Thứ Ba, 17 tháng 1, 2017

“Không để dân ra đường, sẽ hết ùn tắc!”

THANH HẢI

LĐO - Ngày 12.1, lãnh đạo Hà Nội công bố cuộc thi tuyển ý tưởng phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với phần thưởng lên tới 300.000 USD. Ngay sau khi biết thông tin trên, KTS Hồ Duy Diệm (Đà Nẵng) - một chuyên gia quy hoạch đô thị - đã liên lạc với PV Báo Lao Động, cho biết ông đã có ý tưởng, sẽ hiến kế cho Hà Nội. Giải pháp là: “Lập lại bán kính phục vụ, không để dân ra đường”.

Thoáng nghe, tôi đã sốc với ý tưởng “không để dân ra đường”, nhưng qua phân tích của KTS Diệm, mới thấy giải pháp của ông thực sự là một triết lý quy hoạch... 

Cần bắt đúng bệnh

Trước khi đưa ra ý tưởng mà ông dự định sẽ hiến kế cho Hà Nội, KTS Hồ Duy Diệm cho biết mình đã 83 tuổi, và suốt đời từng gắn bó với công tác quy hoạch đô thị. Ông đã nghỉ hưu từ lúc 55 tuổi, nhưng cho đến bây giờ chưa từng ngơi nghỉ, trăn trở về vấn đề quy hoạch, bức xúc với những vấn nạn đô thị phi quy hoạch, trái quy luật ở các TP lớn hiện nay.

Kiến trúc sư Hồ Duy Diệm, từng học chuyên ngành về quy hoạch tại Liên Xô (cũ), là chuyên gia quy hoạch tại Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn, Bộ Xây dựng, tham gia công tác quy hoạch TP. Hà Nội và các đô thị Bắc Bộ từ 1962 - 1975. Làm công tác quản lý quy hoạch với tư cách KTS trưởng của TP. Đà Nẵng từ 1976 - 1996, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch TP. Đà Nẵng...

Vấn nạn tắc đường và quá tải các dịch vụ ở các đô thị lớn nói chung và Hà Nội, TPHCM hiện nay nói riêng là đã rất nghiêm trọng. Muốn đưa ra bất cứ một phương án, giải pháp khả thi nào, thì trước mắt cần “bắt đúng bệnh” thì mới tháo gỡ được: “Người dân ra đường để làm gì? Họ đi đâu mỗi ngày? Vì sao phải đi lại nhiều trên mặt đường đô thị đến thế? Vì sao dân đô thị ở Việt Nam lại dùng phương tiện cá nhân?... Nếu có cách làm cho dân không ra đường nữa, thì sẽ hết tắc đường!”- Ông Diệm “treo” sự ngạc nhiên của tôi ở đó, rồi đi ngược lại câu chuyện xây dựng bộ tiêu chuẩn VN về xây dựng cơ bản và quy hoạch đô thị mà ông đã tham gia từ năm 1962, đó là “bán kính phục vụ”.

Ngoài quy hoạch chi tiết bản đồ 1/500, bất kỳ khu dân cư, đô thị nào cũng buộc phải tính toán lượng dân số để đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản như 100m2/đầu người. 15m2 giao thông/người; 15m2 cây xanh/người... Từ đó, mới áp dụng được bán kính phục vụ cụ thể. Ví dụ, gửi trẻ mầm non không quá 500m, tập dưỡng sinh, gửi ôtô, xe máy... không quá 500m; bậc tiểu học, đến trường, đi mua sắm gia dụng, đến cơ sở y tế... không quá 1.000m. Đến nơi công cộng khác, chờ xe buýt là không quá 10 phút. Tương tự, các hoạt động xã hội công cộng lớn hơn sinh hoạt đời sống thường nhật, thì bán kính phục vụ lớn hơn theo tỉ lệ đó. Nếu áp dụng đúng “bán kính phục vụ đó” để làm quy hoạch, xây dựng, bố trí dân cư, thì không việc gì người dân phải ra đường để bị kẹt xe, ùn tắc giao thông.

Ông Diệm kể, từ khi quy hoạch, xây dựng tập thể Kim Liên (1962), Trung Tự... ở Hà Nội, chúng tôi đã áp dụng “bán kính phục vụ” để quy hoạch. Nhưng rồi công tác đó không được đồng bộ toàn TP và duy trì xuyên suốt các thời kỳ. Dân số tăng, mỗi gia đình ngăn phòng, làm chuồng cu, lấn công viên, lấp hồ để rồi chen nhau ở hết không gian vốn dành cho công cộng. Các đô thị khác cũng “làm ngơ” hoặc cố tình không áp dụng các “tiêu chuẩn VN” trong xây dựng, cắt xén diện tích công cộng, cây xanh, thậm chí thay đổi quy hoạch ban đầu để tăng số nền đất, bán tận thu. Các đô thị, lại “đẻ ra” trường chuyên, lớp chọn, trường điểm để rồi đua chen nhau đưa con đến học cho hơn người... Đó là căn bệnh cần phải thấy rõ.

Siết chặt quản lý đối với dự án mới

KTS Diệm cho biết ông rất đồng tình với phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về 5 cụm chung cư 40 - 50 tầng ở Giảng Võ: “Không cấm việc xây cao tầng, nhưng phải đảm bảo hạ tầng thì mới cho xây”. Hạ tầng được hiểu ở đây tức là bán kính phục vụ. Với những chung cư cao tầng, các tiểu khu dân cư, đô thị cấp phép mới cần buộc nhà đầu tư tuân thủ quy hoạch, áp dụng “bán kính phục vụ” nhưng một triết lý xuyên suốt để làm sao cho người dân không ra đường. Mặt khác, cần quy định chặt chẽ mật độ dân cư đô thị để đảm bảo diện tích công cộng, giao thông, công viên cây xanh theo đầu người đúng tiêu chuẩn sẵn có tại Bộ XD.

“Tôi thấy hướng Hà Đông - Hà Nội tắc đường buổi sáng, và hướng ngược lại thì tắc buổi chiều. Vì cho dù có XD thêm nhiều nhà cao tầng, khu đô thị mới ở Hà Đông, Hà Tây, Hòa Lạc... thì người dân cũng phải vào nội đô để làm việc, đưa con đi học, chữa bệnh... nếu không đảm bảo bán kính phục vụ tại chỗ cho họ”. KTS Diệm phân tích, để giải quyết vấn nạn tắc đường Hà Nội, không thể chỉ dựa vào quyết tâm cao của Chính phủ, mà phải là câu chuyện trách nhiệm của toàn xã hội. Cần có tiền, thời gian, để dãn dân, bổ sung những sai lầm quy hoạch, XD và bố trí dân cư. Bổ sung quy định về “bán kính phục vụ” như một pháp lệnh, buộc mọi đô thị phải áp dụng. Trước mắt, cần di dời các trường ĐH, cơ quan hành chính, bộ ngành, ra khỏi nội đô...”.

Ở tuổi thượng thọ, KTS Diệm khó có thể tự hoàn thiện một đề án để tham dự cuộc thi ý tưởng về giải pháp chống ùn tắc giao thông mà lãnh đạo Hà Nội vừa đưa ra, tuy nhiên ông cho biết với kinh nghiệm 60 năm tham gia và nghiên cứu về quy hoạch, ông sẵn sàng hợp tác với các KTS trẻ, có cùng đam mê, nỗi bức xúc như mình để hiến kế giúp Hà Nội.