gặp thẩm định tranh ngày 19/7, anh Chung vẫn một mực khẳng định hoàn toàn tin tưởng vào Hubert cũng như hoàn hoàn tin là tranh thật. Chúng tôi cũng rất muốn tin như anh Chung nên anh hãy chứng minh nguồn gốc của những bức tranh. Và Hubert không còn cách nào khác là phải cùng anh Chung chứng minh đây là tranh thật.

Về phía bảo tàng, rõ ràng là họ có phần sai nhưng không thể đổ hết lỗi cho họ. Ở đây ta phải hiểu Bảo tàng chỉ là địa điểm người ta thuê để trưng bày chứ không phải đích thân Bảo tàng đứng ra bảo trợ, bảo lãnh để tổ chức cuộc triển lãm. Bảo tàng có những phòng triển lãm và để tồn tại họ cũng phải cho thuê. Nếu ghi rõ triển lãm 'tổ chức ở bảo tàng' lại khác.

Qua cuộc trò chuyện với bạn bè họa sĩ của tôi trong TP.HCM thì rất tiếc, người có chuyên môn mỹ thuật là PGĐ Nguyễn Thanh Bình thời điểm diễn ra triển lãm lại đang ở nước ngoài. Người ở nhà không có chuyên môn mỹ thuật. Tôi nghĩ có thể họ đã cố tình chọn kẽ hỡ là thời điểm đó để tổ chức triển lãm.

Qua câu chuyện tranh giả của anh Chung và Hubert cho thấy đứng sau nó là cả một hệ thống giả dối chứ không dừng lại ở vài bức tranh giả. Bởi bạn không thể nào thuê những sinh viên mỹ thuật ở Paris vẽ lại những bức tranh này được vì đây hoàn toàn là tranh Việt Nam. Dứt khoát là có 1 đường dây chép tranh tại VN rồi tuồn qua châu Âu. Sau đó lợi dụng tên tuổi chuyên gia cao cấp về tranh mà ở đây là Hubert để đi tiếp 1 đường vòng trở về VN. Qua vụ này, tôi nghĩ nếu không làm mạnh tay thì sẽ còn nhiều nhóm 'lừa' như vậy nữa".