(Dân Việt) Ngày 12.10 nhiều người đã rơm rớm đứng vĩnh biệt một công trình đang phân rã trong tiếng búa, gạch rơi đá vỡ nhưng cái hồn của nó đã quen thân như người nhà, như bạn cũ. Tình trăm năm đâu có nhẹ!
Sau nhiều năm tranh cãi với những ý kiến trái chiều, cuối cùng ván đã đóng thuyền và hôm 12 tháng Mười vừa qua, nhiều người Sài Gòn chỉ còn biểu hiện một cử chỉ nuối tiếc cuối cùng là về trung tâm để nói lời vĩnh biệt Thương Xá TAX. Tiếng búa rộn ràng, máy khoan chạy hết công suất, những mảnh ghép mô-dai-ic độc đáo, cầu thang cuốn, mái vòm, họa tiết của Art Décor quen thuộc đã được gỡ ra. Thứ được cất kỹ để gắn lại vào công trình 40 tầng (với một số chi tiết giả cổ) sắp xây, thứ được đổ bỏ cùng gạch vụn xà bần.
Cái thương xá cũ kỹ có trên 130 năm tuổi hiện đang xập xệ do kém bảo trì và nhiều bất tiện cho việc buôn bán. Nó không thể thắng được trong một cuộc đua lấy lợi nhuận làm đích cán với một tòa cao ốc hiện đại, đưa lại tiền và niềm say mê khó từ bỏ của nhiều người, nhiều nhóm ngay khi chỉ mới hình thành trên giấy. Tranh cãi chán rồi, nhiều rồi. Không ai trở lại những lăn tăn trước đây về chuyện nên hay không đập bỏ TAX, gạo đã thành cơm thì miễn bàn.
Nhưng lợi ích, hiện đại hóa là một nhẽ, tình cảm đi một nhẽ. Hôm 25.9, ngày cuối cùng TAX đóng cửa báo Thanh Niên viết: “Vào 14 giờ hôm nay, người dân TP.HCM bắt đầu quen với hình ảnh không còn khu thương xá thân thuộc mỗi khi có dịp đi ngang khu vực trung tâm TP. Nhiều nhân viên làm việc tại đây không cầm được nước mắt.” Hôm ấy nhiều người không cầm được nước mắt. Ngày 12.10 thì nhiều người đã rơm rớm đứng vĩnh biệt một công trình đang phân rã trong tiếng búa, gạch rơi đá vỡ nhưng cái hồn của nó đã quen thân như người nhà, như bạn cũ. Tình trăm năm đâu có nhẹ!
Tình cảm người Sài Gòn dành cho TAX đã không ngăn được cái chết của nó. Giờ không phải là lúc bàn tới “phá hay giữ” công trình nổi tiếng từng gắn bó với cuộc sống Sài Gòn hàng trăm năm mà chỉ nên suy nghĩ (hay rút ra bài học) với những gì còn lại của Sài Gòn và nhiều thành phố khác trên đất nước.
Nhiều tòa nhà cao to sừng sững mới xây trên khu đất chứa đựng lịch sử này đã đè lên, xóa đi những quán xá quá nhỏ của “ngày xưa”, những cà phê Givral, hành lang Eden, quán cơm “Bà Cả Đọi”…
Và ngay cả cái “thương xá” to đùng nhưng “lạc hậu”. Quả thật, những cái quán cóc hay cả mấy tầng lầu Thương Xá đi nữa, thật bé nhỏ, thật “quê mùa” giữa khối kiến trúc hiện đại sừng sững mà bốn mươi năm qua người ta đã kịp trùm lên khu đất vàng này như một thành quả của phát triển. Những cái bé, cái quê một cục hình hài lại có thế mạnh của hồn người bất tử được gọi chung là quá khứ.
Phế tích của Rome, quán sách cũ bờ sông Seine của Paris, cà phê cóc bên quảng trường Saint Michel ở Bordeaux hay hầm rượu vang cổ tối như hũ nút, chật chội gần thành Eger (Hungary) và ngay những khu phố cổ đầy bất tiện, ồn ào, ô nhiễm và nhiều khi chen chân không nổi của Hà Nội vẫn được du khách tìm đến.
Họ đến không phải để trầm trồ cái vĩ đại, cái tân kỳ, cái sạch như lau như ly của công trình, quán xá, thứ này nhan nhản khắp hành tinh, mà đến để trò chuyện với hồn của nhà của đất, đến để gặp lại chính mình ngày xưa xa lắc. Que kem được ăn đầu đời, cốc cà phê đầu tiên trong đời, người tình đầu tiên và cuộc gặp gỡ đầu tiên…
Có quá nhiều sự khác nhau, quan niệm khác nhau và cả cách tính toán các bài toán kinh tế, lợi nhuận khác nhau. Trong thế giời hòa nhập hiện đại này, ở Rome, ở Paris hay ngay cả ở Hà Nội không ít những công trình cổ mang lại lợi nhuận nhờ bán vé cho du khách lớn hơn rất nhiều, trường cửu hơn rất nhiều nếu đập đi để kinh doanh. Cái phần hồn, có thể với người này là vô tích sự, thậm chí vớ vẩn, những với nhiều người khác lại nặng gấp ngàn lần thể xác, quan trọng thiết thân với cuộc sống gấp ngàn lần!
Trước năm 1993, người ta đã nông cạn nuôi cá thịt và cho du khách ngồi xe vịt đạp nước trên Hồ Gươm để kiếm ít tiền lẻ cho ngân sách. Nếu không có báo chí và công luận lên tiếng để chính quyền dẹp kịp thời thì chắc cảnh ngư phủ cởi trần kéo lưới bắt cá và những cặp tình nhân dập dìu ngồi xe đạp nước lên Tháp Rùa tình tự vẫn còn tiếp diễn. Khó mà cân đong đo đếm những tấn cá và tiền vé du hí thu ở Hồ Gươm so với một Hồ Gươm còn giữ lại hồn thiêng sông núi. Và tôi nhớ hồi đó đã có người đưa dự án xây lại Tháp Rùa to đẹp hơn nhiều lần!
Mong sao chuyện đã rồi của Thương Xá TAX không lặp lại một thành cổ nham nhở ở Sơn Tây, một cổng thành nhà Mạc giống lò gạch ở Tuyên Quang hay một ô Quan Chưởng vài năm tuổi ở Hà Nội. Nhà Nước Pháp phải mất hơn 60 năm đối thoại, đấu tranh mới phá dỡ được cái trại lính Saint Livrade trước đây là nơi cư trú của gia đình vợ lính người Việt trong chiến tranh Đông Dương. Xin hãy cẩn trọng với những gì đã gắn bó với hồn người!
Khi thành Xô Đôm bị hủy diệt bởi lửa diêm sinh, người vợ đa cảm của Lốt đã không nghe lời dặn của Thiên Sứ mà quay đầu nhìn lại mảnh đất kỷ niệm của mình nên bị biến thành một cột muối (Kinh Thánh). Nhà thơ lớn nước Nga Anna Akhmatova có một câu thơ ca ngợi người vợ can đảm này: “Trái tim tôi chẳng bao giờ quên được /Kẻ hiến dâng đời cho mỗi cái nhìn thôi”( ЛОТОВА ЖЕНА-Лишь сердце мое никогда нее забудет/Отдавшую жизнь за единственный взгляд – NQT dịch).
Người dân Thành phố HCM còn “rơm rớm nước mắt” vĩnh biệt TAX là còn yêu, còn gắn bó với thành phố quê hương. Khi “Quanh hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê / Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ” (Chế Lan Viên) mới là đáng sợ!