Hoàng Vân
(PL) - Rất nhiều hạng mục trong thiết kế của dự án sân bay Quảng Ninh bị Bộ Xây dựng “bắt giò”.
Bộ Xây dựng vừa có ý kiến đối với báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cảng hàng không Quảng Ninh. Theo Bộ Xây dựng, cảng hàng không Quảng Ninh theo quy mô đầu tư được phê duyệt là cảng hàng không nội địa đón được các chuyến bay quốc tế với tính chất dùng cho dân dụng và quân sự. Tuy nhiên, trong thiết kế cơ sở và thuyết minh dự án, dây chuyền công nghệ khai thác không được thiết kế cho việc đón các chuyến bay quốc tế.
Sớm quá tải ngay sau khi đưa vào sử dụng
Đáng lưu ý, Bộ Xây dựng chỉ rõ thuyết minh thiết kế cơ sở của dự án này có sự nhầm lẫn giữa số liệu tính toán công suất của sân bay Phan Thiết. Theo đó, số liệu tính toán công suất đầu vào trong thuyết minh báo cáo nghiên cứu khả thi xác định lượng khách giờ cao điểm là 800 hành khách/giờ. Tuy nhiên, số liệu tính toán trong thuyết minh thiết kế cơ sở hạng mục nhà ga hành khách lại tính trên thông số 1.000 hành khách/giờ. Điều này dẫn đến quy mô diện tích của nhà ga tăng 20% so với công suất dự kiến 2 triệu khách năm.
Các thông số tính toán đầu vào của các hệ thống thiết bị chính như cấp nước, cấp điện, điều hòa thông gió, thông tin liên lạc… chỉ lấy theo công suất 2 triệu hành khách/năm, không dự phòng phát triển cho giai đoạn tiếp theo, có thể dẫn đến lãng phí trong tương lai khi nâng cấp công suất nhà ga.
Cũng theo Bộ Xây dựng, việc tính toán công suất của nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ với công suất đến năm 2020 là 2 triệu hành khách/năm, lưu lượng hàng hóa 10.000 tấn/năm, với tiêu chuẩn diện tích cho một hành khách là 16 m2 là tương đối thấp so với tiêu chuẩn nhà ga hàng không. Trong khi dự báo công suất đến năm 2030 khoảng 5-6 triệu hành khách/năm, lưu lượng hàng hóa 30.000 tấn/năm. Như vậy, nhà ga sẽ sớm quá tải ngay sau khi đưa vào sử dụng. Điều này buộc cảng hàng không Quảng Ninh sớm phải được đầu tư mở rộng.
Thế nhưng trong hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, việc tính toán tổng mức đầu tư và các chỉ tiêu tài chính, thu hồi vốn hiện nay mới chỉ tính toán cho việc đầu tư xây dựng cảng hàng không - nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ cũng với công suất 2 triệu hành khách/năm. Vì vậy, thiếu lộ trình dài hạn, không đủ cơ sở số liệu đàm phán thương thảo, ký kết hợp đồng với nhà đầu tư BOT về lộ trình mở rộng quy mô, nâng cấp cảng, mở rộng nhà ga hành khách, xây dựng nhà ga hàng hóa mới và các hạng mục phụ trợ trong tương lai.
Bộ Xây dựng cho rằng theo quy định, dự án cần được cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở và thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công ở bước tiếp theo của dự án. Cùng với đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đầu tư thẩm định các nội dung khác trong báo cáo nghiên cứu khả thi khi đầu tư xây dựng. Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh thực hiện các bước thẩm định và phê duyệt dự án theo quy định của Luật Xây dựng.
Lấy thông số khí hậu ở Hà Nội tính toán
Theo Bộ Xây dựng, trong báo cáo trên, phần thuyết minh và tính toán hạng mục điều hòa thông gió lấy thông số khí hậu ở Hà Nội, dẫn đến sai sót trong việc áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Bộ Xây dựng cũng cho rằng thuyết minh giải pháp thiết kế kết cấu công trình nhà ga hành khách trong thiết kế cơ sở sơ sài và không nêu được những vấn đề như giải pháp xử lý nền móng, giải pháp khung sàn bê tông cốt thép, giải pháp vỏ mái, tường - vách kính, mái sảnh chính…
Bên cạnh đó giải pháp cấu tạo kiến trúc mái chưa rõ ràng, tiềm ẩn những vấn đề khó giải quyết liên quan đến thấm dột, hư hại khi sử dụng. Việc sử dụng tôn có lớp chống nóng để lợp mái cho mô hình kiến trúc này cần được xem xét đến khả năng gia công lắp dựng, tiêu chuẩn và độ dốc tối thiểu của mái, liên kết chống bão…
Giải pháp kết cấu công trình nhà ga hành khách không phù hợp với kiến trúc vỏ mái, không gian trong khu sảnh chờ bay quá nhiều cột do sử dụng lưới các cột đỡ giàn mái. Kết cấu này làm hạn chế không gian rộng, mặc dù công trình dự kiến sử dụng hệ kết cấu thép tiền chế.
Các hạng mục phụ trợ như nhà điều hành, đài kiểm soát không lưu, nhà xe ngoại trường, trạm khẩn nguy cứu hỏa, kho xăng dầu, trạm khí tượng… thiết kế chưa đồng bộ với nhà ga hành khách về đường nét kiến trúc.