NĐT - Đó là khẳng định của chuyên gia về môi trường khi trao đổi với Người Đô Thị. Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, những việc làm dù tạo ra màu xanh nhưng tiêu tốn quá nhiều tài nguyên thiên nhiên cũng được xem là đi ngược xu hướng sống xanh, hay còn gọi là “xanh ảo”.
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, số cây phải di dời, đốn hạ trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1, TP.HCM) tại khu vực xây cầu Thủ Thiêm 2 là 258 cây, chiếm diện tích mảng xanh hơn 22.100m2. Sau khi làm xong cầu đường, số trồng cây mới là 373 cây, và diện tích mảng xanh tái tạo là hơn 26.000 m2. Sau ba năm trồng, chăm dưỡng mảng xanh tại đây sẽ đạt gần 38.150 m2, bằng 175% mảng xanh bị ảnh hưởng.
Theo đó, 115 cây phải bứng dời sẽ được bứng đưa về lâm viên Đại học Nông Lâm TP.HCM (quận Thủ Đức) chăm dưỡng; còn gỗ từ 143 cây bị đốn hạ được thu hồi sẽ sử dụng để chế tạo các sản phẩm phục vụ công cộng.
Việc bứng dời, đốn hạ hàng cây trên đường Tôn Đức Thắng sẽ được tiến hành từ tháng 8.2017 đến tháng 5.2018.
Theo ông Trịnh Kiểm, Chánh văn phòng Hiệp hội Cây xanh Việt Nam, đường Tôn Đức Thắng được xem là một trong những tuyến đường có cây xanh đẹp nhất Việt Nam hiện nay. Do đó, việc bứng dời cây đi nơi khác là vô cùng đáng tiếc.
Còn TS. Đinh Quang Diệp, nguyên Trưởng Bộ môn Cảnh quan và Kỹ thuật hoa viên, Đại học Nông Lâm TP.HCM thì khẳng định: “ý tưởng bứng dời cây cổ thụ ở đường Tôn Đức Thắng là không tưởng!”. Đặc biệt với những cây ở đây có đường kính quá lớn (trên 50 cm), chiều dài của bộ rễ vươn tới đâu chưa biết. Nếu bứng dời đi thì cây cũng sẽ chết, hoặc sống lây lất vì bộ rễ của nó không còn nguyên vẹn. Những cây sống được nguy cơ ngã đổ cũng rất cao.
Trao đổi với Người Đô Thị, một kỹ sư của Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP.HCM cho biết, phương án bứng dời những cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng ( quận 1) là rất khó khăn, khả năng thành công rất thấp.
“Do nhiều cây ở đường Tôn Đức Thắng có đường kính hơn 1m, sau khi cắt tán thân cây vẫn còn cao hơn 10m nên việc bứng gốc, vận chuyển rất khó khăn. Từ trước đến nay công ty chưa từng bứng dời hàng cây nào có kích thước lớn như thế. Hiện tại công ty cũng không có loại xe chuyên dùng nào đủ lớn để có thể chở những cây bứng dời về nơi để trồng lại”, vị này giải thích.
Theo vị kỹ sư trên, để bứng dời hàng cây trên đường Tôn Đức Thắng, chắc chắn phải đào hố rất rộng và sâu, nên nhiều khả năng sẽ làm ảnh hưởng đến các công trình ngầm ở khu vực này, nhất là hệ thống đường ống cấp nước, thoát nước. Mặt khác, thân cây cao lớn nên khi vận chuyển sẽ vướng mạng lưới điện trên đường, để đưa ra khỏi khu vực nội thành là vô cùng vất vả.
Điều quan trọng nhất, do cây bứng từ đường phố nên khi trồng lại khả năng sống sót rất thấp. Trong khi đó, chi phí bứng dời sẽ rất cao.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trước đây trong một số cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng bứng dời về công công viên Gia Định (quận Gò Vấp) đã có một cây bị chết khô dù cây này không quá lớn. Đó là một cây sọ khỉ có đường kính khoảng 30 cm, cao chừng 6m. Sau khi bứng gốc, rễ bị tổn thương nặng nên không thể sống nổi sau khi trồng lại.
Từ chuyện bứng dời cây trên đường Tôn Đức Thắng, trò chuyện với Người Đô Thị, nhiều chuyên gia về môi trường cho rằng: hiện nay có rất nhiều phong trào hô hào “sống xanh” nhưng lại chưa hiểu đầy đủ về khái niệm này.
Sống xanh không đơn giản là mang nhiều cây xanh về trồng, mà phải sống sao cho hài hòa với thiên nhiên theo ý nghĩa của cụm từ ecological footprint (tạm dịch: Dấu chân sinh thái). Dấu chân sinh thái là khái niệm dùng để cân đo việc sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên hợp lý hay không. Với tiêu chí này, những việc làm dù tạo ra màu xanh nhưng tiêu tốn quá nhiều tài nguyên thiên nhiên cũng được xem là đi ngược xu hướng sống xanh, hay còn gọi là “xanh ảo”.
Việc bứng dời cây trên đường Tôn Đức Thắng cũng vậy. Nếu có tiêu tốn quá nhiều công sức, tiền bạc nhưng khả năng sống sót thấp thì cũng chỉ là một dạng “xanh ảo”, đánh lừa thị giác của người dân.
Nhiều chuyên gia cho rằng, với việc bù mảng xanh mà Sở GTVT đã thông tin, về lâu năm có thể sẽ có được tỉ lệ mảng xanh như trên nếu biết cách trồng. Tuy nhiên, việc bứng hạ cây xanh này sẽ đánh mất đi không gian lịch sử, cũng là không gian cảnh quan thiên nhiên, cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng nếu 258 cây cổ thụ tại đây bị biến mất.
Vấn đề này một lần nữa lại cần đặt lên bài toán xây cầu Thủ Thiêm 2 như thế nào cho hợp lý. Nó không chỉ cần được nhìn ở góc độ kết nối giao thông như thành phố đang áp dụng hiện nay, mà còn cần được nhìn ở góc độ quy hoạch đô thị, bảo tồn cảnh quan, di sản, hiệu quả kinh tế,... Nhất là trong thực tế hiện nay, vấn đề quản lý đô thị, quy hoạch đô thị vẫn có độ trễ, và yếu.