Thứ Ba, 3 tháng 2, 2015

Gữi gìn hồn phố

Nguyễn Thị Hậu

Khi chúng ta luôn phải nói đến “hồn phố” có nghĩa là hồn phố đã mai một, đang biết mất hoặc không còn nữa.

Vậy nhưng, “hồn phố” là sự vô hình, ta không thể nhìn thấy hay nắm bắt được nó. Vậy làm sao biết nó có hay không, còn hay mất?

Bạn sinh ra và lớn lên ở làng quê hay ở thành thị, hay bạn từng sống ở một nơi nào đó khá lâu, bạn cảm thấy gắn bó và nhớ thương khi đi xa, bạn thấy hụt hẫng thậm chí xa lạ khi gặp lại nó trong một hình hài khác. Ở làng quê, đó là dòng sông với chiếc xuồng, mái nhà vương khói bếp chiều hôm, là vườn cây trái sum xuê bốn mùa, là mái đình cong cong mái chùa cổ rêu phong… Nơi phố thị là góc phố “hương ngọc lan”, là “con đường có lá me bay”, là quán cà phê sang trọng hay bình dân lề đường, là bùng binh tượng đài, là tháp chuông nhà thờ cao vút, là hàng cây cổ thụ trăm năm…

Bạn sẽ tự hỏi, cái gì làm mình gắn bó với quê hương hay nơi chốn ấy? Vì sao mình thấy xa lạ nếu nơi ấy không còn những gì quen thuộc? Câu trả lời giản đơn là với con người, mỗi đồ vật mỗi cảnh quan đều “có hồn”. Không phải là “hồn vía” của thần thánh hay ma quỷ nhập vào, mà chính là mối liên hệ, sự tương tác của con người với cảnh vật đã tạo nên “hồn vía” đó.

“Hồn phố” là khái niệm phi vật thể vì nó là tình cảm, hoài niệm, nhớ nhung… của một người hay một cộng đồng, được nảy sinh và vun đắp trong quá trình sinh sống nơi phố thị. “Hồn phố” trong mỗi người luôn gắn liền với không gian sống và cụ thể hóa bởi những vật thể quen thuộc hay mang dấu ấn đặc biệt nào đó. Hồn phố là đặc trưng văn hóa tinh thần rất tinh tế và đầy chất lãng mạn của cư dân đô thị, nó tồn tại trong ký ức từng cá nhân, được di truyền và lan tỏa, và rồi nó trở nên vững chắc trong ký ức của cộng đồng.

Trong một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển do PGS.TS Trần Hữu Quang chủ trì (2010), khi được hỏi “Nói tới Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh, ông/bà thường hay nghĩ đến địa điểm hay tòa nhà nào trước hết?” thì hầu hết những câu trả lời đều nói đến các công trình, địa điểm tập trung ở quận Một, như Chợ Bến Thành, Dinh Thống Nhất, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện, bùng binh Nguyễn Huệ… tức là khu vực trung tâm thành phố. Như vậy, đây chính là vùng tiêu biểu trong ký ức của người dân về thành phố này.

Và như vậy, muốn giữ gìn đặc trưng văn hóa Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh thì cần phải bảo tồn, tôn tạo và gìn giữ những địa điểm công trình và cảnh quan trong “vùng ký ức”, và ngược lại, hủy hoại hay làm biến dạng nó sẽ làm tổn thương và xóa bỏ “hồn phố” – một “sản phẩm” văn hóa tinh thần riêng biệt của từng đô thị.

Văn hóa đô thị thường thể hiện đậm đặc ở “vùng lõi”: khu vực trung tâm, được hình thành lâu đời, xây dựng và quy hoạch phục vụ thiết chế hành chính – chính trị - văn hóa của đô thị. Khu vực này tiêu biểu cho “hồn vía” của đô thị cả về kiến trúc cảnh quan, cả về lối sống và văn hóa. Khu vực cốt lõi này nếu không được bảo tồn, bị phá vỡ về cấu trúc dân cư, về cảnh quan kiến trúc tức là đã phá hủy hồn vía của đô thị. Khi ấy văn hóa đô thị sẽ không còn đủ sức mạnh để “đồng hóa” những lớp dân cư khác đến sau.

Không chỉ có vậy. Trong chiều kích thời gian thì ký ức đô thị còn gắn liền với những biến cố lịch sử, trong chiều kích không gian nó phản ánh những thay đổi của cảnh quan tự nhiên và cảnh quan nhân văn. Qua đó “diện mạo” cư dân đô thị - bao gồm cả những người quản lý đô thị - hiện ra phản ánh đầy đủ những sắc thái văn hóa của từng thời kỳ lịch sử.

Cuộc sống với tốc độ phát triển hiện đại làm cho những gì thuộc về tự nhiên cứ yếu thế dần giữa những vật liệu vô hồn trong thành phố, tâm hồn con người cũng dần chai sạn bởi những va đập của cuộc bon chen kiếm sống… Cái gì gắn kết những con người đô thị với nhau, kể cả khi họ đã đi xa, đó chính là hồn phố. Giữ gìn hồn phố là bảo vệ những gì tốt đẹp trong tâm hồn người đô thị, bảo vệ một lịch sử chung qua những ký ức riêng.

Một vùng đất đánh mất ký ức, một thành phố không còn ký ức, những thế hệ con người không có ký ức… chẳng ai muốn điều đó xảy ra, vì đó sẽ là “vùng đất chết”. Nó chết, bởi con người không còn tình cảm gì với nó, bởi con người trở nên lạnh lùng vô cảm với chính cộng đồng của mình.

Những ai đang sống ở Sài Gòn hay đã xa Sài Gòn, cả những người mới đến nơi đây lập nghiệp, đều mong muốn Sài Gòn bảo tồn nét đẹp độc đáo của cảnh quan kiến trúc cũng như giữ được tâm hồn phóng khoáng bao dung của người Sài Gòn. Đó là “điểm tựa” để Sài Gòn phát triển một đô thị hiện đại nhưng đa dạng và giàu tính nhân văn.

Sài Gòn 5/12/2014
(Báo Pháp luật TP Xuận 2015)