Thứ Năm, 27 tháng 7, 2017

Đô thị hóa và sự lãng quên

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

QNO - Có người nói, và tôi cũng đồng ý: Trong sự vội vã đô thị hóa của Đà Nẵng, những di tích lịch sử ít ỏi của nó dần bị xóa đi... Một nhà văn từng viết, đại ý: Trí nhớ con người ngắn ngủi lắm. Nó thường bội bạc! Bội bạc gì? Đó chính là sự lãng quên những gì (thuộc về cả vật chất và tinh thần) đã gắn bó với mình, với cộng đồng mình, với cả nơi chốn mà mình đang sống và thậm chí từng đổ máu để bảo bệ nó!

1. Tôi ngồi cà phê với bạn ở Đà Nẵng và nhắc đến hai chiếc phà từng qua lại sông Hàn hàng mấy chục năm cho đến năm 2000 mới ngưng hoạt động khi chiếc cầu bắc qua sông vừa hoàn tất. Qua lại những chuyến phà ấy là công nhân, nông dân, học sinh, người dân từ quận Ba (Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn ngày nay). Xem cái phóng sự truyền hình của nhà văn Hồ Trung Tú về chuyến phà cuối cùng năm 2000, ai cũng thấy xúc cảm với hình ảnh những nữ sinh mặc áo dài trắng và mái tóc lất phất bay trong gió sông Hàn hay những bà mẹ nghèo quang gánh trở về sau buổi chợ chiều. Dạo trước đó, qua lại trên phà, tôi từng chứng kiến một trung niên mù cầm đàn guitar hát những bài bolero não lòng để cầu mong một món tiền độ nhật, những chị hàng rỗi kĩu kịt gánh cá biển cao ngất chen chúc cho kịp phiên chợ… Người dân hai bên bờ sông Hàn và cả khách nhàn du chắc chắn đã có nhiều kỷ niệm! Thế rồi khi có một chiếc cầu, nhiều chiếc cầu… người ta đã quên mất những chuyến phà thân thuộc ấy.

Một anh bạn tôi nói, có một doanh nghiệp đã mua một trong hai chiếc phà ấy, cải tạo thành tàu du lịch vài năm. Không biết bây giờ đã chuyển đi đâu? Một chị bạn là bác sĩ người “quận Ba” lại nêu ý kiến khá lãng mạn rằng, chỉ cần xây một cầu tàu nhỏ, tìm lại chiếc phà cũ, phục hồi nó và neo ở đó. Sẽ có khối người, trong đó có nhiều Việt kiều hay những du khách từng có kỷ niệm với Đà Nẵng, đến đó chụp ảnh và có thể trả một khoản tiền… thì sẽ ý nghĩa biết bao! Họ sẽ nhớ lại một thời Đà Nẵng và cả họ nghèo khó, bươn chải với cuộc sống như thế nào. Họ sẽ yêu thêm dòng sông và yêu thành phố họ đã sống biết bao…

Một dạo tôi thăm nước Úc. Khi ghé bảo tàng hàng hải trên bến cảng Darling Harbour, tôi vô cùng ngạc nhiên và xúc động khi phải trả 12 Aud (đô la Úc) để vào thăm khu trưng bày những tàu đánh cá Đông Nam Á; trong đó có một chiếc mang biển số DNa của Đà Nẵng! Thì ra chiếc tàu này họ lặn lội tìm mua lại của những thuyền nhân và trưng bày tại đây. Còn ta? Ta có vô vàn những ký ức chung quanh hai chiếc phà qua sông Hàn, sao lại bỏ đi?

Viết đến đây, tôi liên tưởng đến những chiếc ghe đò đưa khách vượt hạ lưu Thu Bồn qua Cẩm Kim, Duy Nghĩa… Khi những chiếc cầu hiện đại đã bắc qua Thu Bồn, Trường Giang, những chiếc thuyền gỗ đưa khách thời cơ cực ấy sẽ được giữ lại cho một bảo tàng, bên cạnh những thúng chai, những tấm lưới của nghề câu, nghề đánh cá ven sông thay vì phải phục chế như chiếc ghe bầu xứ Quảng trên sông Hoài, thì ý nghĩa biết mấy. Đó sẽ là bài học trực quan sinh động, đầy ý nghĩa giáo dục cho bao thế hệ tương lai của chúng ta, thay vì phải ngồi xem phim tư liệu.

2. Lại nói về sông Hàn. Cái đất mang tên Hiện cảng ngày xưa trở thành phố Hàn, phố Tourane là hệ quả hiển nhiên khi cửa Thu Bồn ra biển của cảng thị Hội An bị bồi lấp. Tourane thời Toàn quyền Paul Doumer mới qua chỉ có 12 ngôi nhà gạch do người Pháp xây dọc con đường đất mà ngày nay là đường Bạch Đằng. Paul Doumer xây dựng cảng Đà Nẵng, mở đường sắt xuyên Việt và sau đó dưới thời vị toàn quyền kế tiếp đã xây đường xe lửa nối Đà Nẵng vào năm 1905 (trên nền con đường Đà Nẵng - Hội An ngày nay). “Đường xe lửa” này chạy hết một giờ từ Hội An ra Đà Nẵng, qua hai ga chợ Hàn và ga Đà Nẵng bây giờ… Ga chợ Hàn nằm ngoài mép sông cạnh cầu cảng số 7. Chính nhà ga và chợ Hàn này đã tạo nên một khu phố cổ và nhiều nhà kho chung quanh trục Nguyễn Thái Học, Phạm Phú Thứ, Trần Phú ngày nay. Ở đó, ngoài các thương nhân người Hoa còn có các thương hiệu kinh doanh sắt thép, nông sản, vận tải lớn như Ninh Thái, Lý Thế Hoành, Dũ Thái, Trương Công Huynh Đệ và cả hiệu sách Việt Quảng, hiệu vàng Kim Thành… nổi tiếng một thời trong những ngôi nhà kiến trúc đầu thế kỷ 20… Một khu thương mại phồn thịnh bậc nhất của Tourane được hình thành từ sau năm 1915…

Tuy đường xe lửa ấy bị dỡ bỏ do thiên tai năm 1916, nhưng khu thương mại và nhà ga chợ Hàn vẫn tồn tại cho đến nay. Nhà ga bị phá đi khi mở rộng đường Bạch Đằng…

Tốc độ đô thị hóa chóng mặt của TP.Đà Nẵng khiến các nhà quản lý say sưa với bê tông cốt thép, với nhà cao tầng đã hầu như xóa sạch cảnh quan và các kiến trúc đã góp phần tạo ra diện mạo đô thị đầu tiên đó.

Chúng tôi có dịp đến các đô thị như Luang Prabang (Lào), Thượng Hải (Trung Quốc), Singapore và cả khu Old Sydney của Úc. Ở những nơi đó, người ta rất coi trọng công trình cổ. Những khu nhà gỗ ở Luang Prabang chỉ xây dựng từ 1945, nhiều khu phố cổ Singapore còn in rõ thời điểm xây dựng 1950-1951. Tại Thượng Hải, đô thị mới, nhà cao tầng chỉ xây ở bờ Đông còn bờ Tây thì vẫn là những kiến trúc có từ trăm năm trước. Ở khu Old Sydney, muốn sửa chữa nhà cổ phải tuyệt đối giữ lại kiến trúc mặt tiền…

Theo KTS. Hoàng Sừ, năm 1996 ông từng nêu vấn đề với Hội đồng Kiến trúc - quy hoạch Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) là cần giữ lại các đặc trưng kiến trúc Bạch Đằng - Trần Phú mang dấu ấn Pháp, còn mở rộng và hiện đại thì nên chuyển về bờ đông, cũng giống như Thượng Hải… Nhưng tất cả đều bị bỏ ngoài tai.

Đô thị đâu chỉ là những tòa nhà chọc trời. Đô thị còn ẩn chứa trong đó tâm hồn, văn hóa, lịch sử của cư dân ở đó. Tất cả tiềm tàng trong những công trình kiến trúc, không gian sống và cả những đặc trưng văn hóa khác. Rất không may, những dấu ấn đó của Đà Nẵng mỗi ngày một phai nhạt và dần mất đi…

Đà Nẵng thuộc đất Quảng Nam từ lâu đời, là tiền cảng, là mặt tiền của Quảng Nam. Câu chuyện chúng tôi vừa nêu ở Đà Nẵng về đô thị hóa (hoặc bê tông hóa) liệu Quảng Nam với hai thành phố Hội An, Tam Kỳ và các thị trấn đang phát triển sẽ rút từ đó ra những kinh nghiệm gì? Trả lời câu hỏi đó chính là trách nhiệm của các nhà quản lý hiện nay.

Xin hãy đừng lãng quên những di sản của quá khứ!