Thứ Tư, 11 tháng 10, 2017

Xây thêm sân bay An Giang: Khơi lại để làm gì?

Thành Luân

Đất Việt - Dự án sân bay An Giang sẽ không giúp cải thiện nhiều cuộc sống người dân, ngược lại còn đổ thêm gánh nặng cho nền kinh tế, lên người dân nộp thuế.

Tỉnh An Giang vừa đưa dự án sân bay An Giang, với tổng vốn đầu tư khoảng 3.400 tỷ đồng, vào danh mục các dự án mà tỉnh kêu gọi đầu tư tại Hội nghị đầu tư vào ĐBQCL năm 2017, sẽ diễn ra vào ngày 25/10 tại Cần Thơ.

Điều đáng nói, trước đó, vào tháng 8/2016, dự án này đã được đưa ra khỏi danh mục ưu tiên đầu tư giai đoạn 2016-2020.

Bình luận về việc An Giang vẫn quyết tâm với dự án sân bay, Đại tá Phan Tương, nguyên Giám đốc sân bay Tân Sơn Nhất thốt lên: "Không hiểu nổi!", rồi ông tự lý giải rằng đó là vì lợi ích nhóm.

Theo nguyên Giám đốc sân bay Tân Sơn Nhất, mạng lưới sân bay ở Việt Nam đã quá nhiều, thậm chí có "hội chứng sân bay", giống như "hội chứng cảng biển" từng tràn lan khắp nơi.

"ĐBSCL đã có Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, các sân bay Cà Mau, Rạch Giá, và Phú Quốc. Lượng khách bay đến các sân bay này rất thấp, hiệu quả kinh tế không cao, ngay cả Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ - sân bay trung tâm của ĐBSCL, cũng ế khách.

Mặt khác, khoảng cách giữa sân bay An Giang đến sân bay Cần Thơ hay từ An Giang đến Rạch Giá rất gần, chỉ chừng 60km. Vậy xây thêm sân bay để làm gì?

Những người muốn làm sân bay An Giang, có ai nghĩ đến chuyện đó là tiền của dân? Họ nói kêu gọi đầu tư nhưng như vậy cũng là tiền của dân mà ra. Dân còn nghèo người ta không lo, lại lo đi xây dựng sân bay hoành tráng", Đại tá Phan  Tương thẳng thắn.

Việc An Giang hăng hái xây dựng sân bay, theo Đại tá Phan Tương, xuất phát từ chính kiểu xin-cho. Khi lãnh đạo Chính phủ, Nhà nước đi đến địa phương nào, địa phương ấy đều xin mà không cân nhắc kỹ càng.

"Mạng lưới sân bay phải được Quốc hội thông qua chứ không phải muốn làm thế nào thì làm", ông nhấn mạnh.

Nguyên Giám đốc sân bay Tân Sơn Nhất cũng chỉ rõ, nếu được phê duyệt, những người làm dự án sẽ được một số cái lợi, mà lớn nhất và trước tiên là tiền đền bù, giải phóng mặt bằng. Mặt khác, khi có dự án, An Giang nhờ xây dựng sân bay có thể tăng GDP của tỉnh nhà lên.

Tuy nhiên, dự án đó không giúp cải thiện nhiều cho cuộc sống của người dân, trái lại, nó còn đổ thêm gánh nặng cho nền kinh tế, lên những người nộp thuế.

Từ những phân tích trên, Đại tá Phan Tương khẳng định, không nên khơi lại dự án sân bay An Giang. Mạng lưới sân bay Việt Nam hiện nay chưa sử dụng hết và không cần thiết phải mở thêm sân bay nào nữa mà nên lo củng cố.

"An Giang muốn làm sân bay để thu hút khách du lịch quốc tế đến tỉnh nhưng thử hỏi An Giang có gì để nổi trội như Phúc Quốc? Có gì để thu hút khách?", ông đặt câu hỏi.

Vị chuyên gia hàng không kết luận, thay vì làm sân bay, An Giang nên cùng các địa phương khác trong ĐBSCL kết nối với nhau sao cho tốt.

"Hãy phát triển giao thông đường bộ để kết nối vùng, tránh cục bộ địa phương. Đừng để đến lúc làm xong rồi, hiệu quả thấp, dân kêu trời. Khi ấy cái giá phải trả rất lớn", Đại tá Phan Tương lưu ý.  
***

Trao đổi với báo Pháp luật TP.HCM, đại diện Bộ GTVT cho biết bộ này chưa nhận được thông tin tỉnh An Giang tái khởi động xây sân bay An Giang. Tuy nhiên, theo đại diện Bộ GTVT, trước đây phía UBND tỉnh An Giang có đề xuất xây dựng sân bay này nhưng qua nghiên cứu thấy hiệu quả kinh tế thấp nên Bộ GTVT không đồng ý và loại khỏi quy hoạch.

Trước đó, ngày 4/10, theo bà Phan Thị Yến Nhi, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh An Giang, để tránh những ồn ào không đáng có, Trung tâm đã quyết định rút dự án sân bay An Giang ra khỏi danh mục kêu gọi đầu tư tại hội nghị xúc tiến đầu tư lần này. Nhà đầu tư nào quan tâm đến dự án thì sẽ tìm đến.