Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

Cố lên, rồi sẽ xấu được như Sài Gòn!

>> Độc đáo ngôi nhà có vườn bên trong ở Nhật Bản


Thảo Hảo

Cách đây ba tuần, ngồi ăn phở Nhớ ở đường Huỳnh Thúc Kháng, nhìn qua bên đường thấy một hội diễn của một cơ quan nào đó đang diễn ra tại Nhà hát Ca múa kịch, mọi người rộn ràng đi ra đi vào hân hoan, quần là áo lượt, nghĩ cuộc sống bây giờ cũng hay, công nhân viên bình thường cũng có cơ hội đứng trên cùng cái sân khấu mà các diva, các nghệ sĩ lớn đứng.

Cũng như đi qua Nhà hát lớn, thấy có buổi trao bằng của một trường X, Y, Z nào đó tổ chức tại đây, thấy công năng của các nhà hát cũng đã được biến thiên uyển chuyển, chứ chương trình biểu diễn trong nước làm gì đủ cho tối tối sáng đèn.

Thì thôi, nước nhỏ mô hình nhỏ, miễn sạch sẽ, gọn gàng, dịch vụ tốt nhất trong phạm vi xinh xắn đó, thế là tốt rồi.

Đùng một cái, đọc trên báo, thấy đăng lời mời của UBND thành phố Hà Nội, mời người dân từ 22 đến 29. 9. 2010 đến xem và cho ý kiến để chọn 1 trong 2 mô hình nhà hát được xây trên Hồ Tây, có tên là nhà hát Thăng Long. Chọn nhanh nhanh để 10 ngày sau, vào 7. 10. 2010 (chắc lại xem ngày, xem giờ rồi) Ủy ban còn động thổ.

Nhà hát này, được coi là hiện đại nhất Việt Nam, xây trên hồ Tây. Nhìn trên báo (thì cũng chỉ biết nhìn ở đấy thôi), thấy thật khổng lồ. Không dám bàn vì chẳng biết gì về kiến trúc, chỉ lo cái mô hình của ông Renzo Piano thiết kế có thành một nhà kính nóng nung lên giữa mùa hè không. Còn thiết kế của Norman Foster, nằm ngang hết cả hồ, với những đường đi từ bờ dẫn vào, cắt nát hồ, và biến cả một vùng Hồ Tây thành ra phục vụ cho mỗi một nhà hát…

Nhưng nói chung, thế là đáng đời người Hà Nội nhé, cứ tự hào về Hồ Tây với Hồ Gươm cho lắm vào, giờ thì hồ nào cũng có vấn đề: hồ thì cụ rùa mắc câu sắp toi mà cứ bàn qua bàn lại không ai dám cứu, hồ thì mặt nước to sắp bị cắt nát thành những mặt nước con… Nhưng truyền thống Hà Nội là thế mà: cái gì thiêng thì phải giải thiêng. Đến Ba Đình mà còn phá để xây mới thì cái gì mà không làm được. (Nghĩ cũng hay, trong khi bỏ 2.300 tỉ đồng để bảo tồn cố đô Huế thì lại đập Ba Đình, đấy chẳng phải là một biểu tượng thiêng liêng của cả một “triều đại” sao?)

Nhưng thôi, cái tật lan man, quay lại với hai mô hình nhà hát mà dân ta sắp được chọn. Nhưng cái chọn này cũng là một sự đã rồi. Người ta chỉ được phép chọn 1 trong 2. Có nghĩa là thể nào cũng phải làm. Thế còn chọn số 0 thì sao? Với lý do là làm nhà hát hiện đại thế nhưng lấy cái gì biểu diễn ở đấy bây giờ? Mỗi ngày tổ chức một hội diễn hả? Hay bắt buộc tất cả các hội nghị, lễ tốt nghiệp đều phải diễn ra tại đấy? Hay sáng tổ chức đám ma, chiều tổ chức đám cưới cho nó hết công suất?…

Không rõ đề án sử dụng nhà hát này mặt mũi thế nào…, nhưng nhìn những phối cảnh trong tương lai thấy sao quá hồng hào: trong lòng nhà hát đầy người xem, trước cửa nhà hát đầy ”bọn” lịch sự… trông có vẻ không phải nước ta, ngày hôm nay.

Rồi sẽ có người nói, ta phải xây cho tương lai. Tương lai nước ta toàn người lịch sự. Họ sẽ sử dụng nhà hát này. Văn hóa lúc đó đầy chương trình biểu diễn, lịch phải đăng ký cả bốn tháng mới có chỗ.

Ôi, tương lai, cứ để tương lai, nhiệm kỳ tương lai nó quyết, nó xây đi. Giờ ta cứ làm thật tốt những thứ trong bối cảnh hiện nay ta đang chịu trách nhiệm mà làm chưa ra gì: nhà hát Chèo trên đường Giang Văn Minh, nhà hát Ca múa nhạc trên đường Huỳnh Thúc Kháng, nhà hát gì đó ngay mũi tàu đường Lê Thánh Tông, rồi bao nhiêu rạp, bao nhiêu sân khấu nho nhỏ nhem nhuốc. Làm cho tốt lên đi đã, cho những chỗ ấy đầy chặt người đi đã. Đến khi nhu cầu xã hội thấy là cần có một nhà hát cực hiện đại, cực khổng lồ, thì hãy làm. Nhu cầu của xã hội, chứ không phải là nhu cầu “đổi đất” của một vài đơn vị, như tờ Bee (nó) nói nhé.

Lại nghĩ Hà Nội hay thật, trong những tháng chạy đua này mà phải quyết gấp gáp nhiều thứ thế nhỉ: nào mấy cái cổng chào, nào trục Ba Vì, nào nhà hát… Hai cái đầu đã bị bác, cái thứ ba này không hiểu có lọt không. Nhưng thôi, cũng là một động tác cho ai đó thấy, tôi đã làm hết sức rồi, nhưng xã hội dân sự nó vậy, nó (tập) đa chiều, (tập) dân chủ, nhưng lại vô minh!

Nguồn: Soi