TT - Sau hơn ba năm nhìn lại, hầu hết các “tuyến đường mẫu” - những tuyến đường các quận, huyện cam kết không để xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vẫn không khác ngày xưa.
Thậm chí trên một số tuyến đường tình trạng bị lấn chiếm nhiều hơn.
Trước đó, đầu năm 2012, 24 quận, huyện trên địa bàn TP.HCM ký cam kết và chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND TP.HCM về việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trong đó có cam kết giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trên tổng cộng 159 tuyến đường.
Kết quả thực hiện các cam kết này như thế nào?
Vô tư kinh doanh
trên vỉa hè
Mới hơn 18g, đường Trường Sa đoạn qua P.13 (Q.3) đã tấp nập, nhộn nhịp bởi các quán nhậu, quán cà phê dọn sẵn bàn ghế ra chiếm trọn vỉa hè để đón khách.
Trước số nhà 966 Trường Sa, hàng chục bộ bàn ghế xếp theo dãy choán hết lối đi bộ của người dân, những gốc cây xanh xung quanh đó cũng được tận dụng để kê đồ, treo bảng...
Từ một góc phía trong quán, khói nướng đồ ăn tỏa ra đường. Chỉ khoảng 30 phút sau khách ngồi kín hết chỗ. Những bàn
nhậu ồn ã cứ vô tư ném thẳng thức ăn thừa, khăn lau miệng xuống nền gạch vỉa hè. Những người dân đi bộ qua đoạn đường này đều phải chấp nhận đi dưới lòng đường chung với xe máy, ôtô lao qua vun vút.
Cách đó khoảng vài trăm mét ở P.12 (Q.3), một dãy quán nước, quán cà phê và quán bán thức ăn vặt mọc dày hai bên đường. Phía trước quán là những bãi giữ xe cho khách. Đang lưỡng lự đứng trước một quán cà phê trên đường Trường Sa, bà Thu (ngụ Q.3) cho biết đợi thưa bớt xe để đi bộ qua bên kia đường.
“Ngày nào tôi cũng đi tập thể dục buổi chiều, cứ qua đoạn đường này là lo sợ bị xe va quẹt vì dù muốn hay không mình cũng phải đi xuống lòng đường. Vỉa hè bị xe cộ đậu choán hết” - bà Thu nói.
Phía bên kia kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là đường Hoàng Sa (Q.3). Tại đây, tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm chỗ đậu xe, buôn bán cũng diễn ra rất nhiều.
Có những đoạn vỉa hè dài 30-50m bị một số quán nhậu “trưng dụng” làm bãi giữ xe. Thậm chí, khi có người len lỏi đi giữa những chiếc xe dựng trên vỉa hè thì nhân viên giữ xe còn trừng mắt nhìn với vẻ khó chịu.
Góc đường Nguyễn Thị Minh Khai - Lý Thái Tổ (Q.3) có một quán bán đồ ăn nhanh rất đông khách, nhất là vào dịp cuối tuần. Cứ tầm 19g, vỉa hè trước mặt tiền của quán này không còn chỗ trống.
Xe được xếp kín hết vỉa hè và đậu xuống cả lòng đường, khiến người đi bộ phải lấn ra gần giữa đường để đi.
Tại khu vực trung tâm như Q.1, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn ngang nhiên xảy ra. Điển hình như đường Trần Hưng Đạo đoạn qua P.Nguyễn Thái Bình.
Hay như đường Phạm Ngũ Lão, lòng đường bị những chiếc xe khách cồng kềnh chiếm dụng để làm bến đỗ đón, trả khách rất lộn xộn.
Khu vực Q.5, nhiều tuyến đường mẫu cũng bị chiếm dụng toàn bộ vỉa hè để làm chỗ giữ xe cho các quán nhậu, quán bán thức ăn nhanh. Tại góc đường Nguyễn Văn Cừ - Trần Phú (Q.5), có một đoạn vỉa hè khoảng 20m bị chiếm không còn một chỗ trống.
Xe máy xếp thành hàng hai, hàng ba ra sát lòng đường. Còn trên đường Nguyễn Trãi (Q.5), một dãy dài vài trăm mét vỉa hè bị lấn chiếm để dựng những sạp buôn bán mũ vải, mũ bảo hiểm và dùng làm chỗ đậu xe cho khách.
Không chỉ những tuyến đường mẫu mà ngay cả những tuyến đường mới mở như đường Phạm Văn Đồng (Q.Bình Thạnh, Q.Thủ Đức) hay đường Tân Hóa - Lò Gốm ngay sau khi đưa vào sử dụng thì vỉa hè cũng bị chia từng đoạn để buôn bán.
Đẩy đuổi là chính
Ông Đậu An Phúc - trưởng phòng quản lý khai thác hạ tầng giao thông Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết: theo quyết định của UBND TP ngày 9-3-2012 về việc thông qua nội dung bản cam kết thực hiện các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự an toàn giao thông, mỗi quận - huyện đăng ký 5-10 tuyến đường cam kết giải quyết tình trạng buôn bán, đỗ xe, giữ xe lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.
Trong đó, một số quận trung tâm có số tuyến đường đăng ký như sau: Q.1 đăng ký 10 tuyến gồm Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Nguyễn Thái Học, Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Lý Tự Trọng, Cách Mạng Tháng Tám, Lê Duẩn, Phùng Khắc Khoan;
Q.3 đăng ký bảy tuyến đường gồm Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Nguyễn Đình Chiểu, Trương Định, Điện Biên Phủ, Hoàng Sa, Trường Sa;
Q.5 đăng ký 10 tuyến đường gồm Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Chí Thanh, Thuận Kiều, Nguyễn Văn Cừ, An Dương Vương, Lê Hồng Phong, Hùng Vương, Trần Phú, Nguyễn Tri Phương...
Có tổng cộng 159 tuyến đường có cam kết giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.
Tuy nhiên, qua theo dõi từ năm 2013 đến nay, Sở Giao thông vận tải nhận thấy công tác chấn chỉnh, lập lại trật tự trong quản lý, sử dụng vỉa hè của các cấp chính quyền quận - huyện, phường - xã - thị trấn chưa làm tốt, chưa đạt hiệu quả cao, chỉ mang tính chất đẩy đuổi là chính, thiếu giải pháp căn cơ, dẫn đến tình trạng tái lấn chiếm lòng lề đường diễn ra ở nhiều nơi với mức độ
phổ biến.
Trong năm 2015, Sở Giao thông vận tải sẽ tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh công tác phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện trong chấn chỉnh trật tự lòng lề đường.
Đồng thời đề nghị UBND các quận, huyện tăng cường chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện quyết liệt hơn nữa công tác chấn chỉnh trật tự lòng lề đường, đặc biệt cần nâng cao hiệu quả hoạt động của đội quản lý trật tự đô thị về kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự lòng lề đường trên địa bàn quận, huyện.
Cũng theo ông Phúc, để hạn chế tình trạng lấn chiếm vỉa hè trên một số tuyến đường mới mở như đường Phạm Văn Đồng, đường Võ Văn Kiệt, đường Trường Sa, đường Hoàng Sa, Sở Giao thông vận tải đã có văn bản đề nghị UBND các quận có liên quan chấn chỉnh.
Trong năm 2015, Sở Giao thông vận tải sẽ tiếp tục phối hợp cùng Ban An toàn giao thông TP, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP và các ban của HĐND TP giám sát việc thực hiện của các địa phương để kịp thời phản ánh cũng như biểu dương.
***
Thực hiện chưa quyết liệt
Trong bản dự thảo báo cáo tình hình thực hiện chương trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2011 - 2015 và kế hoạch thực hiện giai đoạn 2016 - 2020 của Sở Giao thông vận tải TP.HCM gửi UBND TP.HCM vào cuối năm 2014, Sở Giao thông vận tải TP cho biết nhiều giải pháp đã có chủ trương của TP, nhưng khi về đến cơ sở thì chỉ đạo tổ chức thực hiện chưa quyết liệt, chưa sâu sát, dẫn đến không tạo được sự chuyển biến như mong đợi.
Đặc biệt là tình trạng lập lại trật tự lòng lề đường trên địa bàn TP, tình trạng tái diễn gần như cũ khá phổ biến ở nhiều địa phương.
Việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để đậu xe, buôn bán, kinh doanh dịch vụ không đúng quy định vẫn diễn ra ở nhiều nơi, trên nhiều tuyến đường, kể cả những tuyến đường mẫu đã đăng ký với TP. Kết quả giải quyết vấn đề này chưa đạt được như mong muốn.