Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2017

Cù Lao Chàm đang đối mặt với nhiều áp lực

Lê Quỳnh

Người Đô Thị - Không chỉ nổi bật với hệ sinh thái biển đa dạng và phong phú, cảnh quan hoang sơ độc đáo, Cù lao Chàm còn được biết đến như một địa chỉ văn hóa lịch sử nổi tiếng với các di tích, công trình kiến trúc cổ thuộc các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt.

Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An có tổng diện tích gần 371 km2, với 3 phân vùng chức năng: vùng lõi (235 km2, là Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, gồm: (diện tích khai thác hợp lý, diện tích phục hồi sinh thái, diện tích phát triển du lịch, diện tích rừng tự nhiên và diện tích phát triển cộng đồng), vùng đệm (vùng cửa sông Thu Bồn) và vùng chuyển tiếp (đô thị cổ Hội An).

Cù Lao Chàm được đánh giá là một trong những khu vực có độ đa dạng sinh học vào loại cao nhất tại Việt Nam với hơn 300 loài san hô, thuộc 40 giống và 17 họ. Các thảm cỏ biển có 5 loài ở các vùng nước sâu từ 10 m trở lại.Quần đảo này có 97 loài thân mềm có liên hệ với các rạn san hô, thuộc 61 giống và 39 họ. Các loài tôm hùm quen thuộc được tìm thấy trên các rạn san hô, cùng với khoảng 270 loài cá rạn thuộc 105 giống, 40 họ.

Không chỉ nổi bật với hệ sinh thái biển đa dạng và phong phú, cảnh quan hoang sơ độc đáo, Cù lao Chàm còn được biết đến như một địa chỉ văn hóa lịch sử nổi tiếng với các di tích, công trình kiến trúc cổ thuộc các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt.

Từ năm 2009 cho đến nay, Cù Lao Chàm cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn toàn không sử dụng bao ni-lon.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới là một danh hiệu do UNESCO trao tặng cho các khu bảo tồn thiên nhiên có hệ động thực vật độc đáo, phong phú đa dạng. Mục tiêu của khu dự trữ sinh quyển là kết hợp bảo tồn đa dạng sinh học với sử dụng bền vững tài nguyên cho con người.

Sau 4 năm được UNESCO vinh danh, theo BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm đang phải đối mặt với áp lực từ du khách tăng đột biến, công tác bảo tồn và phát triển kinh tế xã hội, lợi ích và sinh kế cộng đồng, cơ chế chính sách quản lý, ô nhiễm từ đất liền, thiên tai – thời tiết cực đoan.