RFI - Unesco đã quyết định đưa vào danh sách Di sản Thế giới 23 địa điểm tượng trưng cho cuộc cách mạng công nghiệp thời Minh Trị Thiên Hoàng. Nhiều địa điểm trong số này đã bị Trung Quốc và Hàn Quốc phản đối.
Trên mạng Twitter, Unesco cho biết : « Những địa điểm tượng trưng cho cuộc cách mạng công nghiệp thời Minh Trị Thiên Hoàng của Nhật Bản được xếp vào danh sách Di sản Thế giới : sắt và thép, xưởng đóng tàu và mỏ than ».
Theo UNESCO, 23 địa điểm nằm rải rác tại 11 vùng đã cho thấy rõ một mô hình công nghiệp tiên tiến của Nhật Bản thời Minh Trị Thiên Hoàng (1868-1910). Vài địa điểm trong số này cho đến nay vẫn còn hoạt động như là cần cẩu của nhà máy đóng tàu Mitsubishi Heavy Industries (MHI) tại Nagasaki (miền Nam). Đây là lần đầu tiên những khu còn hoạt động được xếp vào di sản thế giới.
Danh sách cũng bao gồm các mỏ than Hashima và các xưởng đóng tàu Mietsu trên đảo Nagasaki và các khu luyện gang thép cũ thuộc miền Bắc nước này.
Tuy nhiên, quyết định trên đã trở thành chủ đề chính trị gây tranh cãi. Hàn Quốc và Trung Quốc nhấn mạnh rằng 7 trong số đó từng là địa điểm lao động cưỡng bức của nhiều công dân hai nước này dưới thời đế quốc Nhật Bản (giai đoạn 1910-1945 đối với Triều Tiên và 1932-1945 đối với Trung Quốc).
Hàn Quốc ước tính có đến 57.900 người Triều Tiên đã bị gởi đến 7 địa điểm lao động cưỡng bức trong suốt Đệ Nhị Thế, nhất là tại Hashima.
Tokyo và Séoul đã quyết định chôn vùi những vết tích chiến tranh trên hồ sơ này. Theo báo chí Nhật Bản, Hàn Quốc sẵn sàng chấp nhận việc ghi nhận những địa điểm này vào Di sản Thế giới với điều kiện Tokyo giải thích thêm là những địa điểm này từng tiếp nhận các lao động cưỡng bức.
Phía Bắc Kinh cho rằng yêu cầu ghi nhận vào di sản thế giới là một « chiến dịch tẩy sạch » những trang sử đen tối của chính quyền Shinzo Abe.
Ủy Ban Di sản Thế giới của Tổ chức Văn hóa Liên Hiệp Quốc nhóm họp tại thành phố Bonn, Đức từ thứ Bảy 04/07 đến thứ Tư 08/07. Trong hai ngày thứ Bảy và Chủ Nhật vừa qua, họ đã xét chọn các ứng cử viên mới cho Di sản Thế giới.