MTG - Hôm 11.1, tại Hội nghị về công tác Kế hoạch Đầu tư toàn quốc 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa lại nhắc đến việc quy hoạch trong lĩnh vực xây dựng đô thị. Thủ tướng không phải không cho phép hoàn toàn việc xây dựng chung cư cao tầng trong nội đô nữa mà ý của ông là mong muốn các nhà quy hoạch đô thị phải nghiên cứu cẩn trọng, khoa học và giải cho được bài toán giao thông đô thị nếu xây nhà cao tầng quá nhiều...
Có lẽ không chỉ có mình tôi mà còn rất nhiều người khác trong ít ngày qua đều bức xúc trước tình trạng quy hoạch của Hà Nội đang phải trả giá vì bị "băm nát" đến mức lo ngại, đúng như lời nhận xét thật xót xa của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung hôm 4.1 tại một hội nghị về quy hoạch và xây dựng thành phố.
Phát biểu trước cán bộ Sở Quy hoạch Kiến trúc, ông Nguyễn Đức Chung nói thẳng, tự nhận mình là người “ngoại đạo”, không liên quan đến quy hoạch kiến trúc, do vậy khi sang nhận nhiệm vụ mới (Chủ tịch UBND TP.Hà Nội), ông đã phải tự tìm hiểu, đọc rất nhiều tài liệu về các đô thị trên thế giới định hướng, thay đổi ra sao? Ông Chung cũng cho hay: Khi dự Hội nghị Thị trưởng các thành phố cũng như đối chiếu với tiêu chuẩn, tiêu chí một thành phố xanh trong tương lai, ông đã nhận thấy quy hoạch của Hà Nội nói chung và kể cả quy hoạch lõi, "đang có những vấn đề" và "đang đi chệch hướng...".
Chủ tịch Hà Nội dẫn chứng cụ thể rằng, trong quy hoạch cũ của Hà Nội có nêu rõ bao nhiêu dân thì cần một bệnh viện. Tuy nhiên, đến thời điểm này các bệnh viện phải di dời ra ngoại thành hết, do vậy người dân sẽ phải đi cả mấy chục cây số mới tới bệnh viện...
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho rằng, nếu như những năm 90 chúng ta làm tốt quy hoạch hơn nữa, nếu ta lấy rộng ra hai bên đường từ 200-300m thì "thành phố đã giàu to rồi”. Và như vậy, Hà Nội có đủ tiền để phát triển hạ tầng không kém gì các nước. Nhưng đến giờ chúng ta phải trả giá vì đã làm quy hoạch “băm nát" Hà Nội. "Trong những năm vừa qua, có những khu đất 5 - 7ha các anh cũng" băm" ra cho 2 - 3 chủ đầu tư”, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội phàn nàn...
Với cách nhìn của một nhà báo, vào năm 1993, trên báo Thanh Niên, tôi đã có một bài viết với tựa đề: “Có một phố huyện giữa lòng Thủ đô" để nói về cái quỹ đất cực lớn của Quân đội trong khu sân bay Bạch Mai (cũ) ở quận Đống Đa (trước đây) được phân chia manh mún cho cán bộ, sỹ quan trong lực lượng vũ trang làm nhà ở mà rất thiếu tầm nhìn xa trong góc độ quy hoạch đô thị hiện đại.
Chỉ sau 2 năm, cả một diện tích rộng lớn này đã trở nên nhom nhem không còn ra dáng đô thị tí nào. Nhìn nó thật chẳng khác gì một thị trấn nhỏ của cái huyện nào đó chứ không phải của một thành phố lớn. Thật là lãng phí đến mức kinh khủng! Hậu quả là bây giờ, tắc đường đã trở thành chuyện thường ngày. Từ đường Vương Thừa Vũ cho đến đường Nguyễn Ngọc Nại, Cù Chính Lan..., tất cả đều tắc tị!
Thêm nữa, lại còn ảnh hưởng đến cả khu đô thị Định Công bên cạnh sau nhiều năm vẫn bí rị đường vào như hồi chưa xây chung cư. Cũng còn may là mới đây, Hà Nội đã quyết liệt làm xong tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn khiến cho phần nào bớt được tắc đường khi vào giờ cao điểm chút đỉnh.
Có thể vẫn đúng với quy chuẩn xây dựng đô thị nhưng nên tránh không để phát sinh thêm
Tôi cũng ít nhiều băn khoăn khi báo chí đề cập đến dự án ở 148 Giảng Võ, nơi Vingroup đang triển khai xây dựng tổ hợp thương mại, trường học và chung cư cao cấp khá hoành tráng. Trước dư luận như vậy, Thủ tướng Chính phủ không khỏi bức xúc và đã yêu cầu TP.Hà Nội phải sớm có báo cáo.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, về quy hoạch chi tiết tại khu đất số 148 Giảng Võ, căn cứ vào các văn bản như: Thông báo số 30 ngày 3.2.2016 của Văn phòng Chính phủ về khu đất dự án số 148 Giảng Võ; Quyết định số 11/2016 ngày 7.4.2016 của UBND TP.Hà Nội ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trinh cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử TP.Hà Nội…. UBND TP.Hà Nội đã có Quyết định số 3560 ngày 29.6.2016 phê duyệt Quy hoạch chi tiết Tổ hợp Trung tâm dịch vụ, thương mại và nhà ở tỷ lệ 1/500 tại khu đất nêu trên theo đúng quy định, với chức năng và chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc cơ bản như sau: Diện tích đất nghiên cứu lập dự án khoảng 58.776m2, với các chỉ tiêu như mật độ xây dựng khoảng 43,8%; tầng cao 4 đến 50 tầng; tổng quy mô dân số 7.345 người (ở một văn bản mà tôi đọc, thấy nói dự án rồi sẽ có 2.800 căn hộ ?).
Tổ hợp được quy hoạch gồm các chức năng sử dụng đất như sau: đất trường tiểu học, trường trung học cơ sở; đất cây xanh, thể dục thể thao đơn vị ở. Riêng đất công trình hỗn hợp (gồm thương mại, dịch vụ, căn hộ ở, văn phòng có lưu trú, nhà trẻ) có tổng diện tích khoảng 42.711m2, với tầng cao từ 46 đến 50 tầng. UBND TP.Hà Nội cho rằng, tầng cao công trình tại Dự án tuân thủ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại điểm 2 Thông báo số 30 ngày 3.2.2016 của Văn phòng Chính phủ.
Đồng thời, theo UBND TP.Hà Nội các chức năng và chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật của Dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp Trung tâm dịch vụ, thương mại và nhà ở tại khu đất số 148 Giảng Võ đã được cập nhật vào đồ án Quy hoạch phân khu đô thị H1-2 tỷ lệ 1/2000. Ngoài ra, Hà Nội cũng lý giải về các chỉ tiêu quy hoạch và khả năng đáp ứng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, giao thông.
Như vậy, nói về lý, họ không có gì sai để nhà nước có thể yêu cầu họ thay đổi chức năng và quy mô của tổ hợp trên vì tất cả số liệu trong luận chứng cũng đều trong quy chuẩn cho phép. Về khả năng đáp ứng hạ tầng kỹ thuật tại khu vực, Hà Nội lý giải dự án tại khu đất 148 Giảng Võ nằm trong ô quy hoạch ký hiệu I1, thuộc đồ án Quy hoạch phân khu đô thị H1-2 tỷ lệ 1/2000 đã được Sở QH-KT thẩm định báo cáo TP.Hà Nội ...Tỷ trọng đất giao thông (tính cho đường khu vực và phân khu vực) khoảng 15,7%. Đối với bản thân khu đất dự án Tổ hợp Trung tâm dịch vụ, thương mại và nhà ở tại số 148 Giảng Võ trong tổng diện tích lập dự án 58.776m2 thì diện tích đất giao thông trên mặt bằng là 9.498m2 (đạt tỷ lệ 16,6%).
Về khả năng thông hành trên các tuyến đường, Hà Nội cho rằng, đối với các tuyến đường thành phố và khu vực ở xung quanh khu đất dự án tiếp giáp với các tuyến đường cấp đô thị gồm: phố Giảng Võ (6 làn xe), phố Kim Mã (6 làn xe) và các tuyến đường chính khu vực gồm: phố Núi Trúc (4 làn xe) và phố Ngọc Khánh (4 làn xe)...
Như vậy, đối chiếu với quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia quy hoạch xây dựng (01: 2014) vào dự án nói trên, tôi cũng chưa thấy có gì là bất ổn về lý thuyết. Nếu có bất ổn thì đó chính là bộ Quy chuẩn nói trên đã được nhà nước ban hành mới là thứ nên xem lại. Tôi cũng rất mong là các nhà làm quy hoạch Thủ đô đã tính toán đúng, khoa học hơn những người ngoại đạo như cánh nhà báo chúng tôi.
Trong thực tế, Tập đoàn Vingroup xây dựng tổ hợp Thương mại, chung cư, trường học và bệnh viện... ở Times City (Hà Nội ) và nhiều tổ hợp khác, tôi thấy cũng rất hài hòa và hợp lý. Đồng thời, cũng đảm bảo môi trường cây xanh khá tốt dù đó là khu cao tầng trong nội đô... Riêng về hạ tầng giao thông thì được biết thành phố đã có kế hoạch mở đường lớn cũng như đường trên cao dọc đường Minh Khai nói trên.
Hôm 11.1, tại Hội nghị về công tác Kế hoạch Đầu tư toàn quốc 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa lại nhắc đến việc quy hoạch trong lĩnh vực xây dựng đô thị. Thủ tướng không phải không cho phép hoàn toàn việc xây dựng chung cư cao tầng trong nội đô nữa mà ý của ông là mong muốn các nhà quy hoạch đô thị phải nghiên cứu cẩn trọng, khoa học và giải cho được bài toán giao thông đô thị nếu xây nhà cao tầng quá nhiều...
Từ "đô thị kiểu mẫu" trở thành... "đô thị điển hình của nhếch nhác"
Theo tôi tìm hiểu thì Hà Nội có khu đô thị Linh Đàm từng được Bộ Xây dựng chấm điểm là khu đô thị kiểu mẫu của toàn quốc một thời. Ấy thế mà bây giờ, nó lại là điển hình vô cùng tệ hại về việc “băm nát” quy hoạch. Đó mới là vấn đề đáng bàn và đáng lo. Khu đô thị này được khởi công từ năm 1997, trên diện tích 200 ha (bao gồm cả 74 ha hồ điều hòa) với quy mô dân số dự kiến khoảng 25.000 người. Đến năm 2001, khu đô thị kiểu mẫu này cơ bản đã hoàn thành. Ấy thế mà đến nay, các khu chung cư cao tầng vẫn ùn ùn mọc lên khắp trong khu đô thị, khiến dân số lên đến khoảng 70.000 người.
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Trần Ngọc Chính cho rằng: "Một khu đô thị từng được giải thưởng quốc gia về thiết kế kiểu mẫu nhưng vài năm trở lại đây cho một doanh nghiệp vào xây dựng nhà giá rẻ, với 5ha mà xây 12 tòa nhà cao tới 40 tầng... Ai cho phép ký quy hoạch kiểu này? Tôi cho rằng đây là một điều cần phải xem xét" (VNE đưa tin ngày 7.1 từ một hội nghị của ngành Xây dựng ).
Do cao ốc đan xen dày đặc, hạ tầng đường sá lại không được mở rộng tương xứng (có thể do sợ đầu tư hạ tầng sẽ tốn cho nhà đầu tư mà cơ quan quản lý nhà nước nương nhẹ, không bắt buộc quyết liệt chăng?). Vì thế, đường Nguyễn Hữu Thọ, đường vành đai 3 (Nghiêm Xuân Yêm)... thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm.
Báo Tuổi Trẻ hôm 7.1 cho hay: Chỉ riêng tại 12 tòa chung cư của tập đoàn Mường Thanh trong khu đô thị Linh Đàm, nơi còn được gọi là" tổ hợp chung cư HH". Mỗi một tòa có khoảng 700 đến 800 căn hộ. Khuôn viên “lòng chảo” bên trong còn hỗn loạn hơn vì đã bị nhiều hộ kinh doanh tận dụng cho thuê xe đồ chơi.
Xung quanh hành lang tầng 1 các tòa nhà bị vây kín bởi các hộ kinh doanh, buôn bán đủ các loại từ hàng ăn sáng, quán nước, quán cà phê, cửa hàng quần áo... tạo nên một khung cảnh lộn xộn như một khu chợ. Tại các vỉa hè, lòng đường xung quanh các tòa nhà, mặc dù có biển cấm đỗ xe máy nhưng phần lớn diện tích vỉa hè được tận dụng để kinh doanh hàng nước hoặc để trông giữ xe máy, ôtô. Hành lang đường vào các tòa nhà xe máy dựng la liệt, kẻ buôn người bán tấp nập...
Thật là kỳ lạ! Với diện tích có 5 ha mà có đến trên 8 ngàn hộ sinh sống thì nơi đây còn gì gọi là "kiểu mẫu"? Đành rằng, nó được xem là mô hình "đô thị kiểu mẫu" là khi tập đoàn Mường Thanh chưa "đổ bộ” vào, làm khu này biến dạng một cách không thể tệ hơn.
Như vậy, so với tổ hợp đô thị Linh Đàm nói chung, trong đó có 12 toà nhà cao 40 tầng thuộc tổ hợp chung cư HH của tập đoàn Mường Thanh nói riêng, thì dự án 148 Giảng Võ vẫn là đúng quy chuẩn. Giữa 2 ví dụ này có một khoảng cách rất xa, không thể so sánh...
Hà Nội và Bộ Xây dựng sẽ lý giải sao đây về "khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm" một thời? Căn cứ vào quy chuẩn kiểu gì để đến nỗi như vậy? Nên chăng, cần phải tiếp tục điều chỉnh thêm một bước nữa, cặn kẽ hơn về quy hoạch nhà cao tầng trong các thành phố nói chung, Hà Nội nói riêng.
Chẳng hạn, trong nội đô, độ cao chung cư sẽ bao nhiêu tầng là tối đa? Nếu khu này đường đã mở rộng thì có thể cho phép thế nào? Từ vành đai mấy thì được nâng thêm bao nhiêu tầng nữa? Một khi đã có quy chuẩn rõ rồi thì cũng không nên hỏi ý kiến để rồi sẽ lại làm khó cấp trên, xảy ra chuyện lại nại cớ "cấp trên đã xem và đã phê chuẩn", mà địa phương phải tự chịu trách nhiệm trước quyết định mình ký. Tinh thần của Thủ tướng Chính phủ, tôi nghĩ, chính là như thế!