Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014

Hội hoạ có cần phản ánh thời đại và dân tộc? (*)

>> "Thánh thể"


Nguyễn Đình Đăng

Bức tranh dưới đây gợi cho bạn cảm giác gì? Một bức hoạ do một hoạ sĩ theo trường phái hiện đại đang hưởng ánh nắng chói chang dưới bầu trời xanh bên bờ biển vẽ chăng? Có đề tài nào thông thường hơn là Địa Trung Hải, khi biết bao người, từ các hoạ sĩ nghiệp dư, vô danh, tới các cự phách như các hoạ sĩ Ấn tượng rồi cả Picasso, đã từng vẽ?

Hoạ sĩ trường phái Biểu hiện người Đức Max Beckman (1884 – 1950) đã vẽ loạt tranh phong cảnh Địa Trung Hải trong những năm 1941 – 1945, sau ông khi bị chính quyền Đức Quốc Xã liệt vào loại “nghệ sĩ suy đồi”. 

Tranh của ông và các “hoạ sĩ suy đồi” khác bị cấm triển lãm ở Đức. Bản thân ông phải di tản bất hợp pháp sang sống tại Amsterdam. Tại đây, trong một nhà kho cũ chứa thuốc lá, dưới bầu trời bắc Âu xám xịt và lạnh lẽo, dựa vào một số bưu ảnh và ảnh đen trắng do chính ông chụp trong đợt du lịch tại Côte d’Azur những năm 1930, 1938 và 1939 cùng trí nhớ của mình, Beckman đã vẽ biển trời Địa Trung Hải. Bụng đói vì thiếu ăn, ông vẽ cá, chanh, ẩm thực biển. Không thấy đâu hết dấu vết của lòng căm thù cùng sự khinh bỉ chế độ độc tài đã vùi dập ông. Cũng không thấy nỗi đau khắc khoải trước vận mệnh của cả một dân tộc đang phải chịu sự tuyên truyền của chủ nghĩa Quốc Xã. Tâm hồn nghệ sĩ đã vượt ra ngoài thời gian, không gian, và thực tại đáng nguyền rủa, để dựng lại hồi ức về một thiên đường đã mất dưới bầu trời Địa Trung Hải.

Đối với chế độ Hitler, hội hoạ của Beckmann là suy đồi bởi nó chẳng dân tộc cũng không phản ánh hiện thực quốc xã chủ nghĩa. Song những mảng màu trắng, lam, lục và những vệt bút đen của ông, sau hơn 70 năm, đã khiến vài người xúc động. Đó mới là những yếu tố tạo nên sự vĩnh hằng của nghệ thuật, như Kandinsky từng nói. Nhờ sự hiện diện của chúng mà tranh của Max Beckmann dường như vẫn còn đáng xem tới tận ngày hôm nay.

14.6.2014

 ___
(*) Dựa theo thông tin từ bài “Max Beckmann – Paysages azuréens” của Philippe Dagen, đăng tại Air France Magazin, 5.2014, tr. 42 – 43)