Thứ Hai, 7 tháng 11, 2016

Xây thành phố thông minh: công nghệ không là yếu tố quyết định

TIẾN LONG ghi

TTO - Bài học của Nhật chứng minh rõ công nghệ không phải là yếu tố quyết định thành công khi xây dựng TP thông minh.

“Chính quyền TP.HCM đã đề cập rất nhiều đến việc “kiến trúc vì một TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”. Nếu thật sự xây dựng được bốn yếu tố đó, cùng với sự thực thi pháp luật minh bạch, nghiêm minh là đủ để đặt một nền móng vững chãi cho TP.HCM xây dựng thành công mô hình đô thị thông minh - Ông YuJi Koyama

Ông Yuji Koyama - giám đốc Công ty PMC Community (liên doanh Nhật - Việt quản lý bất động sản), là kiến trúc sư theo dõi và nghiên cứu quá trình xây dựng mô hình TP thông minh tại Nhật - chia sẻ một số bài học từ sự “dở dang” của đề án TP thông minh của Nhật.

Bài học của Nhật chứng minh rõ công nghệ không phải là yếu tố quyết định thành công khi xây dựng TP thông minh.

Kinh nghiệm từ Nhật Bản

Năm 2008, Chính phủ Nhật Bản bắt tay vào xây dựng đề án TP thông minh. Đến năm 2012, đề án hoàn thành và thí điểm tại bốn TP: Yokohama Kanagawa, Kyoto, Toyama và Kitakyushu.

Những TP này có nền tảng công nghệ phát triển hiện đại, xã hội được tổ chức quy củ, văn minh... Thời điểm xây dựng đề án, chúng tôi kỳ vọng tạo hình được những TP thông minh đầu 
tiên trên thế giới.

Tuy nhiên, việc đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, phương tiện hiện đại cho TP thông minh được thực hiện nhanh chóng và cơ bản hoàn thiện chỉ trong vòng ba năm. Nhưng đến giai đoạn tạo lập hệ thống dữ liệu chung cho toàn TP thì mọi chuyện chững lại.

Nguyên nhân là do cả chính phủ và doanh nghiệp đều lúng túng về vấn đề luật pháp, cơ chế phối hợp thông tin liên quan đến việc công khai, bảo mật thông tin cá nhân. Cho đến nay, đề án TP thông minh của Nhật vẫn còn dở dang.

Bài học của Nhật cho thấy dù có “nền móng” công nghệ được thiết lập vững chắc và “nền móng” xã hội có độ dày nhiều năm như các TP của Nhật, chỉ cần một vướng mắc về luật pháp cũng đã khó khăn trong xây dựng TP thông minh.

Vậy bài toán đặt ra cho chính quyền TP.HCM là có “dám” thay đổi để tạo lập một “nền móng” vững chắc trước khi nghĩ đến xây dựng TP thông minh hay không?

Nền tảng đó bao gồm hạ tầng xã hội, bộ tiêu chuẩn, triết lý sống chuẩn mực của một TP thông minh. Trong đó, việc thực thi luật pháp rất quan trọng, nó tạo ra niềm tin và ý thức cộng đồng cao cho người dân.

Nếu không có triết lý, tiêu chuẩn, lộ trình chuẩn cho việc xây dựng TP thông minh, chính quyền dễ sa đà vào việc mua sắm, đầu tư công nghệ tràn lan, với số tiền khổng lồ nhưng không sử dụng hiệu quả.

Đừng đốt cháy giai đoạn

Nói ra những khó khăn không phải để không làm. Việc TP.HCM đã quyết tâm và chủ động xây dựng TP thông minh là điều cần thiết.

Tuy nhiên đó là cả một lộ trình dài, cần có bước đi thận trọng, không thể đốt cháy giai đoạn. Qua kinh nghiệm của mình, tôi nghĩ TP thông minh phải bắt đầu từ thay đổi văn hóa, xã hội, thể chế, thực thi luật pháp.

Những thay đổi này dù không phải TP thông minh cũng phải cần thực hiện, nếu không TP.HCM sẽ trở nên lạc hậu, thụt lùi.

Trước hết, mục đích xây dựng TP thông minh là phục vụ cho con người, vậy cần phải định nghĩa như thế nào là con người thông minh (smart people). Phải có chiến lược phát triển con người, xây dựng hạ tầng xã hội để đảm bảo tất cả các công dân là chủ nhân của TP thông minh.

Các yếu tố về văn hóa, giáo dục, luật và thực thi luật pháp... là những nền tảng cơ bản để tạo ra những con người thông minh. Bên cạnh đó, cần đảm bảo một TP sống động để làm sao mọi người đều được chia sẻ dịch vụ của TP.

Kế tiếp, TP.HCM cần có cách tiếp cận để các cá nhân, tổ chức, cơ quan trong xã hội đều hướng tới mục tiêu phổ quát của TP thông minh.

Trong đó chú trọng nhất tới mục tiêu về nền tảng thiết bị, công cụ công nghệ thông tin; các tiêu chuẩn, chuẩn mực hạ tầng; các thiết bị liên quan đến dữ liệu; thiết bị đo dữ liệu.

Đồng thời, phải định nghĩa rõ trách nhiệm, phạm vi công việc của các bên liên quan trong hợp phần của TP thông minh, làm rõ ai được tiếp cận cái gì, tiếp cận như thế nào... Nói cách khác là phải phân quyền sử dụng phương tiện trong 
TP thông minh.

Bên cạnh đó, TP.HCM cần xây dựng được những hạ tầng cần thiết cho TP thông minh, bao gồm tất cả hạ tầng xã hội (tiêu chuẩn tòa nhà, công viên, sân vận động), hạ tầng năng lượng, hạ tầng viễn thông, giao thông vận tải, xử lý nước thải, y tế và an ninh 
an toàn xã hội.
***

Xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia

Singapore với diện tích và quy mô dân số nhỏ, không có nhiều cấp chính quyền, điều chỉnh pháp luật và triết lý sống chỉ trong phạm vi hẹp, nhưng phải đến khi có nền tảng hạ tầng xã hội phát triển họ mới “dám” tuyên bố xây dựng TP thông minh, quốc gia thông minh.

Còn Việt Nam, kể cả Nhật Bản và các nước khác trên thế giới, để xây dựng TP thông minh cần điều chỉnh rất nhiều, phạm vi điều chỉnh rộng.

Vì vậy, tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam phải xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia về TP thông minh và cho phép TP.HCM thí điểm mô hình, khi thí điểm thành công thì cho phép nâng tầm thành chính sách quốc gia.

Tránh chuyện sau khi TP.HCM xây dựng thành công nhưng toàn quốc lại có bộ tiêu chuẩn, luật pháp quy định khác, sẽ dẫn đến việc TP.HCM không kết nối 
được với cả nước.