Thứ Ba, 27 tháng 3, 2018

Dự án resort Nam Ô: Chưa cấp thủ tục xây dựng đã rao bán

NGUYỄN THÀNH

TP - Những ngày qua, thông tin hình ảnh về dự án Lancaster Nam Ô Resort (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) chặn lối xuống biển của người dân Nam Ô đang thu hút sự quan tâm của dư luận thành phố Đà Nẵng. Dự án này chưa được cấp các thủ tục xây dựng nhưng đã tiến hành rào chắn, khiến người dân bức xúc. Dự án chưa được thành phố cấp các thủ tục đầu tư nhưng vẫn được rao bán trên mạng.

700.000 đồng/m2 đất làng Nam Ô

Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, dự án Lancaster Nam O Resort có tên dự án Khu đô thị Sinh thái Nam Ô. Trước đây, dự án này được UBND thành phố giao cho Cty CP Thương mại Du lịch đầu tư Cù Lao Chàm. Ngày 11/3/2010, ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng (bấy giờ) đã có quyết định chuyển đổi chủ đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái Nam Ô từ Cty Thương mại Du lịch đầu tư Cù Lao Chàm sang cho Cty Cổ phần Tập đoàn Trung Thủy.

Ngày 17/9/2010, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ra quyết định số 7101, quy định giá đất để thu tiền giao quyền sử dụng đất dự án này đối với Cty Cổ phần Tập đoàn Trung Thủy. Theo đó, UBND thành phố Đà Nẵng quy định giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp để thu tiền giao quyền sử dụng 10ha trong tổng diện tích khoảng 36 ha đất quy hoạch thực hiện dự án Khu đô thị sinh thái Nam Ô đối với Cty Cổ phần Tập đoàn Trung Thủy là 700.000 đồng/m2. Đơn giá này, UBND thành phố chịu hoàn toàn chi phí đền bù, giải tỏa và bố trí tái định cư của dự án.

Quyết định này cũng ghi rõ: “Trường hợp Cty Cổ phần Tập đoàn Trung Thủy nộp đủ tiền sử dụng đất trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ký hợp đồng thì được giảm 10% tiền sử dụng đất phải nộp theo Quyết định 6644/QĐ – UBND ngày 28/8/2009 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng”.

Ngày 29/9/2010, Cty Cổ phần Tập đoàn Trung Thủy và Cty Quản lý và khai thác đất Đà Nẵng lập hợp đồng giao đất có thu tiền sử dụng đất theo giá đất, quyết định 7101 của Chủ tịch UBND thành phố đối với diện tích 100.000m2. Giá trị hợp đồng là 70 tỷ đồng. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ký hợp đồng, Cty nộp đủ tiền thì được giảm 10% tổng số tiền sử dụng đất phải nộp. Hợp đồng được lập, đến ngày 15/11/2010, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng tiếp tục có văn bản đồng ý chuyển đổi Chủ đầu tư dự án Khu đô thị Sinh thái Nam Ô từ Cty Cổ phần Tập đoàn Trung Thủy sang Cty Cổ phần Trung Thủy  - Đà Nẵng. Ngày 24/11/2010,  Cty Cổ phần Trung Thủy Đà Nẵng nộp số tiền 63 tỷ đồng do được miễn giảm 10% tiền sử dụng đất.

Đất đã được sang nhượng, nhưng đến 7/2011, UBND thành phố mới có quyết định thu hồi giao đất cho Cty Quản lý và khai thác đất Đà Nẵng quản lý để thực hiện theo quy hoạch của dự án với diện tích 336.000m2 tại khu vực này.  

Sau 2 lần điều chỉnh, chỉ còn đất biệt thư

Dự án Khu đô thị Sinh thái Nam Ô ban đầu có tổng diện tích sử dụng hơn 43,2 ha. Tuy nhiên từ năm 2010 khi dự án được giao cho Cty Cổ phần Trung Thủy Đà Nẵng, UBND thành phố đã 2 lần điều chỉnh quy hoạch dự án. Cụ thể ngày 20/12/2010, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng lúc đó là ông Trần Văn Minh đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án này.  Theo đó dự án này được điều chỉnh quy hoạch từ hơn 43,2ha xuống còn hơn 36ha. Trong đó, đất khu resort từ hơn 100.000m2 giảm xuống còn hơn 64.000m2, đất biệt thự từ hơn 22.000m2 tăng lên 40.000m2. Đất ghềnh đá Nam Ô từ 46.000m2 điều chỉnh tăng lên 49.000m2.

Đến tháng 3/2014, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng (lúc này là ông Văn Hữu Chiến) tiếp tục có quyết định điều chỉnh Quy hoạch dự án này lần nữa. Điều đáng chú ý, lúc này diện tích đất khu resort từ hơn 64.000 m2 đã được điều chỉnh về con số 0. Trong khi đất biệt thự được tăng lên hơn 63.000m2. Ngoài ra, quy hoạch ban đầu của dự án không có quỹ đất lăng miếu, mộ tiền hiền Nam Ô, sau 2 lần điều chỉnh quỹ đất này mới lần lượt tăng từ 504m2 và hơn 2.000m2.

Theo một chuyên gia bất động sản, quy hoạch của dự án đã được điều chỉnh, diện tích đất khu resort  được điều chỉnh về bằng 0. Trong khi dự án được khoác lên mình cái tên Lancaster Nam O resort chỉ là mác, vỏ bọc nhưng thực chất là để phân lô bán nền, chủ yếu xây biệt thự để bán. Dự án này chưa được cơ quan chức năng cấp các thủ tục xây dựng, nhưng trên mạng, Cty này đã bắt đầu rao bán 57 căn biệt thự của dự án.

Tàn nhẫn với văn hóa, lịch sử

Ông Hồ Duy Diệm, Chủ tịch Hội bảo vệ lưu vực và dải biển Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch Hội Quy hoạch thành phố Đà Nẵng khi nhắc đến câu chuyện làng Nam Ô bị giải tỏa để nhường đất cho dự án đã phải thốt lên rằng: Chính quyền Đà Nẵng đã đối xử tàn nhẫn với những giá trị văn hóa lịch sử của một vùng đất đã đi vào huyền sử. Do đó, phải chất vấn chính quyền địa phương tại sao lại đối xử với những di tích lịch sử linh thiêng của vùng đất Nam Ô như vậy?! Những hình ảnh về Nam Ô tan hoang bây giờ là một điều rất đáng tiếc, rất đáng chê trách những lãnh đạo của chính quyền thành phố từ trên xuống dưới. Tại sao Đà Nẵng là thành phố du lịch mà một làng nghề độc đáo với những lăng, miếu, dinh gắn liền với những nhân vật lịch sử, tín ngưỡng của người dân không được giữ gìn mà lại bán cho doanh nghiệp để xây biệt thự phục vụ một bộ phận người có tiền, có của?

“Đó là nỗi đau xót của những người yêu mến và biết trân quý những giá trị của cha ông, tiền nhân để lại. Tôi căm giận thay cho nhân dân Nam Ô. Giá trị văn hóa, giá trị lịch sử không có tiền nào mua được. Giá trị lịch sử nếu làm du lịch đúng sẽ đẻ ra tiền. Bán 700 ngàn hay 700 triệu cho một mét vuông đất thì tiền cũng hết. Nhưng nếu để những công trình văn hóa tâm linh, để lại giá trị lịch sử thì đời đời con cháu sẽ mang ơn”, ông Diệm bức xúc. 

Ông Diệm cho rằng, thành phố thu về  63 tỷ đồng cho 100.000m2 đất nhưng phải đền bù giải tỏa cho doanh nghiệp. Số tiền Cty đã nộp để mua 100.000m2 đất của dự án chỉ bằng vài cái biệt thự dự án này bán ra. Trong khi, trên mạng đang thấy rao bán 57 căn biệt thự, chưa kể khách sạn… Rõ ràng, dự án chỉ làm giàu cho doanh nghiệp, trong khi người dân sẽ chẳng còn biển, chẳng còn ghềnh đá Nam Ô, chẳng còn lăng miếu thờ tự linh thiêng. 63 tỷ đồng mà đánh đổi như thế thì thật chua xót.

Dưới góc độ nhà quy hoạch, ông Diệm cho rằng thành phố cần sửa ngay sai lầm trước khi quá muộn. Cần làm ngay một quy hoạch bảo tồn làng Nam Ô và mời doanh nghiệp cùng tham gia để biến đây thành một địa điểm du lịch. Tuyệt đối không có làm biệt thự, resort che chắn biển của dân. Bãi cát phải được trồng cây, tạo cảnh quan và bảo vệ làng Nam Ô khỏi sóng gió. Về mặt pháp lý, thành phố hoàn toàn có thể thu hồi đất của dự án này, trả tiền cho doanh nghiệp để lấy lại đất vì dự án này đã hơn 10 năm rồi chưa triển khai. Trong khi đó, quỹ đất công cộng của thành phố đang ngày càng khan hiếm, cần tính toán để phục vụ cộng đồng.

“Quan trọng nhất vẫn là quy hoạch bảo tồn làm Nam Ô. Chỉ khi nào đất quy hoạch dư ra thì mới tính chuyện cho doanh nghiệp triển khai. Dự án chưa cấp các thủ tục để triển khai, thành phố hoàn toàn có quyền điều chỉnh quy hoạch. Tại sao không làm”, ông Diệm nói.
***

Ông Nguyễn An, người dân tổ 50 Nam Ô, nói trong đau xót: “Toàn bộ dinh, miếu, lăng Ông, lăng Bà, mộ tiền hiền nghe nói là sẽ được di dời gom về “một cục” ở bên phía Xuân Thiều. Tổ tiên, thành hoàng của làng chúng tôi sao đưa qua làng khác, ông bà tổ tiên chúng tôi sẽ đi đâu?! Còn ghềnh Nam Ô, mỏm Hạc muôn đời dân chúng tôi gìn giữ. Năm 1972, giặc đòi phá rừng để bộ đội khỏi ẩn núp, dân chúng tôi xả thân bảo vệ, mới còn được như hôm nay. Trên ấy còn miếu vọng bà Huyền Trân ai ai cũng biết. Nay bán ghềnh cho tư nhân xây hết biệt thự lên đấy, nhà nước thử coi có được không?!”.