Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2015

Mức giá 'khủng' của cây gỗ quý nhóm 1 bị 'chặt nhầm'

Quang Chiến

Người Đưa Tin - Gỗ muồng đen thường rất được giá nhưng để mua được gỗ muồng đen rất khó vì các cây này nằm trong danh mục bảo tồn của quốc gia, phải có mối quen mới mua được.

Nhiều ngày qua, tin tức hàng chục cây muồng đen cổ thụ thuộc giống gỗ quý nhóm 1 trước cửa Bộ Y tế (Hà Nội) đã "không cánh mà bay" và thay vào đó là những cây sưa con khiến cho dư luận lại xôn xao.

Như thông tin PV đã đưa trước đó, hàng loạt cây muồng đen trước cửa Bộ Y tế bị chặt hạ, nhưng điều đáng nói là một số cây sưa non vừa thay thế đã có biểu hiện chết khô mà không có sự can thiệp từ cơ quan chức năng.

Giật mình mức giá "khủng'

Để làm rõ hơn về giá trị kinh tế của loại cây muồng đen, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc khảo sát tại một số làng nghề buôn bán gỗ và làm đồ thủ công mĩ nghệ có tiếng tại miền Bắc.

Bác Nguyễn Văn Quân (61 tuổi, chủ xưởng buôn gỗ có tiếng tại làng Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội) tiết lộ: “Gỗ muồng đen giờ hiếm lắm, cách đây khoảng 3 – 4 năm thì chúng tôi ở đây còn kiếm được về buôn. Chứ giờ ít ai mua được loại gỗ này”.

Tìm dọc khu làng nghề, PV cũng không tìm ra được xưởng sản xuất nào có sử dụng loại gỗ trên. Các lái buôn gỗ cho biết, giờ gỗ muồng đen khó tìm được nguồn cung lâu dài nên gặp thì mua về bán lại cho các xưởng gỗ.

Hơn nữa, việc buôn bán loại gỗ quý này cần phải được cấp phép và có quá trình kiểm tra nghiêm ngặt nên hầu hết các tay buôn không dám “liều” ôm về bán.

Cũng theo bác Quân, trong khi các loại gỗ khác thường bấp bênh về giá thì gỗ muồng đen luôn dao động ở mức 7,5 – 9 triệu đồng/m3.

Gỗ muồng đen thường được sử dụng làm đồ mĩ nghệ như: đồ giả cổ, bàn ghế, sập, gụ, tủ, chè…, một số nơi còn chế tác làm đồ thờ cúng.

“Gỗ muồng đen thường rất được giá nhưng để mua được gỗ muồng đen rất khó vì các cây này nằm trong danh mục bảo tồn của quốc gia, phải có mối quen mới mua được”, bác Quân cho biết thêm.

Cũng như bác Quân, anh Nguyễn Danh Thắng (34 tuổi, chủ buôn gỗ tại Đồng Kị, Từ Sơn, Bắc Ninh) chia sẻ: “Bên cạnh những loại gỗ quý như đinh, lim, sếu, táu, hương… thì thị trường hiện nay cũng rất ưa chuộng các sản phẩm làm từ gỗ muồng đen bởi gỗ rất chắc, bền và không lo mối mọt. Đường kính cây càng lớn thì càng được giá”.

Mặt khác, các thương lái gỗ muồng đen cho biết, nguồn gỗ thường không cố định nên không phải lúc nào cũng có gỗ để bán cho khách.

Bác Đỗ Quang Hùng (chủ xưởng đồ gỗ mĩ nghệ Đồng Kị, Từ Sơn, Bắc Ninh), là người có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề cho biết: “Gỗ cây muồng đen có đường kính 40 – 60 cm có giá không dưới 7,5 triệu đồng/m3. Nhiều khi khan hiếm gỗ, thương lái ép giá đến trên 9,5 triệu đồng/m3.

Không thể làm việc với báo chí?

Trước hàng loạt những câu hỏi về tính minh bạch trong việc chặt hạ cây muồng đen đang cần giải đáp thì phía Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội vẫn “án binh bất động”.

Trước đó, tại thời điểm đưa tin, PV báo Người Đưa Tin đã nhiều lần đặt lịch trực tiếp cũng như liên hệ qua điện thoại để hỏi chi tiết vụ việc nhưng không thành.

Đến chiều ngày 03/4/2015, PV đã kết nối được với ông Nguyễn Xuân Hưng (PGĐ Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội), vị này đã trả lời PV với nội dung cụt lủn: “Chúng tôi đang phục vụ công tác của đoàn chuyên ngành nên không thể làm việc với báo chí được”.
***

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo yêu cầu UBND TP Hà Nội: Khẩn trương thanh tra, làm rõ, kết luận và xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân theo quy định; Rà soát, đánh giá các biện pháp, cách thức tổ chức thực hiện; kịp thời điều chỉnh biện pháp, cách làm không phù hợp, khắc phục những tồn tại, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND TP Hà Nội tăng cường quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn TP Hà Nội theo đúng quy định. TP Hà Nội cần thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch và tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhân dân, tạo sự đồng thuận trước khi thực hiện.