Dân Trí - Ngày nay, nhiều đại gia lắm tiền nhiều của không ngần ngại đầu tư bạc tỷ, thuê thợ về dát vàng toàn bộ ngôi nhà theo kiến trúc hiện đại để thể hiện đẳng cấp giàu có của mình.
Lâu đài dát vàng của đại gia sắt vụn Hà Nội
Tòa lâu đài dát vàng của đại gia sắt vụn Nguyễn Quốc Thanh được mệnh danh là tòa nhà "có một không hai trên đất Hà thành". Tòa nhà này nằm gần đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội, có diện tích khoảng 400m2, xây cao 5 tầng, được thiết kế như những lâu đài cổ ở nước ngoài.
Ngôi nhà trị giá 300 tỷ được thiết kế theo phong cách kết hợp Đông Tây. Điều đặc biệt là chủ nhân “chịu chơi” đến mức đúc tới 6 con gà vàng cỡ lớn đặt lên trên nóc. Một con gà trống vàng to nhất đặt ở chính giữa đang trong tư thế cất tiếng gáy, 5 con gà vàng cỡ bé hơn được đặt vòng quanh. Nhiều người cho rằng, ông Thanh đã đầu tư gần 10 tỷ đồng cho những con gà này.
Không chỉ chăm chút cho bề ngoài, vị đại gia chịu chơi còn chi một số tiền khủng để đầu tư vào nội thất bên trong. Tất cả được làm theo phong cách Châu Âu cổ điển với hai tông màu chủ đạo là nâu, vàng, nhiều chi tiết được dát vàng. Tất cả mọi ngóc ngách trong ngôi nhà đều được trang trí phù điêu họa tiết tỉ mỉ.
Được biết, chủ ngôi nhà là ông Thanh đã lập nghiệp bằng nghề thu mua sắt vụn. Nhờ có kinh nghiệm buôn bán, cộng với chịu khó mở rộng quan hệ, ông Thanh bắt đầu thử sức với ngành buôn bán vật liệu xây dựng, kinh doanh sắt thép và dần trở thành đại gia.
Nhà gỗ dát vàng ở Hải Dương
Năm 2012, ông Nguyễn Đức Lượng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc của một công ty khiến nhiều người phải choáng khi dát tới 60 cây vàng cho ngôi nhà gỗ tại xã Tân Dân, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Tổng diện tích của ngôi nhà này là 5.000m2. Trong ngôi nhà gỗ khổng lồ, trừ hai tường hồi, toàn bộ nhà, từ vì kèo, cửa vách, hoành phi, câu đối, những tiểu tiết nhỏ nhất đều được làm bằng gỗ lim già. Ngôi nhà có 49 cột gỗ cỡ đại. Đặc biệt còn có tầng hầm kiên cố bằng xi măng, bên dưới cũng đủ 49 cột, mỗi cột ứng với một cột gỗ bên trên.
Khắp nơi trong ngôi nhà là những liễn đối dát vàng lấp lánh bằng chữ nho. Riêng ban thờ tổ rất lớn, vàng dát kín xuống đến tận chân đế. Được biết, mấy chục nghệ nhân phải làm mấy năm trời xong mỗi việc dát vàng
Căn nhà này được ông Lượng xây để thờ chính cha đẻ của mình. Theo lời bà Nguyễn Thị Sáu, mẹ đẻ ông Lượng, cha ông Lượng là liệt sĩ Nguyễn Minh Độ. Ông từng là đại đội phó Đại đội pháo cao xạ, đóng quân ở Cát Bà (Hải Phòng), đã hy sinh vào năm 1966. Ông mất đi, để lại người vợ trẻ và cậu con trai mới 18 tháng tuổi.
Dù đi bước nữa, nhưng bà Sáu vẫn nuôi Lượng ăn học tới nơi tới chốn và thành đạt. Khi đã giàu có, vị đại gia này nghĩ đến người cha của mình thì nảy sinh ý định làm một ngôi nhà thờ để tưởng nhớ đến cha. Đặc biệt, ngôi nhà thờ đó phải độc đáo, mang đậm nét văn hóa Việt và trường tồn với thời gian.
Lâu đài dát vàng 20 tỷ ở TP.Hồ Chí Minh
Mơ ước có một lâu đài từ nhỏ, lớn lên, nữ doanh nhân trẻ Mã Đào Ngọc Bích quyết tâm hiện thực hóa giấc mơ đó của mình. Cuối năm 2014, cô đã dựng nên một “lâu đài tình yêu” có tổng diện tích sử dụng khoảng 600m2, được trang trí hết sức ấn tượng.
Tông màu chủ đạo được sử dụng cho lâu đài là vàng ánh kim và đỏ, tạo nên nét mới lạ và sang trọng. Toàn bộ thiết kế mang hơi hướng cổ điển. Đặc biệt, tất cả đều được làm thủ công, do các nghệ nhân nổi tiếng điêu khắc.
Bên trong lâu đài, các họa tiết, hoa văn và bố cục bài trí đều được chú trọng tỉ mỉ đến từng đường nét, thể hiện cho sắc đẹp, tình yêu, thông qua các vị thần trong thần thoại, truyện cổ tích…. Một trong những bức tượng mà chủ nhà ưng ý nhất là tượng Nữ thần Tình yêu Aprodite và thần tình yêu Cupid.
Phòng tắm cũng không kém phần sang trọng với hình ảnh các thiên thần đang bay lượn trên trần nhà, tạo nên một cảm giác thanh bình.
Lâu đài song sinh ở Ninh Bình
Khi đi trên trục đường quốc lộ 1A đoạn đi qua Ninh Bình, nhiều người sẽ ngạc nhiên với tòa lâu đài song sinh có thiết kế đối xứng tương đồng cùng các chi tiết nội thất dát vàng bằng tay.
Lâu đài này thuộc sở hữu của một đại gia ngành xây dựng, có diện tích lên tới 2.000m2. Tên của lâu đài song sinh được đặt theo 2 người con trai, mang ý nghĩa mong muốn các con sẽ nương tựa vào nhau và cùng xây dựng sự nghiệp gia đình .
Tòa lâu đài có hai cổng, được làm bằng đồng vàng, chạm khắc hình sư tử và ngựa. Cửa chính được làm bằng gỗ đỏ, chạm khắc công phu. Nội thất của lâu đài được thiết kế theo phong cách cổ điển châu Âu với mái vòm, trần cao và các phòng được phân chia với không gian rất rộng. Điểm đặc biệt của tòa lâu đài là những chi tiết dát vàng bằng tay cầu kỳ, tập trung ở mái trần, hoa văn và cửa sổ. Tay vịn cầu thang cũng được thiết kế riêng cho gia chủ, làm bằng nhôm đúc mạ vàng.
Cung điện vàng có “một không hai” của đại gia Hải Phòng
Nằm trên con phố Văn Cao - TP. Hải Phòng, tòa lâu đài có tên Lâu đài Linh Nga được xây dựng trên một khuôn viên rộng theo lối kiến trúc tân cổ điển châu Âu. Toàn bộ hoa văn của cung điện được thiết kế và tạo hình theo phong cách đương đại - cổ điển của lối kiến trúc Hồi giáo, kết hợp với vàng tạo nên vẻ đẹp quyền quý.
Đây là công trình đầu tiên và duy nhất trên thế giới sử dụng hoàn toàn vật liệu sứ vẽ vàng 24K cho toàn bộ nội ngoại thất. Điểm đặc biệt của cung điện là có thể tháo ghép rời thành hơn 300 mảnh khác nhau trong 3 ngày là lắp lại hoàn thiện trong 5 ngày. Công trình ước tính có giá trị trên 20 tỷ đồng và nặng trên 30 tấn.
Cung điện có hệ thống chóp rời (5 chóp) cùng 4 cột trụ sứ vàng đi kèm. Toàn bộ bề mặt nhìn thấy của tòa nhà đều được gắn sứ vẽ vàng. Riêng gạch lát sàn cũng có tới hơn 100 mẫu hoa văn các loại.