Thứ Ba, 15 tháng 11, 2016

Chuyện còn mất ở quê

Đặng Quỳnh Giang

(TBKTSG) - Tôi xa quê đã 20 năm và năm nào cũng về thăm gia đình, bà con, làng xóm một vài lần. Quê hương bây giờ đã đổi khác so với hai thập kỷ trước - khang trang, tiện nghi và cũng no ấm hơn rất nhiều. Dù vậy, những năm gần đây, ở quê đã hình thành những nếp sống, lối sinh hoạt mới, khiến những lần về của tôi không khỏi lạc lõng và ở đó, có những thứ đã mất đi, khiến lòng không khỏi tiếc nuối, ngậm ngùi.

Thói quen tiệc tùng là cái đáng nói đầu tiên. Đều đặn mỗi tháng, nhiều thì dăm bảy lần, ít cũng một vài bận gia đình tôi nhận được lời mời ăn tiệc. Bây giờ ở quê, người ta có nhiều dịp để làm tiệc lắm. Bên cạnh các lý do “cổ điển” như giỗ chạp, cưới xin, ma chay, mừng thọ, tân gia bây giờ lại có thêm nhiều lý do khác như đậu đại học, rửa xe, lên chức, lên lương, lên bằng, vào biên chế, về thăm quê, nhập ngũ, đi xuất khẩu lao động...

Người quê ra đường gặp ai cũng quen, từ “làng trên xã dưới” nên tần suất tiệc tùng càng dày đặc. Ngày trước, người quê mừng lễ, tiệc bằng nải chuối, cân nếp, con gà, thì giờ đi bằng phong bì, trung bình cũng phải 100.000 đồng cho một tiệc. Xã hội đã phát triển, đời sống được nâng cao, đi tiền vừa sang mà cũng tiện cho gia chủ. Thành thử, tiền mừng tiệc nghiễm nhiên trở thành khoản chi cố định và đang là gánh nặng, nỗi sợ hãi với nhiều gia đình nông thôn. Người “được mời” nhiều nhất trong xóm tôi, có tháng nhận đến 12 cái thiệp.

Hồi trước, người ta mời ăn tiệc vào buổi trưa hoặc tối, sau khi khách đã kết thúc việc công sở, ruộng đồng. Nay thời gian ăn tiệc rất kỳ lạ, tầm 8 đến 10 giờ sáng. Ai được mời thì xem như buổi đó khỏi làm việc, bởi nếu đi làm đồng hoặc đến công sở thì có khi vừa đến nơi đã phải quay về ăn tiệc. Tan tiệc thì đã trưa, đã vậy sau khi uống vài chén rượu, ly bia thì phải về nhà ngủ! Sự vô bổ, tốn kém, phiền toái của những bữa tiệc ở quê đang trở thành một hủ tục trầm kha và ngày càng nở rộ. Nhưng chẳng ai dám tiên phong làm khác bởi họ sợ những phản ứng tiêu cực, sự chê bai của xóm làng. Và rồi, người ta chấp nhận khoát nước theo mưa...

Ngày tôi còn ở quê, xóm làng nhiều cây xanh lắm. Cây cho bóng mát, che mưa bão, chống lũ, cung cấp và nuôi dưỡng bầu không khí trong lành, bình yên. Gần đây, với chương trình “Nông thôn mới”, xã và thôn xóm thực hiện rất nhiều đợt “phát quang”- chặt cành, tỉa ngọn, đốn hạ cây xanh. Rất nhiều cây có hàng trăm năm tuổi, là di sản của bao thế hệ cha ông để lại, có vai trò như hồn cốt làng quê, chứng kiến những thăng trầm, đổi thay hàng đời của cộng đồng đã bị đốn hạ không thương tiếc. Người ta lấy thước ra ngắm, cây nào lòi ra so với vạch đã quy định thì chặt, chặt hết! Đường thôn ngõ xóm bây giờ chỉ toàn bê tông và cột điện và ngày càng vắng tiếng chim hót. Thời tiết thay đổi ngày một khắc nghiệt, khó lường, đặc biệt là ở vùng nằm trong tầm ảnh hưởng nặng nề bởi gió Lào, là rốn của lũ bão, là tâm điểm của rét mướt như quê tôi. Một cây xanh bị đốn hạ đồng nghĩa với việc dân làng mất đi một người bạn chở che mình.

Quê tôi gần như nhà ai cũng có vườn tược rộng rãi, nên cả một thời gian dài, làng tôi cung cấp rau cho cả vùng vì trong vườn nhà ai cũng trồng rau và cây ăn quả. Giờ thì rất ít người trồng, vườn chủ yếu bỏ hoang cho cỏ mọc, cho gà đào bới. Ở nông thôn nhưng rất nhiều gia đình lựa chọn phương án mua rau, mua thực phẩm ở chợ thay vì tự nuôi trồng. Và có một nghịch lý là giá cả của rất nhiều mặt hàng ở quê tôi bây giờ, kể cả rau củ quả, thực phẩm đắt đỏ hơn trên phố.

Đường sá, cảnh quan có thể làm cho bộ mặt của làng quê mới hơn, hiện đại hơn. Nhưng người nông dân sẽ chỉ thực sự “mới” khi có người định hướng, dẫn dắt họ bỏ đi những hủ tục, lối sinh hoạt nhọc mình, tốn kém, phù phiếm hình thức. Và cái “mới” cần được bắt nguồn từ nội lực bên trong, bằng những phương thức sản xuất, canh tác, chăn nuôi tiến bộ và hiệu quả. Đi xa, lòng luôn nhớ và tha thiết về thăm quê. Nhưng về ở dăm bảy ngày lại muốn trở lại thành phố vì cảm giác xa lạ, lạc lõng ngay trên nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Làng xóm, ngõ thôn đang thay da đổi thịt từng ngày theo xu hướng đi lên của xã hội. Dù vậy, làm thế nào để phát triển kinh tế và đời sống người dân, mà vẫn giữ gìn, bảo tồn được các giá trị truyền thống - là cái đã làm nên hồn cốt xóm làng, là một câu hỏi chưa có lời giải đáp.