Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2016

Muốn chống ngập phải biết... giữ nước

Lê Quỳnh thực hiện

Người Đô Thị - Quy hoạch đô thị và những giải pháp phi công trình được nhà quy hoạch Nguyễn Đỗ Dũng phân tích với Người Đô Thị như một trong những lời giải cho bài toán “biến” ngập lụt từ thách thức trở thành sức mạnh đô thị của TP.HCM.

Đầu tư gần 30.000 tỉ đồng từ năm 2008, nhiều khu vực trước đây ở TP.HCM được ví như “rốn ngập” nay đã không còn nữa, nhưng những tuyến đường chưa từng ngập giờ trở thành “sông”. Tương tự, số điểm ngập bắt đầu tăng trở lại (năm 2008: 126 điểm ngập, năm 2011: 58 điểm, năm 2015 còn 23 điểm ngập, năm 2016 tăng 59 điểm). Tuy nhiên theo các chuyên gia, con số này vẫn chưa phản ánh hết thực trạng. Cùng với kinh nghiệm và nghiên cứu của mình, theo ông nguyên nhân chính nào dẫn đến tình trạng này?

Có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là hệ thống thoát nước yếu kém nên không ứng phó được các trận mưa và lượng nước mưa chảy trên bề mặt (không thấm vào lòng đất hoặc bốc hơi) ngày càng lớn. Thứ hai là địa hình của thành phố rất thấp, 60% diện tích thành phố (bao gồm cả vùng nông thôn) có cao độ dưới 1,5m - thấp hơn mực nước triều cường. Số tiền khổng lồ mà thành phố đã đầu tư lâu nay chủ yếu để nâng cấp hệ thống cống của thành phố, do đó đã giảm được ngập tại các vị trí ngập do năng lực hạ tầng. Tuy nhiên giải pháp này không thể giải quyết ngập tại các điểm thấp trong thành phố vốn ngày càng ngập rộng và thường xuyên hơn do mực nước biển dâng cao. Cũng vì lý do này mà vừa rồi thành phố đã khởi động xây dựng hệ thống đê bao và các cống ngăn triều.

Nhưng ông từng cho rằng xây dựng hệ thống đê bao và cống ngăn triều là những giải pháp vô cùng tốn kém mà lại không giúp giải quyết bản chất vấn đề. Vậy giải pháp cho những quy hoạch đã được phê duyệt sẽ là gì?

Xây đê bao có thể giảm ngập tại khu vực thấp tức thì nhưng đồng thời cũng đẩy mực nước sông Sài Gòn lên rất cao do diện tích ngập bị giảm đáng kể. Nghiên cứu của một chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực này ở TP.HCM cho thấy nếu bỏ đi hệ thống đê bao hiện nay do người dân tự đắp thì mực nước sông Sài Gòn giảm tới 20cm. Với những biến đổi bất thường của khí hậu, hệ thống đê bao hoặc sẽ phải đầu tư vô cùng tốn kém từ ban đầu, hoặc sẽ phải liên tục được nâng cấp để đuổi theo tốc độ gia tăng đỉnh triều cường. Một vấn đề nữa của đê bao là khi sự cố xảy ra thì hậu quả thường vô cùng lớn bởi hệ thống hạ tầng cũng như con người không được chuẩn bị cho tình huống ngập. Ngay cả quốc gia có hệ thống đê biển tốt nhất thế giới là Hà Lan, nơi mà đê có thể ngăn được các cơn ngập 10.000 năm mới xảy ra một lần, cũng phải tìm rất nhiều các giải pháp mềm và chấp nhận giành thêm không gian cho nước.

Thu gom nước mưa để dùng trong sinh hoạt từng rất phổ biến trong các đô thị Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Đỗ Dũng
Theo tôi có hai giải pháp “phi công trình” mà thành phố có thể cân nhắc: một là giữ lại tại chỗ một lượng nước mưa để giảm lưu lượng đổ vào hệ thống cống của thành phố, hai là tạo ra các khu vực cho phép ngập mà không ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Cụ thể, giải pháp đầu là khuyến khích và dần chuyển sang bắt buộc tất cả các công trình trong thành phố từ nhà dân tới công sở có bể chứa nước mưa để giảm lượng mưa đổ vào hệ thống cống của thành phố. Việc này giúp kéo dài thời gian hệ thống cống của thành phố đạt cực đỉnh và giảm quy mô của lượng nước mưa này, giúp giảm nguy cơ ngập lụt.

Nước mưa gom được có thể dùng làm mát công trình, tưới cây, rửa xe... thay vì phụ thuộc hệ thống nước sạch của thành phố vốn cũng đang quá tải. Như vậy chúng ta giải quyết một nghịch lý là nước mưa, vốn khá sạch, đang bị đối xử như chất thải cần đẩy khỏi cuộc sống đô thị càng nhanh càng tốt, trong khi thành phố lại phải bơm và lọc nước từ nguồn ở xa. Việc hứng nước mưa trong nhà từng khá phổ biến ở đô thị Việt Nam trước kia, và giờ được đưa vào quy định xây dựng ở nhiều nước từ Hà Lan, Canada tới Singapore.

Tại Singapore, nơi tôi đang làm việc, chúng tôi đã thiết kế thử nghiệm một khu đô thị mật độ cao nhưng có khả năng giữ lại tại chỗ đến 50% lượng nước mưa thông qua hệ thống mái xanh, bể ngầm và một công viên nhỏ có vai trò như vùng chứa nước mưa tạm thời. Tại Atlanta (Mỹ), nghiên cứu của tôi đã chứng minh rằng nếu các công trình trong khu trung tâm thành phố đều có bể chứa nước mưa quy mô nhỏ và kết hợp với chứa nước mưa tạm thời trong công viên thì có thể giảm gần 40% lượng nước của một cơn mưa theo chu kỳ 25 năm đổ vào hệ thống cống của thành phố - giảm đáng kể rủi ro ngập lụt.

Bản đồ khu trung tâm TP.HCM, các công trình có địa hình dưới 1,5m được tô màu tím. Ảnh: Nguyễn Đỗ Dũng
Giải pháp thứ hai là chấp nhận cho phép một số khu vực ngập ở mức độ có thể chấp nhận được, để giảm áp lực vào hệ thống cống của thành phố cũng như “giải cứu” các khu vực hiện bị ngập trầm trọng. Hệ thống cống của chúng ta về cơ bản là thiết kế theo dạng xương cá, tức cống nhỏ đổ ra cống lớn rồi đổ ra cống lớn hơn. Do đó mà các khu vực ở địa hình thấp hơn, hạ nguồn trở thành “rốn ngập” khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, việc giữ lại một phần nước mưa ở những khu vực cao hơn sẽ giảm gánh nặng thoát nước cho khu vực thấp trũng.

Trong điều kiện nền đất thấp của TP.HCM, giải pháp này còn có một ý nghĩa thực tiễn là tăng diện tích không gian cho nước để hạ mực nước trung bình, tức làm giảm mức độ trầm trọng của ngập lụt bằng cách tăng diện tích bị ngập. Đây là một tiếp cận không dễ chấp nhận nhưng thiết thực. Giảm ngập hoàn toàn ở TP.HCM là điều vô cùng khó khăn và đòi hỏi một chi phí vô cùng lớn. Thay vào đó, thành phố nên nghĩ cách làm sao để khi ngập thì đời sống của người dân không bị ảnh hưởng trầm trọng như hiện nay.

Một trong những nơi đã đi tiên phong trong giải pháp này chính là Hà Lan, nơi có hệ thống phòng chống ngập lụt tốt nhất thế giới. Tại các thành phố của Hà Lan, sân thể thao, công viên, quảng trường được hạ cote để trở thành nơi chứa nước mưa tạm thời. Ngay cả bãi đỗ xe và đường xá cũng được hạ cote nền để cho phép ngập độ 20cm (mức độ không ảnh hưởng đến giao thông) khi mưa lớn xảy ra.

Thực ra hai giải pháp trên giống nhau là chia sẻ gánh nặng thoát nước dồn lên hệ thống hạ tầng, và một số khu vực thấp trũng của thành phố. Khó khăn lớn nhất của việc thực hiện hai giải pháp này là cần sự đồng lòng và chia sẻ trách nhiệm của toàn xã hội đối với một vấn đề vốn được cho là việc của chính quyền. Để tạo ra sự đồng lòng đó, thành phố cần xây dựng được lòng tin với người dân về quyết tâm cũng như sự minh bạch và công tâm của người làm chính sách khi áp dụng một giải pháp đụng đến quyền lợi của rất nhiều người. 

Theo quy hoạch, thành phố sẽ xây thêm 103 hồ điều tiết nằm khắp thành phố, trong đó, sẽ thí điểm 3 hồ Bàu Cát (Tân Bình), Gò Dưa (Thủ Đức), Khánh Hội (quận 4). Điều này khó khả thi bởi vấn đề quỹ đất, giải tỏa, đền bù, tái định cư?

Tôi không cho rằng việc này khó khả thi. Nếu có thì là do thành phố đưa ra chính sách theo kiểu áp đặt một mệnh lệnh hành chính, mà không xét đến các yếu tố thị trường vốn có tính quyết định trong việc sử dụng đất đai trong xã hội.

Thứ hai, tôi nghĩ rằng thành phố không nhất thiết phải xây dựng tất cả các hồ trên bằng ngân sách mà có thể dùng hình thức BT hoặc đưa vào như một quy định trong các dự án bất động sản. Nhưng nếu là quy định thì trong quá trình đưa ra chính sách này, thành phố phải mời tư vấn tài chính bất động sản để chắc chắn rằng quy định đó khả thi về mặt kinh doanh, đồng thời tham vấn các nhà phát triển bất động sản.

Thực tế việc xây dựng các hồ điều tiết này sẽ giúp tăng giá trị đất đai khu vực xung quanh hồ một cách trực tiếp là tạo cảnh quan hấp dẫn, và gián tiếp là giảm thiểu nguy cơ ngập lụt. Việc gia tăng giá trị đất đai này cho phép hai khả năng: thành phố đầu tư xây hồ rồi bán đất xung quanh hồ với giá trị cao hơn để thu hồi vốn, hoặc thành phố ra quy định bắt buộc nhà đầu tư phải xây hồ rồi tự cân đối tài chính. Việc ra quy định như thế đã áp dụng ở nhiều nước như Malaysia có quy định mọi dự án bất động sản lớn hơn 2,5ha đều phải giành 4% diện tích xây hồ điều hòa.

Vai trò quan trọng của quy hoạch đô thị trong giải quyết ngập lụt đô thị đã được ông và nhiều chuyên gia nhấn mạnh trong thời gian qua. Nhìn lại, ông nhận thấy vai trò của quy hoạch đô thị đã được áp dụng hiệu quả chưa?

Nghiên cứu của cá nhân tôi với số liệu hạn chế cho thấy, trong vòng 20 năm từ 1990 - 2010, diện tích đô thị hóa tăng hơn 4 lần trong khi dân số chỉ tăng hơn 2 lần, đặc biệt có tới 4.400ha đất có cao độ thấp, dưới mức nước báo động 3 (1,3m) bị đô thị hóa làm thay đổi đáng kể thủy hệ sông Sài Gòn, và dẫn tới thực tế là mực nước sông tăng nhanh hơn mức tăng của mực nước biển và lượng nước bề mặt tăng lên trên mỗi đơn vị mưa.

Ví dụ về một sân chơi được sử dụng làm bể chứa nước mưa tạm thời tại Rotterdam (Hà Lan) khi mưa xảy ra (hình trên) và khi không có mưa. Ảnh: Nguyễn Đỗ Dũng
Không chỉ quy mô đô thị hóa mà mô hình đô thị hóa cũng thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Đô thị Sài Gòn ngày càng phát triển lan tỏa vô tổ chức, nhưng lại không có những khoảng hở cho thiên nhiên giữa các khu vực đô thị cũng khiến thủy hệ bị bế tắc và rủi ro ngập lụt tăng lên. Trong khi đó, các giải pháp bấy lâu nay vẫn là giải pháp công trình vốn có thể có kết quả tức thì nhưng không đủ để giải bài toán ngập lụt.

Tôi nghĩ rằng thành phố cần làm lại quy hoạch chung với một số nguyên tắc quy hoạch cần được xác lập: mở rộng thêm không gian cho nước; thiết lập các hành lang xanh dọc theo các tuyến sông và kênh; chấm dứt việc lan tỏa tự phát từ lõi đô thị hiện hữu, mà phát triển các đô thị vệ tinh khép kín ở rìa thành phố và tách biệt với thành phố hiện hữu bởi hành lang xanh; đưa ra quy định pháp lý về việc bố trí hồ điều hòa trong các dự án đô thị và bố trí bể chứa nước mưa trong các dự án công trình; và cuối cùng là nghiên cứu xây dựng đô thị sông nước không dùng đường bộ mà đường thủy như phương cách giao thông chính - một đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thực hiện những giải pháp trên không chỉ giúp thành phố thích ứng với ngập lụt và biến đổi khí hậu, mà còn biến thách thức trở thành sức mạnh, nét đặc trưng, bản sắc của thành phố như các thành phố ở Hà Lan đã làm được với vấn đề ngập lụt, như Singapore đã thành công với vấn đề cấp nước sạch và Hongkong đã đạt được trong công nghệ xây dựng nhà cao tầng.
***

Nguyễn Đỗ Dũng là nhà quy hoạch và thiết kế đô thị có hơn 10 năm kinh nghiệm quốc tế về phát triển đô thị, khu kinh tế và các khu đô thị tại hơn mười quốc gia tại Bắc Mỹ, châu Á và vùng Trung Đông. 
 
Gần đây nhất, ông Dũng là người lập chiến lược phát triển đô thị cho bang Andhra Pradesh (Ấn Độ) với quy mô dân số đô thị 24 triệu người, điều chỉnh quy hoạch cho khu công nghệ cao Silicon Oasis của chính phủ Dubai và lập quy hoạch đặc khu Kyaukphuy, một trong ba đặc khu kinh tế đầu tiên của Myanmar.

Tại Việt Nam, ông Dũng là người chủ trì quy hoạch một số khu đô thị quy mô lớn và thường xuyên viết bài trên các diễn đàn thông tin đại chúng về vấn đề đô thị. Sự đóng góp của ông Dũng trong lĩnh vực phát triển đô thị được ghi nhận qua giải thưởng thiết kế đô thị của thị trưởng thành phố Calgary (Canada), giải thưởng cho đồ án xuất sắc của Hội Quy hoạch Hoa Kỳ và Hội Quy hoạch Singapore cũng như giải thưởng báo chí của Hội Nhà báo TP.HCM.

Ông tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành đô thị học tại Đại học Calgary (Canada) và thạc sĩ về quy hoạch thành phố và vùng tại Viện Công nghệ Georgia (Hoa Kỳ) theo học bổng Fulbright.