Thứ Hai, 8 tháng 6, 2015

Tái tạo Thảo Cầm Viên Sài Gòn

>> Những cây cầu tự nhiên độc đáo ở Ấn Độ

KTS VŨ QUANG DUY (Mỹ)

(PL) - Với diện tích, với vị trí địa lý, với cơ sở sẵn có, Thảo Cầm Viên chỉ thiếu một chút quan tâm để có thể trở lại làm trái tim xanh của trung tâm TP và thiếu một chút phương hướng để mở rộng phạm vi ảnh hưởng.

Sau khi Ban quản lý Thảo Cầm Viên Sài Gòn khẳng định không có chuyện Thảo Cầm Viên bị phá bỏ để xây cao ốc như tin đồn thì công luận đang hướng đến một thực tế: Nơi đây đã và đang ngày càng xuống cấp và do đó giá trị công cộng của nó không còn ở tình trạng tốt nhất. Dù sớm hay muộn, vườn bách thảo của chúng ta cũng phải chấp nhận một sự thay đổi lớn.

Central Park và bài học về sự không bỏ cuộc

Central Park của New York nổi tiếng là địa điểm phải đến mỗi khi ghé thăm TP này, từ phim ảnh đến đời thật. Vào đầu thập niên 1960, công viên rộng 3,5 km2 này chứng kiến sự suy tàn tới tận 20 năm trời. Đây là thời điểm nhà quy hoạch đô thị đại tài Robert Moses (người được ví như Haussmann, nhân vật dưới trướng Napoleon Đệ Tam giúp cải tổ lại toàn bộ diện mạo Paris và biến nó thành Paris hoa lệ mà chúng ta biết ngày nay) rời khỏi cương vị của mình, là thời kỳ đi xuống của kinh tế, sự leo thang về tội phạm, cũng như các sự kiện xã hội nóng hổi. Sự mất cân bằng từ nhiều phía đã khiến Central Park nói riêng và toàn New York nói chung trở thành nơi người ta muốn lánh xa hơn là đến gần.

Để khắc phục tình trạng xuống cấp, một tổ chức mang tên Central Park Conservancy được thành lập, làm việc với phương châm về tâm lý con người là nếu một tài sản chung được giữ gìn ngăn nắp, mọi người sẽ tiếp tục cố gắng giữ gìn và ngược lại, nếu chỉ một người cố tình phá hủy, những người khác sẽ không còn ra sức bảo vệ. Rác được dọn sạch vào mỗi buổi sáng, thùng rác được đổ hằng ngày, kẹo cao su dính vào tường và tranh vẽ graffiti không bao giờ tồn tại quá 24 tiếng, đó là lời hứa của đội ngũ tận tâm tại Central Park. Ngoài ra, ban quản lý nỗ lực cải tạo lại thảm xanh của công viên, nhất là khu đồng cỏ Great Lawn, tu sửa lại những công trình cũ như quảng trường Cherry Hill, lâu đài (giả) Belvedere, quảng trường và đài phun nước Bethesda. Trong những cải tạo đó, sự tái thiết sở thú Central Park Zoo là đáng chú ý nhất.

Sự đi xuống của New York, sự lụi tàn của Central Park trong hai thập niên đã khiến sở thú trung tâm không tránh được tổn thất nặng nề. Đến đầu thập niên 1980, vườn thú đã gần như bị bỏ phế. Kế hoạch tái xây dựng vườn thú bắt đầu vào năm 1983 và kéo dài tận năm năm, trong thời gian đó thì sở thú đóng cửa. Các chuồng nhốt thú bị phá bỏ hoàn toàn, nhường chỗ cho hệ thống môi trường mô phỏng tự nhiên, nơi thú vật được tự do đi lại. Tuy nhiên, khách tham quan vẫn cảm nhận được rõ ràng phong vị cổ kính của vườn thú này, đó là vì thiết kế mới đã được thực hiện với tiêu chí bảo tồn càng nhiều càng tốt, tái sử dụng vật liệu và chi tiết của vườn thú cũ, vừa tôn trọng giá trị lịch sử của công trình vừa tiết kiệm nhiều chi phí.

Tiềm năng về một Central Park của Sài Gòn

Cùng hình thức sinh hoạt, bề dày lịch sử tương đương (thực tế là cả hai cùng bắt đầu mở cửa vào đúng năm 1864), hiện tượng thoái trào không mấy khác biệt, có thể thấy Thảo Cầm Viên của Sài Gòn hiện giờ khá giống Central Park của New York trong những năm 1960-1980. Người khác nhìn vào có thể chỉ thấy sự suy tàn, cũng như khả năng kiếm lợi nhuận trước mắt khi phân lô bán đất cho kiến trúc dịch vụ thương mại. Thế nhưng với một sự suy xét thấu đáo, chúng ta có thể nhìn ra được tiềm năng hơn là sự xuống cấp bề nổi. Đã có bao dự án cào bằng những di sản kiến trúc TP để trưng dụng thành “đất vàng, đất bạc”. Chưa kể đến việc rất nhiều trong số chúng trở thành thất bại lớn, việc xây dựng thiếu tầm nhìn tạo ra một sự mất cân đối của quy hoạch đô thị. Chúng ta đã mất đi di sản, giờ chúng ta lại thừa công trình thương mại, trong khi lại thiếu không gian cộng đồng và các công trình mang tính văn hóa, giáo dục.

Thảo Cầm Viên đã có cấu trúc khá tốt được thiết kế và xây dựng từ thời Pháp, nếu tái sử dụng với mục đích mới hay tái thích nghi thì đã đủ để giải quyết sự xuống cấp cục bộ. Tuy nhiên, vườn thú này còn tiềm tàng một khả năng lớn hơn. Nằm ngay bờ sông Sài Gòn đắc địa, lại sát với xưởng tàu Ba Son vốn cũng cần trùng tu nếu không di dời, Thảo Cầm Viên nên được tập trung nâng cấp để thành một mảng thiên nhiên phục vụ sinh hoạt công cộng, tiếp xúc với môi trường bến cảng và liên thông với Ba Son để thành một không gian trưng bày kỹ nghệ hàng hải như một bảo tàng thực sự. Sự nâng cấp này không đòi hỏi việc đập cũ xây mới, bảo tồn được ý nghĩa vốn có của các công trình nhưng vẫn giúp mang lại lợi ích cả về xã hội lẫn kinh tế. Nó sẽ tạo lý do để người dân sử dụng khu bến sông, tái kích hoạt những hoạt động đô thị, thúc đẩy sự mở rộng kinh doanh và đầu tư, cũng như làm trung tâm cho những công trình phúc lợi khác như trường học, nhà hát, bảo tàng, phòng triển lãm, các trung tâm nghệ thuật hình thành. Đó mới đúng nghĩa là phát triển.

Nếu Thảo Cầm Viên Sài Gòn được làm mới, được cải tạo, được giữ gìn và đầu tư chăm sóc đúng hướng, khu vực này sẽ chắc chắn tạo hiệu ứng nâng cấp dây chuyền giúp biến đổi toàn bộ địa bàn theo hướng tích cực.

Hãy để mọi người nhớ đến Sài Gòn với những nét đẹp nhân văn, dịu dàng nhưThảo Cầm Viên hơn là sự chật chội ồn ào của một khu thương mại vô bản sắc.
***

TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam:

Đừng quá tham vọng đưa toàn bộ thiên nhiên về phố

Theo thông tin tôi được biết, Thảo Cầm Viên Sài Gòn trước đây cũng vì mong muốn nuôi được nhiều thú, trồng nhiều cây xanh thành ra quá tải. Chuyện nâng cấp để đẹp hơn, sạch hơn, tốt hơn là cần thiết. Nhưng về lâu dài thì nên dựa trên đề án cụ thể, đưa ra để các cơ quan chức năng cùng rút kinh nghiệm đóng góp. Sau đó cũng nên tham vấn thêm ý kiến của cộng đồng, những ý kiến của những người sát sườn với thực tế.
Thảo Cầm Viên ở Sài Gòn hay sở thú tại Công viên Thủ Lệ ở Hà Nội cũng vậy. Tôi cho rằng vườn thú không chỉ để nuôi thú, nhốt thú. Và người tới tham quan chắc chắn không chỉ đến để xem thú. Cũng không có khuôn mẫu chuẩn nào cho một vườn thú, hay một công viên cả.

Chúng ta cũng đừng quá tham vọng đưa tất cả thế giới tự nhiên vào một khuôn đất của TP… Phải tính xem đưa cái gì, trồng cái gì, nuôi con gì. Vì mỗi loài thú, sinh vật hay thực vật cũng cần môi trường, thức ăn, nguồn nước, cách chăm sóc… không hề đơn giản.

Ở Singapore, tôi đi thăm vườn chim có đủ các loại chim, hay vườn bướm cũng có đủ loại bướm… Họ chuyên vào một loại thú để tạo điều kiện chăm sóc tốt nhất. Tôi vào Công viên Thủ Lệ thấy mấy con thú gầy còm, ốm yếu. Con người khi chuyển từ vùng này sang vùng khác cũng cần thời gian thích nghi huống chi con thú. Nuôi thú dù ở rừng hay ở trong công viên cũng cần có đủ môi trường tự do, đi kèm đó là mùi đất, hơi nước và sự thích nghi. Vậy nên cần có sự nghiên cứu trên tổng thể, dựa trên nhiều yếu tố cụ thể. Ở Hà Nội, chẳng hạn như Công viên Bách Thảo làm khá tốt trong vấn đề chăm sóc sinh vật, quy hoạch cũng như môi trường.

YÊN TRANG
***

KTS Ngô Viết Nam Sơn:

Cần quy hoạch để Thảo Cầm Viên thực sự là vườn bách thảo

Tới đây, nếu TP có chủ trương cải tạo lại thì Thảo Cầm Viên vẫn nên được giữ lại như hiện trạng nhưng cần nâng tầm lên và quy hoạch lại để phát huy hết giá trị của nó. 
Việc mở rộng Thảo Cầm Viên nối liền với khu vực Ba Son, công viên bờ sông dọc theo cảng Bạch Đằng đến khu phố đi bộ Nguyễn Huệ trở thành dải cây xanh liên tục là điều rất cần thiết. Việc này vừa bổ sung diện tích cây xanh cho TP, vừa trở thành một không gian sinh hoạt cộng đồng dành cho người dân. Từ dải cây xanh của Thảo Cầm Viên nối liền với không gian xanh dọc theo bờ sông cần bố trí cầu đi bộ trên cao hoặc ngầm để người dân có thể di chuyển từ Thảo Cầm Viên ra bờ sông và đến phố đi bộ mà không phải đi ra ngoài đường. Dải cây xanh liên tục này có thể giúp hứng gió từ sông Sài Gòn vào làm mát cả đô thị TP.

Cùng với việc cải tạo Thảo Cầm Viên và công viên dọc bờ sông Sài Gòn thì khu vực Ba Son cũng cần được cải tạo, chỉnh trang lại để tạo sự hài hòa cho toàn không gian ven sông Sài Gòn. Toàn khu vực này sẽ trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, là không gian công cộng phục vụ cho cộng đồng.

Cải tạo và quy hoạch lại Thảo Cầm Viên cần dựa trên cơ sở bảo tồn nguyên trạng những giá trị của nó. Đồng thời có thể quy hoạch thành các tuyến đường mang đặc trưng của một số loài cây, hoa, cũng có thể nghiên cứu bố trí những nhà kính nuôi bướm… Ở mỗi tuyến đường, mỗi khu vực cần có bảng chỉ dẫn để người dân dễ dàng tham quan và tìm hiểu. Làm sao để Thảo Cầm Viên đúng là một công viên bách thảo, vừa phục vụ nhu cầu vui chơi, vừa như là một mô hình nghiên cứu nhỏ đối với lứa tuổi học sinh, sinh viên có nhu cầu tìm hiểu về cây cối và động vật.

VIỆT HOA
***

TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM:

Nên dỡ bỏ nhiều công trình bê tông, tăng diện tích cây xanh

Thảo Cầm Viên là khuôn viên xanh để mọi người đến thưởng ngoạn và nghỉ ngơi. Nếu muốn cải tạo tốt, tôi nghĩ trước đó nên rà soát kỹ càng xem hướng cải tạo đó có phù hợp với nhu cầu của con người hiện nay không. Chúng ta cần phải biết người dân muốn gì khi đến đây, mục đích của việc đến đây là gì để cải tạo theo hướng người dân cần. 
Nếu có một số hạng mục xuống cấp hoặc trong thời gian trước mình xây nhưng đến bây giờ chúng ta cảm thấy không cần nó nữa thì có thể tháo dỡ để tăng cường diện tích cây xanh hoặc bổ trợ thêm những hạng mục khác cần thiết hơn.

Tuyệt đối không được làm giảm đi diện tích cây xanh. Còn muốn tăng diện tích cây xanh lên thì có nhiều cách, chẳng hạn chúng ta có thể làm thêm vườn treo.

Nếu rà soát lại thấy tình trạng bê tông hóa quá nhiều hoặc xây quá nhiều những công trình để kinh doanh trong Thảo Cầm Viên thì tốt nhất là nên tháo dỡ những công trình đó để trả lại diện tích cho cây xanh. Nếu cải tạo theo hướng xây thêm nhà trò chơi thì tôi cho rằng sẽ không ai ủng hộ. Quan điểm của tôi là cải tạo thế nào để gần gũi với con người hơn, có chức năng tốt hơn.

Tóm lại, cái quan trọng nhất vẫn là tăng diện tích mảng cây xanh mà hiện nay Thảo Cầm Viên còn thiếu. Sàng lọc, gỡ bỏ những kiến trúc không cần thiết, hạn chế việc kinh doanh. Có như vậy thì Thảo Cầm Viên mới được trả lại hiện trạng như Công viên Tao Đàn hoặc những công viên khác.

NGUYỄN CHÂU
***

Từng nhiều lần cải tạo

Từ sau năm 1975, do số lượt khách đến thăm viếng ngày càng tăng, cơ sở vật chất ngày càng xuống cấp nên chính quyền TP đã nhiều lần tiến hành nâng cấp, cải tạo Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Nổi bật có hai đợt:

- Năm 1984: Xây dựng mới nhiều hạng mục công trình như kè đá dọc kênh Thị Nghè, cải tạo hệ thống thoát nước và hệ thống dây điện trần, trải nhựa và bê tông đường nội bộ, xây dựng tường rào dọc đường Nguyễn Bỉnh Khiêm…

- Từ năm 1990, nhiều chuồng thú được cải tạo và mở rộng cho phù hợp với đời sống của từng loài thú, đã nâng tổng diện tích chuồng thú từ

8.500 m2 lên đến năm 2000 là 25.000 m2.

- Hiện nay cơ sở hạ tầng của Thảo Cầm Viên Sài Gòn tiếp tục xuống cấp, không đáp ứng hiệu quả khai thác sử dụng. UBND TP đã có Quyết định số 5653/QĐ-UBND ngày 5-11-2012 phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Thảo Cầm Viên Sài Gòn với quy mô xấp xỉ 17.000 ha, bao gồm năm khu chức năng (khu văn hóa giáo dục, khu biểu diễn, khu thiếu nhi, khu yên tĩnh, khu phục vụ) của một vườn bách thảo, nơi sưu tập, bảo tồn các loài thực vật quý hiếm, có giữ lại một số chủng loài động vật chọn lọc phù hợp.