Thứ Ba, 11 tháng 4, 2017

Hạ Long xây tháp đồng hồ 35 tỷ: Sai lầm cơ bản?

Châu An

Đất Việt - Muốn làm thay đổi bản sắc đô thị mà chính người dân đô thị không thừa nhận, không chấp nhận là không ổn.

Thiếu đồng nhất

Cột đồng hồ "khủng" của TP Hạ Long (Quảng Ninh) vừa mới được xây trên nền cột đồng hồ Hòn Gai cũ với kinh phí 35 tỷ đồng, nằm ở trung tâm thành phố với vị trí đắc địa là đảo giao thông ngã 5 đường Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tông và đường 25/4 (phường Bạch Đằng).

Trước thông tin về việc công trình trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 10/4, ông Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: "Thứ nhất, việc tô điểm cho bản sắc đô thị là cần thiết để nâng cao giá trị. Vấn đề ở đây là làm cách nào.

Hạ Long dùng một tháp đồng hồ cao 28m, trước hết, không ai ngửa mặt lên nhìn giờ bằng đồng hồ cao như vậy, nhất là đang tham gia giao thông. Vì đã là đồng hồ thì phải cho họ dễ nhìn, chứ không phải kết hợp giữa đồng hồ và làm đẹp.

Hiện nay, duy nhất nước Anh có biểu tượng đồng hồ nổi tiếng cả thế giới, gắn liền với cung điện Westminster, còn gọi là tháp Big Ben trở thành biểu tượng của thành phố. Tuy nhiên, nó đã có từ lâu rồi, chứ không phải mới xây. Mặt khác, đó là một khối các công trình gắn liền với nhau từ đồng hồ, cung điện, dòng sông Thames, chứ không chỉ riêng một cái đồng hồ như Quảng Ninh đang làm.

Một công trình cao đồ sộ theo kiến trúc hiện đại mọc lên giữa trung tâm thành phố toàn các công trình cổ kính khác, nhìn rất lạc lõng và không có sự hòa hợp.

Thứ hai, bản sắc đô thị thì phải được người dân nơi đó chấp nhận, ở đây tổ chức một cuộc thi thiết kế, đã lấy ý kiến người dân chưa? Muốn làm thay đổi bản sắc đô thị mà chính người dân đô thị không thừa nhận, không chấp nhận là không ổn, sai về nguyên lý cơ bản, đây chính là bài học lớn cho các công trình sau.

Thứ ba, dù thành phố Hạ Long muốn làm công trình nào tạo bản sắc đô thị thì cũng phải xuất phát từ năng lực tài chính của mình, tôi nghĩ rằng một công trình trị giá 1,5 triệu USD (35 tỷ đồng) là hơi quá so với khả năng tài chính của một đơn vị hiện nay, trong khi thu nhập của người dân chưa cao, có nhiều nhu cầu khác nữa.

Tôi nghĩ nên hoan nghênh ý đồ tôn tạo bản sắc đô thị của Hạ Long, nhưng cần thu hút được ý kiến của nhân dân, của các chuyên gia trong nước. Và cũng không nên theo xu hướng gần đây ở nhiều đô thị, như Quảng Nam, Sơn La muốn làm quảng trường 100 tỷ đồng, rồi đến các tỉnh miền núi nghèo như Thanh Hóa muốn làm công viên gần 2000 tỷ đồng. Tư duy đua đòi làm các công trình để nổi bật địa phương lên là không ổn".

Bên cạnh đó, theo ông Liêm, lâu nay ở Việt Nam, bình thường đồng hồ thành phố chỉ cao tầm 7-8m, bởi vì, cao 28m lúc nó hỏng hóc thì sửa chữa rất vất vả, trong khi quy luật thì không công trình nào bền vững cả.

Đặc biệt, với số tiền 35 tỷ đồng mà ngân sách nhà nước đang kêu gọi tiết kiệm thì đó là việc không phù hợp.

Hiện đại hóa di sản

Trong khi đó, cũng đưa ra quan điểm về công trình này, chia sẻ với Đất Việt, KTS Đoàn Bắc cho biết: "Mấy năm trước Việt Nam có trào lưu kiến trúc cổ kính hóa cơ quan công quyền, đồng thời hiện đại hóa các bảo tàng, công trình lịch sử.

Việc Hạ Long xây dựng đồng hồ 35 tỷ đồng cũng đã làm xong rồi, nhưng cần phải chỉ rõ để làm sao tiền chi ra không lãng phí hoặc tránh tái diễn ở các công trình tiếp theo.

Ở đây, Hạ Long làm cột đồng hồ chắc chắn không phải chỉ để xem giờ, nhất là bây giờ, chẳng ai cần nhìn để biết giờ. Đặc biệt, công trình cao chót vót, nằm giữa tuyến đường trung tâm mà thiếu sự ăn khớp với các công trình xung quanh.

Có vẻ như Quảng Ninh đang hướng đến sự hiện đại hóa di sản về hình thức kiến trúc, chủ yếu và khai thác biểu tượng, thiên nhiên để thương mại hóa di sản".

Theo ông Bắc, về hình thức kiến trúc thì mỗi người sẽ một ý, nếu có thi tuyển thì phương án sẽ phụ thuộc vào đề bài /yêu cầu của chủ đầu tư, nên có lẽ ý tưởng của Hạ Long là hiện đại, thay đổi cho đồng hồ Hòn Gai cũ.

Đồng tình quan điểm, ông Nguyễn Văn Hùng - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, một công trình xây dựng phải thể hiện được bản sắc của địa phương và quan trọng là đời sau vẫn nhớ đến.

Đáng lẽ cần phải đặt ra câu hỏi có cần thiết phải chi ra mức tiền 35 tỷ đồng xây dựng đồng hồ hay không, nhất là đang trong giai đoạn cả nước chống lãng phí.

"Với thiết kế 16 màn hình LED chỗ nào mà có mặt trời chiếu vào ban ngày thì hiệu quả kém lắm.

Như nước Anh vẫn có tháp Big Ben nổi tiếng, đặc trưng của thành phố, liệu cột đồng hồ này có thành biểu tượng đặc trưng cho Quảng Ninh không, mỗi nước chỉ cần một biểu tượng thôi.

Nhưng ở Việt Nam lạ một nỗi có bệnh tư duy lãnh đạo nhiệm kỳ, ai cũng muốn xây dựng các công trình riêng cho mình, đất nước còn nghèo, nợ công cao, cuộc sống của dân nhiều nơi còn khổ lắm. Đáng lẽ, công trình này phải công khai thăm dò dư luận về chủ trương của địa phương, dân đồng ý thì mới được làm", ông Hùng nhấn mạnh.