Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2017

Con đường kéo pháo 1979 và lùm xùm lấn rừng Sơn Trà

KTS Hồ Duy Diệm

Đất Việt - 10 năm trở lại đây, đất rừng Sơn Trà bắt đầu bị lấn chiếm để xây dựng hàng loạt biệt thự, dựa theo con đường kéo pháo ven biển.

Giá trị của Sơn Trà

Năm 1976 tôi về làm Trưởng ban quy hoạch của Quảng Nam - Đà Nẵng, đầu năm 1976 tôi có dịp lên trên đỉnh núi Sơn Trà, đặt trạm tuyền hình của tỉnh vào ngay trận địa pháo đi ngang qua rất nhiều trận địa bảo vệ khác của Sơn Trà, kể cả hệ thống phòng không của Mỹ; ở nơi đây có thể nhìn thấy Hoàng Sa, Trường Sa.

Ngày 24/1/1977, có công bố 10 khu rừng cấm quốc gia, trong đó Sơn Trà cũng được công nhận với diện tích 4400ha. Từ khi có quyết định, Sở Lâm nghiệp của Quảng Nam - Đà Nẵng mới bắt đầu lên xác định rừng trên Sơn Trà có 986 loài cây, trong đó có 160 cây thuốc là thuốc quý, rất đa dạng sinh học, cả cây khí hậu phía Bắc và phía Nam. Và có 300 loài thú quý hiếm, động vật rất thân thiện với con người.

Năm 1992, người Quảng Nam - Đà Nẵng đề nghị với Bộ Lâm nghiệp và Sơn Trà được công nhận là vườn sinh thái thiên nhiên môi trường quý hiếm của Việt Nam.

Vùng này có ý nghĩa vừa che chắn, giông bão, bão tố cho Đà Nẵng, nếu Sơn Trà phát triển du lịch theo hướng nghiên cứu, tham quan, xem xét, trải nghiệm thì rất giá trị. Nếu như vườn Bách Thảo của Đà Nẵng, chỉ vài chục loài cây, rừng Bách Thảo TPHCM có 30 loài cây, rừng Hoàng gia Anh 250ha, chỉ có 200 loài cây, thì Sơn Trà có đến gần 1000 loài cây.

Trong gần 300 loài thú có loài voọc chà vá chân nâu quý hiếm, thân thiện với con người.

Và hơn thế, ai cũng phải biết, Sơn Trà không của riêng Đà Nẵng mà của cả đất nước Việt Nam, cần phải bảo vệ. Cùng một hệ thống từ Bạch Mã, Bà Nà, Cù Lao Chàm, thế nhưng Cù Lao Chàm được UNECO công nhận là bầu sinh quyển thế giới, còn Sơn Trà thì đang dần bị hủy hoại.

Những quyết định mất đất

Chúng ta đều biết sau 2 năm thống nhất đất nước, Quyết định số 41-TTg ngày 24/01/1977 đã gọi Sơn Trà là rừng cấm quốc gia có diện tích khoảng 4.000 ha. 15 năm sau, ngày 02/10/1992 Bộ Lâm nghiệp ra Quyết định số 447/LN - KL xác định Sơn Trà có tổng diện tích là 4.439 ha, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 2.593,1 ha; phân khu phục hồi là 1.843,9 ha và phân khu đệm là khu vực biển bao quanh chân núi với chiều rộng 500m. Tên "rừng cấm" lúc này cũng được đổi thành khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.

Đến năm 2004, Luật bảo vệ rừng ra đời. Luật dùng thuật ngữ mới là "rừng đặc dụng" để thay thế cho các tên gọi cũ trước đây (rừng cấm, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng quốc gia, rừng nghiên cứu thực nghiệm....).

Tại Điều 3 của Quyết định còn quy định cụ thể các phân khu của rừng đặc dụng gồm: vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng phục hồi sinh thái, vùng đệm và vùng dịch vụ hành chính. Theo đó các tỉnh thành cả nước bắt đầu thực hiện việc kê khai phân loại 3 loại rừng: Phòng hộ, Đặc dụng và Sản xuất.

4 năm sau, UBND Thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 6758/QĐ - UBND ngày 20/9/2008 về việc phê duyệt quy hoạch 03 loại rừng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2008 – 2020.

Từ chỗ Sơn Trà được gọi là rừng cấm quốc gia có 4000 ha, Bộ Lâm Nghiệp (nay là Bộ Nông Nghiệp và PTNT) gọi Sơn Trà là khu bảo tồn thiên nhiên có diện tích cụ thể 4.439 ha với đủ các phân khu chức năng, thì với QĐ 6758 này của Đà Nẵng, Sơn Trà bây giờ chỉ còn duy nhất một loại rừng là rừng đặc dụng với diện tích toàn bộ là 2.591,1 ha các phân khu phục hồi, phân khu đệm, phân khu hành chính.

Quyết định 6758 đã bỏ ngoài sổ sách 1847,9 ha rừng, nói cách khác để mất gần 1.848 ha rừng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, mà Sơn Trà đã được thừa nhận bằng văn bản là có diện tích 4.439 ha nhiều năm trước đây.

Trước năm 2008 (lúc ban hành Quyết định 6758 này) chính quyền Đà Nẵng đã không nghiêm túc chấp hành Điều 4 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 về Phân loại rừng đối với rừng đặc dụng Sơn Trà. Tiếp đó cũng không cập nhật để nghiêm túc thực hiện Nghị định 23 năm 2006 của Chính phủ.

Nghị định này nhắc lại phải thực hiện nghiêm Điều 18 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004: "Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định xác lập các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất ở địa phương theo quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đã được phê duyệt", chính quyền Đà Nẵng cũng bỏ qua lệnh này.

Mặc dù từ năm 2008 về sau, có rất nhiều văn bản Luật và dưới luật ra đời để giám sát việc báo cáo chi tiết này. Ví dụ: Thông tư 10/2014/TT-BNNPTTN ngày 26/3/2014 Quy định về tiêu chí xác định vùng đệm của khu rừng đặc dụng và vành đai bảo vệ của khu bảo tồn biển, trong đó Điều 7 yêu cầu các tỉnh, thành báo cáo xác định các vùng đệm.

Theo đó, Tổng cục Lâm nghiệp chủ trì thẩm định báo cáo xác định vùng đệm của khu rừng đặc dụng, Tổng cục Thủy sản chủ trì thẩm định báo cáo vùng đệm của khu bảo tồn biển... trình Bộ phê duyệt. Thành phần Hội đồng thẩm định bao gồm: đại diện Tổng cục Lâm nghiệp hoặc Tổng cục Thủy sản và các cơ quan thuộc Bộ NN-PTNT; đại diện một số cơ quan khoa học và Ban quản lý khu rừng đặc dụng hoặc khu bảo tồn biển.

Lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp hoặc Tổng cục Thủy sản là Chủ tịch Hội đồng....nêu rất cụ thể chi tiết như vậy, nhưng Đà Nẵng vẫn không làm. 1.848 ha rừng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà vẫn bị giấu biệt, không biết nằm ở đâu trong Quyết định 6758/QĐ-UBND đó.

Những biệt thự bỏ hoang tồn tại từ 5-10 năm nay ở chân núi Sơn Trà được báo chí phát hiện gần đây, chính là những sản phẩm của những hứa hẹn mưu tính mua bán của những nhóm lợi ích trên 1,848 ha này.

Vì sao lại có chuyện này, năm 1979 khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc chống Trung Quốc xâm lược, Đà Nẵng đề nghị với bên Quân khu 5 xin mở con đường đi ra đảo, để kéo ra các trận địa pháo cản trở quân Trung Quốc nếu chúng tấn công từ Hoàng Sa vào, đường kéo pháo đó ở cốt 200. Từ 1979, nó chỉ là con đường đất đỏ để kéo pháo, sau này biến thành đường nhựa, đường bê tông, cho các doanh nghiệp, người dân chiếm phía dưới cốt 200 đó, để xây dựng.

Nội dung đáng quan tâm nhất ở Quyết định 2163/QĐ-TTg ngày 09/11/2016 "Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà (TP.Đà Nẵng) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" là cho phép việc bố trí đất xây dựng tại "khu vực tập trung phát triển trở thành Khu DLQG là 1.056 ha". Diện tích này chiếm tới gần 1/3 diện tích khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (4.436 ha).

Tất nhiên, Tổng cục Du lịch, Bộ VHTT-DL tham mưu cho văn bản này phải dựa vào một cơ sở đề nghị nào đó của chính quyền Đà Nẵng. Như vậy, 2 lần với 2 quyết định làm mất hơn 2000 ha diện tích đất của Sơn Trà.

Cho dù những đề nghị đó dựa trên những căn cứ hết sức mơ hồ, mong manh. Trong những văn bản tờ trình tham mưu giải trình cho việc xâm chiếm khu rừng đặc dụng Sơn Trà thì Quyết định số 6758/QĐ - UBND ngày 20/9/2008 của UBND thành phố Đà Nẵng về phê duyệt quy hoạch 03 loại rừng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2008 – 2020, là một văn bản có thể nói đóng vai trò then chốt đưa đến việc cắt giảm diện tích rừng đặc dụng Sơn Trà.

Những nguy cơ có thể xảy ra

Những quyết định trên đều sai về quy định pháp luật và cả về đạo đức đáng lẽ tất cả các điều chỉnh trên phải Thủ tướng Chính phủ ký mới đúng.

Vẫn là du lịch nhưng đi bộ trong rừng, nghiên cứu động vật này động vật kia sẽ giữ được thiên nhiên. Sơn Trà là đảo, nếu xây dựng biệt thự ở dưới, vùng có chứa nước ngọt, thì động vật sẽ bị tiêu diệt hết, vì không có được thức ăn.

Đặc biệt các quyết định trên không được lòng dân, vi phạm đạo đức xã hội, làm cho voọc chà vá không còn chỗ sống, nước uống. Và nó cũng làm mất đi một cảnh quan đẹp mà thế giới ban tặng cho Đà Nẵng.

Hiện nay, nguyện vọng của nhân dân Đà Nẵng thể hiện trên thiện chí bảo vệ rừng quốc gia Sơn Trà, trở về với quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 1977 đó là rừng sinh thái, nguyên sinh phục vụ cho du lịch, nghiên cứu khoa học không chỉ của chuyên gia Việt Nam mà còn cả thế giới.