Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2016

Chủ resort bên biển Cửa Đại hốt hoảng tự cứu mình

TPO - Lần đầu tiên, chủ khu nghỉ dưỡng du lịch tại bờ biển Cửa Đại - Hội An (Quảng Nam) mời các nhà khoa học, chuyên gia, nhà cung cấp giải pháp, vật liệu… trong và ngoài nước về gấp rút bàn cách cứu bãi biển này, mà trước tiên đó là cứu chính mình.

Đó chính là Palm Garden Resort nằm ở cánh bắc bãi biển Cửa Đại. Chủ resort này, ông Nguyễn Thanh Sang, thốt lên: “Biển lấn tới gần sát sau lưng rồi. Tình thế dầu sôi lửa bỏng lắm rồi”.

Trước đó, liên tiếp hàng loạt resort, khách sạn nằm dọc theo cánh nam bãi biển Cửa Đại đã bị biển nuốt hết bãi tắm. Sóng dữ ào lên tấn công đánh sập nhiều hạng mục, công trình quan trọng. Không ít công trình resort đã xây xong phần thô, phải bỏ hoang suốt mấy năm qua mặc cho sóng biển tấn công.

Nay đến lượt Palm Garden. Nằm cách khá xa, tưởng yên tâm, nay sóng đã chồm tới nơi, trắng xóa.

Hội thảo Các giải pháp kè mềm chống sạt lở bờ biển Cửa Đại do ông Sang phối hợp với Công ty CP Dệt công nghiệp Hà Nội (Haicatex) tổ chức tại khu nghỉ dưỡng này sáng nay 25/2, bày ra ngổn ngang những vấn đề nan giải.

Haicatex là nhà sản xuất vải địa kỹ thuật (Geobag) dùng để cung cấp cho các công trình kè biển bằng phương pháp kè mềm (đựng cát trên trong xếp thành bờ kè). Vật liệu này vốn vẫn phải nhập ngoại, nay đã được xuất khẩu sang Úc, Newzeland, Malaysia, Indonesia…
   
Chuyên gia kè biển Hendra Hidayat thuộc Công ty GSI đến từ Indonesia chia sẻ kinh nghiệm về việc dùng Geobag của Haicatex vào các dự án kè biển tại khu du lịch Bengkulu thuộc đảo Sumatra bị sạt lở hàng trăm cây số. Hiệu quả thu được có thể áp dụng với Cửa Đại.

Chuyên gia Douglas Sutherland phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Tập đoàn Huesker (Đức) đồng quan điểm, giới thiệu các giải pháp kè mềm chống sạt lở bờ biển đặc trưng mà Huesker đã cung cấp cho khách hàng khắp thế giới. 

PGS. TS Nguyễn Trung Việt – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ, Kinh tế và Thủy lợi miền Trung, nguyên Hiệu phó Đại học Thủy lợi khẳng định: Trước hết muốn cứu được Cửa Đại, cần phải thu thập đầy đủ mọi thông số kỹ thật chi tiết, liên quan đến địa hình, địa chất, sóng, dòng chảy… của vùng biển này.

Căn cứ của TS. Việt, đó là đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước do ông làm chủ nhiệm cùng các đồng sự của ĐH Thủy lợi thực hiện tại bờ biển Nha Trang, trước tình trạng sóng biển ăn mất bãi bắc. 

Công nghệ lần đầu tiên tại Việt Nam, ứng dụng video-camera để quan trắc dòng chảy ngầm dưới biển và thiết bị bay trên cao chụp xuống để giải toán mà Cửa Đại chưa dùng. Ngoài ra cần thiết bị đánh giá chi tiết động lực học của sóng, cơ chế vận chuyển của bùn cát bằng thiết bị LIDAR. 

Đồng nghiệp của ông Việt là PGS.TS Trần Thanh Tùng đề xuất phương án “nuôi cát”, “bẫy cát”. Bằng cách nuôi bãi, giảm tối đa thất thoát bùn cát ra ngoài, để bãi biển tự tái tạo. Nhiều nước đã nuôi cát thành công, như Đức, Hà Lan, Mỹ, Nhật, Singapore… Tại Việt Nam có tư nhân đã thực hiện tại Mũi Né (Bình Thuận).

Bậc thầy của hai ông Việt-Tùng là GS.TS Lương Phương Hậu chọn cách diễn giải một cách đơn giản nhất để ông chủ khách sạn và cử tọa có thể nắm bắt. Đó là sóng moi cát mang đi. Phải làm giảm sóng nhỏ lại. Muốn vậy phải ngăn từ bên ngoài. 

Và ngăn bùn cát lại không cho nó “một đi không trở lại” Bằng cách ngăn cát ngăn từ trong ra. Vị giáo sư già bảo sáng nay ông ra khu vực Cửa Đại, thấy có chỗ người ta xây các tường/kèđứng. Làm vậy sóng xô vào tạo sóng phản xạ, càng moi thêm cát đi ra.


Cuối buổi, hội trường xuất hiện một “nhân vật lạ” là ông Phạm Quốc Tuấn, kỹ sư cầu đường xuất thân từ Cienco 5. Ông Tuấn từng thi công cầu Cửa Đại, và hiện đang giúp xử lý sạt lở bãi biển cho một vài khách sạn khu vực này. Ông Tuấn nói, nếu các thầy là Tây y, thì ông là Đông y. 

Cách cứu Cửa Đại của ông, vắn tắt là tìm cách “khóa đáy” không cho cát thoát đi nữa. Còn phần trên sẽ tôn tạo lại bãi tắm bằng cách chở cát từ nơi khác…đổ về đây !? Muốn bãi tắm rộng dài bao nhiêu cứ việc đặt hàng. Ông làm xong bảo hành xong 2 năm mới lấy tiền !

Ông Huỳnh Tấn Đức – giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam, cho biết đây là hội thảo lần thứ 4 có mời chuyên gia nước ngoài về cứu Cửa Đại. 

Tuy nhiên hội thảo lần này lần đầu tiên do doanh nghiệp tự đứng ra tổ chức, mà ông đùa là hội thảo “phi chính phủ”. Ông Đức vắn tắt, cách gì thì cách, biện pháp phi công trình hay công trình, còn nhà quản lý chúng tôi chỉ chọn giải pháp phi công trình.

Kết thúc hội thảo, chủ Palm Garden, ông Nguyễn Thành Sang liên tục tỏ ra sốt ruột. “Tình thế đã dầu sôi lửa bỏng lắm rồi. Chúng tôi không chờ đợi nữa. Không hội thảo nữa, mà hành động. Tôi quyết mọi giá để bảo vệ bãi biển của mình. Tôi có thể sẽ chọn ngay phương án “Đông y’’của ông Phạm Quốc Tuấn. Chỉ sợ khi ấy chính quyền lại không cho phép ?!