BBC - Khi chiếc thuỷ phi cơ cất cánh khỏi mặt nước và bắt đầu tăng độ cao, thiên đường mở ra ngay dưới chân chúng tôi.
Đại dương xanh trải ra cả bốn bề, với những bãi san hô ngầm bao quanh các bãi cát trắng nhỏ, nơi đặt những khách sạn sang trọng.
Khách du lịch đổ đến từ khắp thế giới để tận hưởng sự xa hoa của Maldives, đảo quốc gồm 1.200 hòn đảo nhỏ nằm cách cực nam của Ấn Độ khoảng 370 dặm (595km).
Bất chấp vị trí hẻo lánh của nơi này, không gì có thể sánh kịp với các khách sạn tại Maldives, vốn được đặt trên từng đảo thuộc sở hữu tư nhân.
Du khách có thể gọi rượu Champagne từ quán bar bên hồ bơi nước ngọt, dùng bữa tối với trứng muối Nga và thịt bò Wagyu, xem tập mới nhất của Trò chơi Vương quyền trong các căn phòng điều hòa. Ở đây không thiếu gì, và cũng không có gì là ngoài tầm với.
Thế nhưng bất chấp tất cả những điều này, một thực tế đang dần làm mất đi sự hoàn hảo của quần đảo.
Maldives sắp biến mất hoàn toàn.
Đảo quốc này được cho là một trong những quốc gia đứng trước nhiều nguy cơ do thay đổi khí hậu nhất tại Nam Á.
Dù các cặp đôi không muốn điều này ảnh hưởng tới tuần trăng mật của mình, thực tế lại khó nhắm mắt làm ngơ hơn đối với những nhân viên phục vụ tại đây.
"Tất nhiên tôi lo ngại về thay đổi khí hậu, về bãi đá ngầm, về môi trường và ô nhiễm," Mansoor, một người dân Maldives đang phục vụ tại một trong các khách sạn, nói.
"Nhưng tôi biết làm gì đây?"
Khí hậu thay đổi đang đe dọa các công trình và thành phố ven biển khắp thế giới, nhưng đối với nhiều người, họ không thể chỉ đơn giản di chuyển vài dặm sâu hơn vào bờ, hoặc từ bỏ các thành phố lớn như Miami, Amsterdam và Thượng Hải.
Đối với công dân của 6 đến 10 đảo quốc, tình trạng thay đổi khí hậu có thể cướp đi quốc gia của họ.
Cái giá của sự chần chừ
Dù khó để biết chính xác điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, các nhà khoa học lo ngại rằng nhân loại đang đẩy một số quốc gia đến bờ vực diệt vong.
Ngay cả khi ngưng toàn bộ khí thải, chúng ta cũng đã sản xuất ra đủ khí nhà kính để làm mực nước tăng lên khoảng từ 30cm đến 60cm trong những năm tới.
"Có lẽ không có công nghệ nào có thể giúp chúng ta ngăn một số đảo quốc bị nhấn chìm," ông Michael Mann, nhà khí tượng học nổi tiếng từ Đại học Bang Pennsylvania, nói.
"Đây là lời tiếng chuông cảnh tỉnh về cái giá của sự chần chừ."
Nếu bằng một cách nào đó, chúng ta có thể giữ để nhiệt độ mà con người chúng ta tạo ra chỉ cao hơn 1,5 độ C so với trước thời kỳ công nghiệp hóa, như lời kêu gọi của các đảo quốc, thì hầu hết các đảo quốc này sẽ có thể tiếp tục nổi trên mặt nước biển.
Tuy nhiên, hầu hết các nước khác, nhất là những nước phát triển, lại cảm thấy thoải mái hơn với nhiệt độ cao hơn so với trước thời công nghiệp hóa 2 đến 3 độ C.
"Các đảo quốc ở Thái Bình Dương đã cảnh báo rằng họ đang đứng ở tiền tuyến của tình trạng thay đổi khí hậu, dù gần như không thải ra khí nhà kính," ông Jose Riera, cố vấn đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, nói.
Ở thời điểm này, viễn cảnh đó khó mà tránh khỏi, và nhiều người bắt đầu tự hỏi rằng điều gì sẽ xảy ra khi những đảo quốc này bị nhấn chìm.
Trong quá khứ, dù các quốc gia đã bị sáp nhập hoặc chia tách để thành lập thành những quốc gia khác, chưa bao giờ có một quốc gia bị biến mất hoàn toàn.
Vì vậy, chưa hề có tiền lệ về pháp lý, văn hóa hay kinh tế về những gì sẽ xảy ra với công dân các nước bị biến mất hoàn toàn.
"Một khái niệm mới về tư cách công dân sẽ phải được đưa ra trên toàn cầu," ông Michael Gerrad, Giám đốc Trung tâm Xây dựng Luật về Thay đổi Khí hậu tại Đại học Luật Columbia, nói.
Thế nhưng sự bất định này cũng làm dấy lên nhiều câu hỏi, ông nói.
Những quốc gia bị nhấn chìm liệu có còn ghế tại Liên hiệp quốc? Họ có còn vùng đặc quyền kinh tế và quyền đánh bắt cũng như khai thác tài nguyên trên vùng biển của mình nữa không? Các công dân của họ sẽ đi về đâu, sẽ mang quốc tịch gì? Họ có bất cứ quyền pháp lý nào trước những nước thải ra khí nhà kính hay không?
Những câu hỏi này sẽ trở nên phức tạp hơn trước mặt bằng chính trị và môi trường trong tương lai không phải là quá xa.
Đến lúc những đảo quốc này bắt đầu biến mất, Gerrad nói, thế giới sẽ đang ở trong tình trạng khủng hoảng, với nhiều người rơi vào tình trạng vô gia cư ở các khu vực trũng như Bangladesh, vùng đồng bằng sông Nile, vùng đồng bằng sông Cửu Long và nhiều nơi khác.
Vì vậy, vấn đề pháp lý và hậu cần tại những đảo quốc nhỏ sẽ không phải là vấn đề được ưu tiên trên toàn cầu.
Tỵ nạn
Gerrad lo ngại rằng tình hình hiện nay ở Syria và một phần châu Phi, nơi hàng trăm nghìn người đang trong tình trạng vô gia cư vì khủng hoảng chính trị và kinh tế, là điềm báo cho những gì sắp xảy ra nếu nhân loại không sẵn sàng xử lý tình hình.
"Số lượng những người bị ảnh hưởng do các khủng hoảng hiện nay vẫn thấp hơn con số thực sự khi khủng hoảng khí hậu xảy ra," ông nói.
Dù không muốn dự đoán tương lai 85 năm tới, Gerrad nói hiện nay, hoàn cảnh của những công dân bị mất nước vẫn không hề rõ ràng.
Mặc dù công dân trên các đảo quốc đang lo lắng về nguy cơ này, nhưng hầu hết các quốc gia khác lại không mấy quan tâm.
Hiện vẫn không có một thỏa thuận quốc tế nào về những người bị vô rơi vào tình trạng vô gia cư do thay đổi khí hậu và vẫn chưa có nạn nhân nào của tình trạng thay đổi khí hậu được cấp quốc tịch mới.
Điển hình như hồi tháng 11 năm ngoái, một thẩm phán tại New Zealand đã bác đơn của một công dân Kiribati xin quy chế tỵ nạn cho ông và gia đình vì lý do thay đổi khí hậu.
Tòa phán quyết rằng người đàn ông này không bị đàn áp ở nước mình và vì vậy không thể xin tỵ nạn.
Vị thẩm phán cũng nói nếu ông nới rộng định nghĩa về quy chế tỵ nạn và người này cùng gia đình được cho phép ở lại, sẽ có thêm hàng triệu người khác tìm đến tỵ nạn ở New Zealand.
Trong vòng hai thập niên qua, New Zealand và Úc đã từ chối gần 20 trường hợp tương tự.
"Xét theo nội dung Công ước Người Tỵ nạn năm 1951, bất cứ ai vượt biên và nói họ là nạn nhân của tình trạng thay đổi khí hậu đều không được luật pháp quốc tế công nhận," Riera nói.
"Một số quốc gia đã bắt đầu xem xét vấn đề này, nhưng hiện vẫn chưa có một loại thị thực nào dành cho những người này."
Tuy nhiên, theo Gerrard, cuối cùng thì các quốc gia cũng sẽ bắt đầu phải đối mặt với thực tế và bắt đầu mở cửa đường biên giới của mình hoặc tìm cách giúp đỡ những người vô gia cư do thay đổi khí hậu, ví dụ như bán đất để giúp họ tái thiết lập quốc gia của mình ở một nơi khác.
Riera dự đoán rằng các nước khác sẽ có thái độ nhã nhặn và để các quốc gia bị nhấn chìm giữ được tài sản kinh tế của họ.
"Một hệ thống quốc tế thích sự yên ổn hơn là hỗn loạn," ông nói. "Hoa Kỳ sẽ khó lòng mà nhìn vào Kiribati hay Tuvalu và nói 'đó không phải là một quốc gia'!"
Tương tự, trong lúc Liên hiệp quốc tiếp vẫn tiếp tục thừa nhận quốc gia đó thì tên miền quốc gia, hệ thống ngân hàng và hộ chiếu của quốc gia đó vẫn có hiệu lực.
"Nếu một nước nào đó không còn tồn tại vì thiếu đất, đó sẽ là một tình huống mới, nhưng không phải là điều mà hệ thống hiện nay của chúng ta không thể xử lý," ông Kim Davis, giám đốc dịch vụ kỹ thuật tại Icann, một tổ chức phi lợi nhuận có trách nhiệm quản lý tên miền trên internet, nói.
"Ở góc nhìn của chúng tôi, nếu các nước này tiếp tục nằm trong danh sách của Liên hiệp quốc, tên miền quốc gia của họ sẽ tiếp tục tồn tại."
Di cư trong danh dự
Các đảo quốc như Kiribati, một quốc gia với các vành san hô trải dài 3,4 triệu cây số vuông ở Thái Bình Dương, đang quyết tâm nằm lại trên danh sách đó.
"Người dân Kiribati hiểu khá rõ về yếu tố khoa học", ông Rimon Rimon, phát ngôn viên Văn phòng Tổng thống Cộng hòa Kiribati, nói.
"Chúng tôi biết rằng dù các nước khác có muốn cắt khí thải đi nữa, quần đảo của chúng tôi cũng sẽ bị nhấn chìm trong 30 đến 50 năm nữa".
Vì vậy, Tổng thống Kiribati, Anote Tong, đã vạch ra kế hoạch mà ông gọi là 'Di cư trong Danh dự', vốn được Úc và New Zealand ủng hộ.
Công dân Kiribati có thể sang các nước khác để được huấn luyện các kỹ năng chuyên ngành. Đến khi cần được nhập cư, họ sẽ "nhập cư nhờ phẩm chất của mình, chứ không phải như những người tỵ nạn cần sự giúp đỡ", ông Rimon nói.
Năm ngoái, Tổng thống Tong đã mua lại một mảnh đất trên một trong các quần đảo của Fiji, cách Kiribati khoảng 1.930km.
Kiribati sẽ sử dụng mảnh đất này để trồng hoa màu và làm nguồn cung cấp nước sạch - các tài nguyên đang bị ảnh hưởng do mực nước biển tăng.
Khi cần thiết, Kiribati có thể di chuyển một số công dân đến đó.
"Chúng tôi đang đối mặt với nguy cơ mất đi danh tính, văn hóa và tập tục của mình vì tình trạng thay đổi khí hậu," ông Rimon nói.
"Nhưng chúng tôi muốn chuẩn bị sẵn sàng để 50 năm nữa vẫn còn một quốc gia mang tên gọi Kiribati."