Thứ Tư, 4 tháng 10, 2017

Mua dự án trường đại học: 'Nói thẳng là buôn đất'?

Hoài An

Đất Việt - Cần nghiêm cấm hiện tượng mượn dự án phát triển giáo dục để chuyển sang dự án BĐS, xây chung cư, biệt thự

Vì sao các đại gia rất tự tin?

TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói thẳng về hiện tượng chuyển nhượng các dự án đại học tại TP.HCM và một số tỉnh thành khác là "buôn đất".

Ông Liêm lý giải, hiện tượng hàng chục khu đất với diện tích hàng trăm hec-ta mà các trường đại học, cao đẳng đang "giữ phần" tại TPHCM hoặc tại các tỉnh thành, địa phương khác hầu hết cũng vì mục đích này.

"Ngay từ khâu xin đất của các trường đại học cũng có hiện tượng chạy quy hoạch rồi. Không phải tự nhiên các trường này được cấp những dự án đất vàng, trị giá hàng nhiều tỉ rồi bỏ không như vậy được. Tất cả đều có có thể có bôi trơn, có phong bì", ông Liêm nói thẳng.

TS Liêm cho rằng, khi các trường phải mất tiền bôi trơn để có dự án họ sẽ phải tìm cách để thu hồi lại. Tuy nhiên, các trường tự nhận thấy khả năng kiếm lợi từ mục đích phát triển giáo dục là rất khó khăn. Ngoài những yêu cầu về khả năng tự chủ nguồn tài chính thì vấn đề đảm bảo chất lượng đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh cũng là rào cản rất lớn. Đây là khó khăn rất lớn mà nhiều trường đại học sẽ phải đối diện, sau khi có chỉ đạo không cho phép thành lập trường đại học mới của Chính phủ và siết chặt chỉ tiêu tuyển sinh tại các trường cao đẳng, trung cấp.

Trong bối cảnh đó, giải pháp thu hồi vốn nhanh, có thể giải quyết tức thì những khó khăn hiện tại cho các trường đại học, cao đẳng chính là chuyển nhượng, bán lại các dự án đất đã được giao.

Với những dự án được giao cho các trường đại học vì để phục vụ mục đích công cộng nên thường có giá rất thấp, thậm chí có dự án còn được giao miễn phí. Nên khi chuyển nhượng chỉ cần hai bên thỏa thuận tới một mức đủ đảm bảo lợi ích cho cả hai là giao dịch đã thành công.

Vị TS không phủ nhận, trong số những dự án đó vẫn có những dự án được sử dụng đúng mục đích phát triển giáo dục, hoặc cũng có những dự án phải chuyển nhượng do bất đắc dĩ, do quá khó khăn... nhưng phần lớn các dự án được chuyển nhượng đều được sử dụng vào mục đích khác. Vì vậy mới có hiện tượng mua bán, chuyển nhượng tấp nập thời gian qua.

Tiếp tục phân tích trên góc độ của người mua lại dự án, TS Liêm khẳng định ngay: "không một đại gia, nhà đầu tư nào sẵn sàng đổ tiền mua lại một dự án mà họ thấy rõ nó hoạt động không hiệu quả hoặc có quá nhiều rủi ro.

Đối với những dự án đất trường đại học thì cần phải hiểu, đây là những dự án được nhà nước giao đất cho các trường đại học với mục đích phát triển giáo dục. Đất được giao có mục đích rất rõ ràng, các trường khi được giao đất nếu không sử dụng phải trả lại nhà nước, không được tùy tiện chuyển nhượng, hay mua bán. Điều này đã được quy định rất rõ tại Luật đất đai.

Theo quy định, những dự án này nếu được chuyển nhượng, mua bán sai mục đích chắc chắn sẽ bị thu hồi", ông Liêm nói rõ.

Mặc dù vậy, ông cũng phải thừa nhận quy định là vậy nhưng trên thực tế vẫn có một số người tự tin  khi mua lại dự án, dự án sẽ được chuyển đổi mục đích, họ sẽ mua được sổ đỏ.

"Việc này hoàn toàn có thể xảy ra và thực tế nó đã xảy ra rồi. Họ tự tin vì cho rằng "đồng bạc có thể đâm toạc tờ giấy", với sức mạnh của đồng tiền, bằng cách thông qua lợi ích nhóm, hoặc các thủ thuật bôi trơn mà nhiều đại gia "ẩn mình" bỗng nhiên ôm trọn các mảnh đất vàng, trị giá hàng nhiều tỉ đồng", ông Liêm cho biết.

Không thể mượn mục đích giáo dục để tư lợi

PGS.TS. Nguyễn Văn Hùng - Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng cho biết, giao đất là phải gắn liền với mục đích sử dụng, nhất là với những dự án phục vụ phát triển giáo dục.

Theo đó, đối với những dự án đã được bàn giao cho các trường đại học mà sử dụng sai mục đích dự án đó phải bị thu hồi hoặc phải được định giá dựa trên biểu giá chung của thị trường tại thời điểm đó, ở khu vực đó.

"Cần nghiêm cấm hiện tượng mượn dự án phát triển giáo dục để chuyển sang dự án BĐS, xây chung cư, biệt thự. Nhất là khi chủ trương cổ phần hóa các trường đại học đang được bàn tới. Nếu không quản lý chặt chẽ, rất có thể dự án đất trường đại học sẽ lặp lại câu chuyện định giá đất vàng của Hãng phim truyện Việt Nam vừa qua", ông Hùng lưu ý.

Ngoài ra, vị chuyên gia cũng lấy ví dụ về một dự án trường đại học tại Quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Theo ông Hùng, dư luận cũng đang đặt vấn đề về dự án này với các chiêu thức tương tự nhằm biến đất công thành đất tư. Đây là báo động rất đáng lo ngại về tình trạng lãng phí đất công, thất thoát nguồn lực lớn, ông Hùng cho biết.

Trước những lo ngại trên, cả hai vị chuyên gia đều kiến nghị Chính phủ cần phải rà soát lại toàn bộ từ khâu quy hoạch dự án cho tới các thủ tục giao đất cho các trường đại học, cao đẳng. Với những dự án đất đai không được sử dụng đúng mục đích hoặc bị "ngâm" quá lâu không sử dụng, gây lãng phí nguồn lực phải thu hồi theo luật định.

Song song với đó, phải công khai những thông tin liên quan để HĐND và xã hội cùng giám sát.

"Không thể để cho cơ quan quản lý vừa cấp đất lại vừa giám sát được, việc này không khác nào vừa đá bóng, vừa thổi còi", TS Phạm Sỹ Liêm nói.