Thứ Ba, 8 tháng 11, 2016

Khi bệnh viện quá tải

Phạm Thanh Truyền

VNExp - Năm 2010, sau khi đoạt giải Nhất phương án kiến trúc Bệnh viện Nhi Đồng, TP Cần Thơ, tôi đã cùng nhiều chuyên gia y tế địa phương tiến hành nghiên cứu các số liệu để lập dự án khả thi.

Theo các tính toán, cộng cả những dự báo về vị trí trọng trách của Cần Thơ, phục vụ cho cả 11 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi ra được con số thống nhất sau cùng: đó sẽ là bệnh viện đa khoa nhi đồng với quy mô 500 giường.

Sau gần 5 năm thiết kế thi công, bệnh viện đã hoàn thiện và được đưa vào sử dụng với nhiều trang thiết bị hiện đại trên tổng thể kiến trúc sang trọng. Sau hơn 4 tháng bệnh viện đi vào hoạt động, trong một lần đưa các chuyên gia y tế, kiến trúc y tế châu Âu tham quan, tôi giật mình khi thấy bệnh viện lại quá tải, xuất hiện nhiều giường bệnh nằm hai bệnh nhi. Tôi hỏi bác sĩ giám đốc thì được ông cho hay: "Bệnh viện đã lên gần 700 bệnh nhân nội trú". Một bệnh nhi từ tuyến huyện lên thành phố chữa bệnh lại phải mang theo cả bố, mẹ, ông, bà, khiến bệnh viện càng quá tải hơn.

Bây giờ, nếu đi một lượt các bệnh viện công có uy tín tuyến cuối ở Việt Nam, hình ảnh quá tải trở nên rất đỗi bình thường. Tôi thấy rằng, nếu không có một sự phối hợp nhịp nhàng giữa các tuyến, thì tình trạng này khó mà khắc phục được trong tương lai gần.

Tại châu Âu, tổng số lượt khám trong ngày của một bệnh viện lớn có khi lên 3.000 lượt, trong khi bệnh viện chỉ có 300 giường nội trú, số ngày nằm viện trung bình của một bệnh nhân chỉ 2-3 ngày. Điều này có được là nhờ các bệnh viện ở tuyến cơ sở được phát triển tương đối đồng đều với các bệnh viện tuyến sau, giao thông đi lại thuận tiện, hệ thống kết nối qua mạng giữa các cơ sở y tế chuyên nghiệp, bài bản... Sau khi được điều trị tương đối ổn định, qua cơn nguy hiểm tại bệnh viện tuyến cuối thì bệnh nhân lại được chuyển về tuyến cơ sở điều dưỡng, chăm sóc. Như thế vừa giảm áp lực cho tuyến cuối mà chi phí điều trị của bệnh nhân cũng rẻ hơn, bệnh nhân được điều dưỡng ở gần nhà hơn...

Trong khi tại Việt Nam, tâm lý chung của người dân khi gia đình có người thân bị bệnh nặng, họ đều muốn đến bệnh viện lớn nhất, có tiếng tăm nhất. Nếu chuyển lên bệnh viện lớn rồi mà không may người thân qua đời, họ cũng cảm thấy khỏi áy náy ân hận...

Một khi đã lên tuyến cuối, thường người ta đều điều trị khỏi hẳn thì mới đưa về nhà. Do vậy thời gian nằm viện trung bình của một bệnh nhân tại các bệnh viện lớn của Việt Nam tầm 7-8 ngày. Tần suất nhập viện nhiều hơn xuất viện nên việc quá tải trở nên thường xuyên.

Hiện tại, ở TP HCM đã có mô hình phối hợp: một số bệnh viện công phối hợp với vài cơ sở điều dưỡng bên ngoài để giảm áp cho bệnh viện. Tuy nhiên, so với lượng bệnh nhân quá lớn thì việc này cũng chẳng thấm vào đâu.

Khi việc đầu tư cơ sở vật chất, con người của các bệnh viện tuyến dưới còn sơ sài, sự kết nối và hỗ trợ giữa các tuyến không mạch lạc, không đồng bộ thì việc bệnh nhân dồn lên tuyến trên sẽ mãi tồn tại.

Tôi nghĩ, nếu xã hội hóa y tế được tiến hành chuẩn mực, bài bản, rất nhiều doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác xây dựng những khu điều dưỡng với mức đầu tư hợp lý có chất lượng phục vụ tốt, nằm cạnh các bệnh viện lớn, góp phần giảm tải cho các bệnh viện.