Thứ Tư, 26 tháng 7, 2017

Giữ hồn phố cổ

Bài và ảnh: TRẦN THƯỜNG

NLĐO - Một Hội An với những con người thuần hậu, không gian đô thị cổ trong lành, yên tĩnh là những gì mà chính quyền thành phố này muốn giữ gìn để níu chân du khách

Những năm gần đây, cơn lốc du lịch đang biến TP Hội An, tỉnh Quảng Nam vốn yên ả, thanh bình với những con phố rêu phong dần trở thành một địa điểm khá chật chội, xô bồ.

Thay đổi nhận thức

Một bộ phận dân cư, kể cả người bản địa và người ở địa phương khác đến Hội An kinh doanh buôn bán, có những biểu hiện và thái độ chưa tốt trong ứng xử, giao tiếp; có những hành vi, phát ngôn không phù hợp, vi phạm nếp sống văn hóa văn minh đô thị, xa rời truyền thống thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Cùng với đó, tình trạng người bán hàng rong chèo kéo du khách, nạn cướp giật, cơ sở hạ tầng xuống cấp, kẹt xe... đang khiến hình ảnh Hội An trở nên xấu đi trong mắt du khách.

Nhận thức rõ những thách thức mà một đô thị cổ như Hội An phải đối mặt trước mắt và lâu dài, chính quyền TP này đã và đang triển khai hàng loạt giải pháp để cải thiện nhằm níu chân du khách. Năm 2016, Hội An là địa phương đi đầu trong việc đưa vào áp dụng bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch đối với người dân và du khách. Bộ quy tắc nêu rõ những điều nên làm, không nên làm và cấm kỵ.

Cụ thể, Hội An nhắc nhở và vận động người dân lịch sự, vui vẻ, chân thành khi giao tiếp, ứng xử với du khách; khuyến cáo không buôn bán dưới lòng đường, trên cầu; không phơi vật dụng gia đình ở vỉa hè, ban công, trước sân; không ăn mặc, sử dụng trang phục thiếu lịch sự... Hội An cũng quy định rõ những điều cấm kỵ ở TP này: cò mồi, chèo kéo, ăn xin; quảng cáo khi chưa có giấy phép trên đường phố, trước nhà; lưu hành các loại phương tiện có gắn loa phát lời mời mua bán hàng…

Chị Nguyễn Thị Nga - chủ cửa hàng vải trên đường Trần Phú, phường Minh An, TP Hội An - nhìn nhận những quy tắc đưa ra đã làm thay đổi nhận thức của những người kinh doanh buôn bán trong phố cổ như chị. "Ban đầu, tôi thấy hơi khó chịu vì có cảm giác như mình bị áp đặt. Tuy nhiên, lâu dần thì tôi mới hiểu ra rằng việc thực hiện những quy tắc đó trước hết là có lợi cho chính những người kinh doanh buôn bán. Khi du khách hài lòng, vui vẻ thì họ mới sẵn sàng mở hầu bao chi tiêu cũng như quay trở lại Hội An. Ngược lại, kinh doanh buôn bán theo kiểu chụp giật, "chặt chém" chỉ đẩy người ta xa mình hơn, một đi không trở lại" - chị Nga bày tỏ.

Anh Trần Văn Tâm, du khách đến từ Thừa Thiên - Huế, cho biết khi bắt đầu đặt chân vào phố cổ Hội An, gia đình anh được các nhân viên bán vé phát tờ rơi, nhắc nhở về các quy tắc ứng xử một cách vui vẻ, nhẹ nhàng với nụ cười luôn nở trên môi. Anh cho rằng điều này không hề gây phiền toái cho du khách mà ngược lại, giúp họ có ý thức hơn trong quá trình tham quan.

"Tôi từng đi du lịch nhiều nơi nhưng ấn tượng nhất là khi đến Hội An. Tôi nghĩ điều quan trọng nhất vẫn là con người địa phương, là thái độ, cách ứng xử với du khách ra sao. Dù cảnh sắc có đẹp như thế nào mà thái độ phục vụ không tốt thì chẳng bao giờ mua được sự hài lòng của du khách" - anh Tâm nhìn nhận.

Hội An nhân tình thuần hậu

Từ khi đặt ra bộ quy tắc ứng xử, hoạt động du lịch trên địa bàn TP Hội An dần đi vào nề nếp. Tuy nhiên, thực tế đáng lo là phần hồn của đô thị cổ là di sản văn hóa thế giới này đang dần bị phai nhạt theo thời gian. Những tập tục, những nét văn hóa tốt đẹp tạo nên một Hội An độc đáo mai một khi nào không hay.

Chính những người quản lý ở địa phương thừa nhận đã đến lúc cần có biện pháp để Hội An không đi quá xa cái hồn cốt "nhân tình thuần hậu" mang màu sắc riêng biệt vốn có của nó. Vì thế, cùng với hàng loạt giải pháp được triển khai, đề án xây dựng "Hội An - Nhân tình thuần hậu" vừa được TP cho ra đời và dự kiến được đưa vào áp dụng từ tháng 9-2017 này.

Theo ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP Hội An, nội dung của đề án chủ yếu tập trung vào 4 hành vi ứng xử: ứng xử giữa con người với chính mình, với con người, với gia đình và với xã hội. Đối tượng hướng tới là cư dân, cán bộ, công chức, người lao động ở cơ quan, công sở, doanh nghiệp, học sinh, người dân địa phương khác đang sinh sống, làm việc trên địa bàn. Để đạt mục tiêu "nhân tình thuần hậu", Hội An còn lập ra bộ tiêu chí ứng xử gồm 10 điều, thuộc 3 nhóm: đạo đức, chấp hành luật giao thông và môi trường - buôn bán - xã hội. Trong đó, một số tiêu chí đáng chú ý như: dừng xe ngả mũ, nón cúi chào khi gặp đám tang; không cởi trần, mặc quần đùi, áo lót khi đi lại trong phố, tham gia buôn bán; không nói thách, buôn gian bán lận; không bấm còi, phóng nhanh, nẹt pô khi tham gia giao thông...

"Đề án triển khai sẽ tạo xung lực cần thiết để bảo tồn, khôi phục nếp sống, lối sống thuần hậu của người dân trong sinh hoạt đời thường; từng bước xây dựng hình ảnh Hội An đẹp hơn, quyến rũ hơn trong mắt du khách. Những thay đổi về phát ngôn, ứng xử văn hóa, văn minh sẽ giúp chống chọi, đẩy lùi các hành vi thiếu văn hóa, xa rời thuần phong, mỹ tục của cộng đồng dân cư; góp phần giáo dục thế hệ trẻ có thái độ tốt trong giao tiếp, ứng xử văn hóa với nhau, với cộng đồng, với môi trường và thế giới xung quanh" - ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, kỳ vọng. 

Không để tội phạm có đất sống

Đại tá Đinh Xuân Nghĩ, Trưởng Công an TP Hội An, cho biết thời gian qua, công an TP đã tập trung toàn lực đấu tranh phòng chống tội phạm, lấy lại niềm tin cho người dân và du khách. Theo đại tá Nghĩ, du khách nước ngoài thường rất chủ quan, để túi xách, tài sản trước giỏ xe đạp "làm mồi" cho bọn cướp giật. Thống kê cho thấy 6 tháng đầu năm 2017, Hội An tăng đến 9 vụ cướp giật tài sản so với cùng kỳ năm ngoái, đa phần là do người dân và du khách sơ hở, chủ quan.

"Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, yêu cầu những cơ sở lưu trú, địa điểm cho thuê xe đạp nhắc nhở du khách để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc. Bên cạnh đó, công an còn tập trung lực lượng đấu tranh phòng chống tội phạm trên tinh thần không để tội phạm có đất sống" - ông Nghĩ khẳng định.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 22-7