Anh Anh
Đó là lời nhận xét của Giáo sư Hoàng Đạo Kính khi tận mắt nhìn thấy diện mạo mới của công trình có ý nghĩa lịch sử và văn hóa lớn lao này. Thế nhưng, đây chỉ là mở đầu cho những lùm xùm và quanh co xung quanh việc trùng tu, sơn sửa Nhà hát Lớn.
Từ giữa tháng 7, Nhà hát Lớn Hà Nội đã được chỉnh trang, trong đó có việc sơn mới tường, các thanh sắt. Người dân Hà Nội được thấy Nhà hát Lớn được “thay áo”, lớp “áo” này là sự kết hợp giữa màu vàng tươi và màu trắng. Tuy nhiên, “chiếc áo” này đang vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía dư luận và nhiều chuyên gia về kiến trúc.
GS Hoàng Đạo Kính (người chịu trách nhiệm lớn nhất trong cuộc trùng tu Nhà hát lớn giai đoạn 1994 – 1997) mỉa mai: “Thời Pháp thuộc, các cụ kể, hễ Hà Nội có dịch tả, người ta cắm cờ nheo màu vàng chóe lóe, y hệt màu đang dùng cho mặt Nhà hát lớn bây giờ”. Còn nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội, ông Đào Ngọc Nghiêm lên tiếng: “Làm như thế là không được. Vì trong bảo tồn kiến trúc, giải pháp về màu sắc rất quan trọng”.
Mang chuyện “vàng đậm” hay “vàng nhạt” đi hỏi những người có trách nhiệm thì người dân lại nhận được những ý kiến trái chiều, thậm chí còn đùn đẩy, đổ quanh giữa các bên liên quan. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - quyền Giám đốc Nhà hát lớn Hà Nội biết, đợt sơn lại lần này là nằm trong kế hoạch duy tu thường xuyên của nhà hát. Nguồn kinh phí cho toàn bộ kế hoạch duy tu đợt này là do Bộ Văn hóa cấp, nên trước khi làm, Ban quản lý Nhà hát Lớn đã xin ý kiến Bộ Văn hóa và Cục Di sản Văn hóa.
Thế nhưng ông Trương Minh Tiến- Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL Hà Nội lại “ngơ ngác”: “Việc sơn sửa lần này Sở chỉ biết khi nhận được phản ánh từ báo chí và dư luận, không có hồ sơ xin ý kiến nào gửi đến từ đơn vị thực hiện”. Còn đại diện Cục Di sản lại quanh co là “đã nắm được thông tin về việc thay màu sơn”, nhưng chỉ đang “thử nghiệm màu sơn” và sắp tới sẽ hoàn thiện hồ sơ để trình Cục phê duyệt.
Rõ ràng, việc sửa chữa, tu bổ Nhà hát Lớn là một việc làm quan trọng, nó không chỉ liên quan đến ý nghĩa lịch sử, văn hóa, kiến trúc của riêng nhà hát, mà còn ảnh hưởng bộ mặt của cả Thủ đô. Thế nhưng nhiều cơ quan có thẩm quyền vẫn quen thói “cha chung không ai khóc”, khi làm thì không xin ý kiến, không tham khảo và không tôn trọng giá trị văn hóa của công trình; nhưng đến khi bị chỉ trích thì lại chối quanh, đổ vạ và rồi lại “huề cả làng”.
Nhà hát Lớn đang bị phá hoại bởi chính những người tự phong cho mình vai trò “tu bổ”, nó đành lặng câm khoác chiếc áo vàng chóe, lòe loẹt; chờ đợi quan chức nào đó đứng lên và nhận “trách nhiệm”. Thế nhưng chắc ngày ấy còn xa, và trong lúc chờ đợi, có lẽ công trình trăm tuổi này sẽ còn được khoác thêm nhiều tấm áo kệch cỡm khác nữa.Và khi dư luận ồn ào đã qua thì rút cuộc cũng chỉ khổ thân … Nhà hát Lớn.