Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2016

Ám ảnh đô thị qua văn học đương đại Việt Nam: Ba làn sóng

TS. Đoàn Ánh Dương

(Người Đô Thị) Ở Việt Nam sau chiến tranh, vấn đề đô thị được nhìn nhận khá dè dặt, và thường chủ yếu nhấn mạnh tới những khía cạnh tiêu cực của nó, bởi quá khứ nông nghiệp và cuộc chiến tranh giành chính quyền thắng lợi dựa cơ bản trên nông thôn và nông dân. Tuy vậy, gần đây, Việt Nam lại chứng kiến sự bùng nổ quá trình đô thị hóa. Thực tế này đã được các nhà văn quan tâm và thể hiện trong sáng tác của họ. Tạp chí Người Đô Thị tổ chức tọa đàm chuyên đề “Ám ảnh đô thị qua văn học đương đại Việt Nam” nhằm nhìn nhận những biểu hiện này.

Cuộc tọa đàm diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu văn học (thuộc Viện Văn học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Nghiên cứu định cư) và một số nhà văn, nhà báo.

Nếu coi văn chương như một dữ kiện văn hóa, thông qua đó để tìm biết các dấu chỉ về quan niệm, tâm tư, thái độ, ý hướng của nhà văn và xã hội ở một khúc đoạn nào đó, chúng ta có thể nhận thấy những vấn đề gì trong văn chương đô thị Việt Nam hiện nay?

Một thoáng nhìn lại

Nếu không tính đến các đô thị phong kiến hình thành khá muộn và mang đặc trưng riêng, ở Việt Nam, đô thị hiện đại (theo mô hình phương Tây) hình thành cùng với quá trình thực dân của người Pháp, đầu tiên là Sài Gòn, sau đó lan rộng ra Bắc theo các đợt khai thác thuộc địa ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hòn Gai... Đô thị hóa đã làm phân hóa sâu sắc cấu trúc xã hội và văn hóa Việt Nam từ đầu thế kỷ XX.

Với văn chương, cảm quan đô thị và tính đô thị (thường được đồng nhất với tính hiện đại) ở buổi đầu của quá trình đô thị hóa là một quá trình phức hợp cả thuận và ngược chiều. Sự không thông hiểu dẫn tới khước từ đô thị như một biểu hiện xa lạ của Tây phương ở một Việt Nam nông nghiệp dễ tìm thấy trong văn chương nhà nho lớp cuối. Tâm trạng hoài cổ của Nguyễn Khuyến là biểu hiện rõ rệt nhất. Nhưng đến Tú Xương và Tản Đà, với những trải nghiệm đời sống đô thị rõ rệt hơn, đô thị trở thành đề tài trong sáng tác của họ.

Phải đến thế hệ những nhà văn Tây học trưởng thành từ môi trường giáo dục Pháp - Việt thì đô thị mới trở thành cảm hứng từ đó hình thành quan niệm nghệ thuật mới, làm thành bước ngoặt cho sự hình thành và phát triển Thơ mới và Tự Lực văn đoàn. Như phát hiện của Đỗ Lai Thúy trong Con mắt thơ (NXB Lao Động, 1992), tìm thấy không gian đô thị là bước ngoặt lớn, làm nên thành công của các văn thi sĩ này. Thôn quê với các tệ lậu của nó trở thành đối tượng để công kích nhiều hơn là truyền thống để tìm về.

Theo đó, cái cách Nguyễn Bính “van em em hãy giữ nguyên quê mùa” thực ra chỉ là một cách nói của người trai thất thế “tìm khắp kinh thành” trước sự vẫy gọi xa xôi của đô thị. Các nhà văn có khuynh hướng tả chân và xã hội sau đó không lâu, lại phải tìm lại các nhận thức về nông thôn, như cách Vũ Trọng Phụng ca ngợi hiểu biết nông thôn mà Ngô Tất Tố đem đến qua Tắt đèn. Đô thị nghiễm nhiên có vị trí quan trọng trong văn chương Việt Nam bấy giờ.

Nhưng với sự phát triển mau lẹ của các khuynh hướng chịu ảnh hưởng của văn chương Pháp, đến nửa đầu thập niên 40 thế kỷ XX, văn chương Việt Nam đã quành sang ngả hiện đại, thể hiện ở cả các đề tài “suy đồi” (trong cách sử dụng đậm đặc chất liệu đô thị) lẫn lên án văn minh kỹ trị (như một biểu hiện của tinh thần phản hiện đại), tiêu biểu trong thơ là Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, trong văn là Khái Hưng, Nguyễn Tuân.

Dữ liệu văn tự thiếu hụt khiến chúng ta rất ít hiểu biết về văn chương khu vực đô thị (chủ yếu là Hà Nội và Sài Gòn) trong chín năm Pháp trở lại. Nhưng ngay khi hòa bình, từ Việt Bắc về xuôi, với việc Xuân Diệu, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Cao Luyện ký tên dưới thư chung gửi văn nghệ sĩ trong thành Hà Nội, sự phân định lập trường “tư sản đô thị” và “đại chúng” đã trở nên rõ ràng. Đô thị trong văn chương trở thành mảnh đất được tiếp cận khá e dè.

Cuộc chiến Việt - Mỹ trong hai mươi năm tiếp theo càng đào sâu khoảng cách ấy, khi tính chất đô thị - hiện đại trong văn chương Nam Việt Nam khác biệt quá xa văn chương xã hội chủ nghĩa ở Bắc Việt. Đó là lý do để sau 1975, nhìn lại văn học dưới thể chế Việt Nam Cộng hòa, nhiều người không tán đồng định danh “văn học đô thị miền Nam” nhiều ít có tính chất kỳ thị.

Những biểu hiện mới của văn chương

Tiếp cận đô thị như một đối tượng mới (được trở lại) trong văn học Việt Nam từ Đổi mới, có thể tính đến ba làn sóng thế hệ, với những cảm quan khác biệt.

Thứ nhất, ngay đầu những năm Đổi mới, từ Nguyễn Minh Châu, Dương Thu Hương, Lê Minh Khuê, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải đến Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Trần Trung Chính, Phan Thị Vàng Anh, Phan Triều Hải... đô thị hiện lên với nhiều băn khoăn, trong sự phân biệt giữa thành thị và nông thôn, sự đa dạng phức tạp thời bình và tính một chiều thời chiến, cảm hứng thế sự đời tư và chủ nghĩa anh hùng cách mạng; đến các trăn trở trong những khác biệt về giới và tính dục, về không gian sống, vấn đề cá nhân cá tính, tình yêu, hạnh phúc.

Thứ hai, khoảng giao thời giữa hai thế kỷ XX và XXI, ở các nhà văn trẻ. Đô thị trong sáng tác của họ không còn bó hẹp trong phạm vi Hà Nội hay Sài Gòn mà mở rộng đến các đô thị địa phương, các đô thị nước ngoài. Có thể coi đô thị hóa là một cảm hứng chủ đạo của những tác giả này, như Phong Điệp, Dương Thụy, Trần Nhã Thụy, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Vũ Đình Giang, Kiều Bích Hậu...

Người ta có thể chứng kiến đồng thời sự đổ vỡ, cảm giác xa lạ, ý muốn chinh phục và khẳng định... của một lớp thị dân mới, thường xuất thân từ các vùng quê hay đô thị tỉnh lẻ, thâm nhập vào lõi các đô thị lớn trong sáng tác của các nhà văn này.

Thứ ba, các nhà văn trẻ hơn nữa ở nửa sau thập niên đầu thế kỷ XXI. Họ hầu như trưởng thành hoàn toàn trong bầu khí quyển đô thị, và đô thị trở thành một phần của con người nhà văn trong họ. Điều này tác động rất lớn đến việc thể hiện (tính) đô thị trong văn chương. Có thể nhắc đến những Hà Thủy Nguyên, Nhật Phi, Đinh Phương, Hạnh Nguyên...

Đô thị hình như đã trở trành trú xứ an toàn cho cá nhân cô đơn và cô độc, bởi sự vây bọc của văn hóa đại chúng, vốn rất dễ ăn mòn nhu cầu khẳng định bản sắc cái tôi. Chính điều này, ngược lại, che chở cho nỗ lực khẳng định bản lĩnh nhà văn, các ý thức nghệ thuật tiền phong, như một bộ phận thiểu số của đô thị hiện đại.

Cũng có những tác giả ở giữa những khuynh hướng đó, khiến tính đô thị trong sáng tác của họ tuy hiển lộ nhưng khó nắm bắt, diễn giải. Đó là trường hợp của những Nguyễn Việt Hà, Đỗ Phấn, Nguyễn Trương Quý, Chu Thùy Anh... Những tác giả này thường bị quy chiếu bởi trải nghiệm cá nhân, trong sự quy định của tín niệm tôn giáo, lựa chọn nghệ thuật, không gian sinh tồn, cảm quan về bản thể, ngoại giới...

Rõ ràng, những trải nghiệm mới mẻ đang kiến tạo kinh nghiệm thẩm mỹ mới cho văn chương Việt Nam đương đại, trong không gian mà đô thị và đô thị hóa mang lại.
***

Ám ảnh mưu sinh: câu chuyện lớn nhất của văn chương đô thị

“Tự nhận là một nhà văn có thể xếp vào mẫu nhà văn sinh ra và trưởng thành ở đô thị (ba đời nhà sống bên chợ Đồng Xuân, cùng với hàng xóm Thanh Khàn, Lê Khanh...) tôi cho rằng ám ảnh mưu sinh là câu chuyện lớn nhất của đô thị, và tất nhiên cũng là của văn chương đô thị.

Người ta hay nói đến cảm giác cô đơn trong đô thị hiện đại, đô thị làm cho người ta cô đơn, dù chính nó cũng giúp cho sự ra đời của cái tôi cá thể, làm thành ý thức cá biệt của nhà văn. Tôi nghĩ cảm giác bải hoải có lẽ đúng hơn là cô đơn, bởi giải quyết vấn đề cô đơn ở thị dân dễ dàng hơn rất nhiều so với các kiểu người khác. Trong tư cách cá nhân, bải hoải là ám ảnh cơ bản, văn chương của tôi là cuộc giải quyết sự bải hoải ấy.

Ngoài ra tôi cũng thấy một điều quan trọng, là đô thị Việt Nam mang dấu ấn nữ, người nữ đóng một vai trò quan trọng trong đô thị, trong văn chương cũng không khác. Nhìn văn chương đô thị Việt Nam hiện nay phải thấy sự chi phối của phụ nữ, của đàn bà. Cũng có thể nhắc đến sự ước thúc của tôn giáo nữa. Tín ngưỡng tôn giáo có biểu hiện đa dạng và phức tạp ở thị dân hiện đại. Văn chương chạm vào những vấn đề này đều biểu hiện đô thị theo một cách nào đó rất khó nắm bắt, nhưng thường là rất đúng tinh thần đô thị”. (Nhà văn Nguyễn Việt Hà)
***

Sinh hoạt tôn giáo ở đô thị hiện nay nhạt nhòa và bị đơn giản hóa

“Có một cảm nhận đáng buồn là sinh hoạt tôn giáo ở đô thị hiện nay khá nhạt, lại bị đơn giản hóa. Văn chương, phim ảnh hồi mới Đổi mới có cho thấy sự trở lại của sinh hoạt tôn giáo. Như đám giỗ, đám ma, đám cưới trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp hay trong phim Đặng Nhật Minh, Trần Văn Thủy.

Đây cũng là giai đoạn sinh hoạt tôn giáo sống lại ở nông thôn miền Bắc sau nhiều năm vắng bóng do quan điểm của chính quyền, đả phá phong kiến, bài trừ mê tín dị đoan, của chính sách thời chiến... Song bây giờ thì tình hình có khác, nhất là ở đô thị, thậm chí các vấn đề phức tạp của việc di dân, quy hoạch đô thị cũng dẫn tới tình trạng khó khăn cho các thực hành tôn giáo, làm phân rã các cộng đồng tôn giáo thậm chí chặt chẽ như cơ đốc giáo. Các nghi lễ, nghi thức cưới hỏi, tang ma cũng thay đổi chóng vánh.

Tôi cho rằng đó là hệ quả của thói quen không tốt và chính sách tôn giáo chưa phù hợp. Nhà văn còn quan thiết tới tôn giáo tín ngưỡng như anh Nguyễn Việt Hà hình như cũng ngày càng ít”. (PGS.TS. Nguyễn Quang Hưng)
***

Những đứa trẻ thiếu không gian

“Sự bùng nổ ngày càng mạnh mẽ của không gian đô thị đưa tới sự hình thành lớp công dân đô thị mà một thành phần không nhỏ trong đó là trẻ con. Lớp này lớn lên và thích nghi với các không gian đô thị chật hẹp, và nỗi ám ảnh lớn nhất đối với chúng có lẽ là sự nghèo đói tinh thần do những bó buộc của không gian sinh hoạt, học tập, vui chơi. Như một cách “giải ám ảnh”, sáng tác cho thiếu nhi của các tác giả đương đại hầu hết đều hướng tới một không gian thoáng, rộng chốn thôn dã, nơi rừng núi hoặc không gian trong những chuyến ngao du. Điều này có thể thấy rõ trong các sáng tác cho thiếu nhi gắn với tên tuổi của các tác giả như Nguyễn Nhật Ánh, Dương Thuấn, Cao Xuân Sơn, Hoài Khánh, Nguyễn Thế Hoàng Linh...”. (ThS. Nguyễn Thị Mai Quyên)