Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

Bảo tồn văn hóa Chăm và những thách thức

Anh Vũ

RFA - Dân tộc Chăm là một trong hơn 50 sắc dân ở VN. Cho đến nay nền văn hóa của sắc tộc thiểu số Chăm vẫn được bảo tồn và đứng vững trước các tác động của lịch sử và xã hội. Vì sao nền văn hóa Chăm lại được gìn giữ, bảo tồn và trong tương lai nó còn gặp những thách thức gì?

Sức sống nền văn hóa Chăm

Dân tộc Chăm là cư dân của quốc gia Chăm pa cổ từng tồn tại trong khoảng thế kỷ thứ IV đến đầu thế kỷ XIX, từ Quảng Bình đến Ninh thuận. Lịch sử đã ghi nhận quốc gia Chăm pa và dân tộc Chăm đã từng có một giai đoạn phát triển rực rỡ, cho đến đầu thế kỷ thứ XIX lúc bị Nhà Nguyễn sát nhập hoàn toàn vào VN.

Hiện nay, dân tộc Chăm có khoảng 20 vạn dân, sống tập trung đông nhất ở 3 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và An Giang. Ngoài ra họ còn cư trú một phần ở các tỉnh từ Nam Trung Bộ đến Ðông và Tây Nam Bộ.

Cộng đồng người Chăm với nhiều tín ngưỡng tôn giáo khác nhau, như tín ngưỡng dân gian, Ấn độ giáo, Hồi giáo Bà ni, Hồi giáo Balamon… với một nền văn hóa truyền thống mang bản sắc dân tộc sâu đậm.

Nói về những đóng góp chính của nền văn hóa Chăm trong nền văn hóa các dân tộc VN, Nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inra Sara cho biết:

“Trong suốt 17 thế kỷ tồn tại, người Chăm đã sở hữu một truyền thống văn hóa biển mà dấu ấn của nó in sâu trong tâm thức của dân tộc này. Cộng đồng người Chăm còn sở hữu các làn điệu dân ca, các điều múa hết sức sinh động. Kiến trúc và điêu khắc là điều đương nhiên mà ai cũng có thể thấy, với các ngôi tháp Chàm chạy dọc suốt miền Trung của VN là chứng tích của một thời huy hoàng của nền văn minh Chăm pa. Và cũng không thể không nhắc đến nền văn học Chăm, cả văn học dân gian và văn học viết.”

Cho đến nay, nền văn hóa Chăm được xem là một nền văn hóa bảo tồn tốt nhất trong nền văn hóa của các dân tộc thiểu số hiện nay, đã lưu giữ được nhiều nét độc đáo nhất trong cuộc sống đương đại. Ông Inra Sara chia sẻ:

“Ở một mức độ nào đó, người Chăm đã làm được, người Chăm đã có các nhà văn, nhà thơ, các nhạc sĩ, họa sĩ của mình. Cứ xem, cả vùng Tây nguyên rộng lớn như thế nhưng rất khó khăn để thấy một nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc thiểu số là người bản địa. Trong khi đó dân tộc Chăm thì ngược lại, trong cộng đồng này đã có rất nhiều nhà nghiên cứu đầy triển vọng.”

Cho dù sức sống của nền văn hóa Chăm hết sức là mạnh, song trong thời gian qua nền văn hóa này cũng chịu sự tác động bởi tình trạng đô thị hóa cấp tập và tùy tiện. Môi trường tự nhiên và môi trường xã hội của các cộng đồng người Chăm bị phá vỡ. Nhà thơ Đồng Chuông Tử, một nhà nghiên cứu và bảo tồn văn hóa Chăm nhận định:

“Việc trùng tu các tháp Chăm hiện nay cũng chưa đúng cách, ở nhiều nơi người ta sử dụng xi măng hay gạch đá khác với loại vật liệu của người Chăm. Cũng như việc họ đóng đinh vào Tháp có hàng ngàn năm tuổi, đó là một điều rất phản văn hóa. Đó là nguy cơ khiến cho những tháp Chăm này dần sẽ biến mất hoặc hư hỏng.”

Ông Inra Sara cũng thừa nhận:

“Truyền thống văn hóa Chăm đã bị mai một và bị bào mòn đi rất nhiều. Chẳng hạn chỉ nửa thế kỷ trước thôi, hiện tượng ăn xin hay đĩ điến thì trong xã hội Chăm hoàn toàn không có, càng hiếm thấy có đàn ông người Chăm bị mù chữ mẹ đẻ, nhưng hiện nay tỷ lệ mù chữ mẹ đẻ là khá phổ biến. Riêng các tệ nạn xã hội khác nữa thì ai biết sẽ thế nào vào ngày mai!”

Nguy cơ mai một

Dù được coi là một dân tộc đã và đang bảo lưu được nhiều tập tục truyền thống, nhưng trước sự phát triển vũ bão của thời đại, văn hóa của người Chăm đang đứng trước nguy cơ sẽ dần bị mai một. Đây là những thách thức đối với các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa . Từ Hà nội, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam không muốn tiết lộ danh tính khẳng định:

“Làm sao để cộng đồng dân tộc Chăm bảo tồn và phát huy được những di sản văn hóa độc đáo của mình là một vấn đề đặt ra với các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa. Trước hết phải nâng cao nhận thức của cộng đồng dân tộc Chăm. Phải để họ biết tự hào với chính di sản của họ. Từ chỗ tự hào họ sẽ biết cách giữ gìn. Làm sao để họ biết tự hào thì trách nhiệm còn lại thuộc về các nhà quản lý và các nhà nghiên cứu.”

Một khi tiếng nói của dân tộc mất đi thì cơ bản là đã đánh mất một phần lớn văn hóa dân tộc, hiện nay sự lai tạp của tiếng Chăm ngày càng lan rộng, đã sử dụng tiếng Việt đến 50-60 % trong ngôn ngữ đời thường. Đó chính là điều đáng lo ngại nhất. Nhà thơ Đồng Chuông Tử cảnh báo:

“Bây giờ ngôn ngữ của người Chăm ngày càng bị mai một đi, nhất là đối với thế hệ trẻ, họ đang nói pha trộn giữa tiếng Chăm và tiếng Kinh rất là nhiều. Theo tôi nên đưa tiếng Chăm và dạy từ cấp I, cấp II và có thể cả ở cấp III, bởi vì một khi để cho ngôn ngữ bị mai một như thế thì sẽ ảnh hưởng đến nền văn hóa.”

Cần thiết phải đầu tư cho việc bảo tồn các nghệ nhân, đây là một điều hết sức quan trọng trong việc bảo tồn văn hóa Chăm, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu văn hóa bày tỏ:

“Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, bảo tồn di sản phải từ cộng đồng, chính cộng đồng. Nhưng không phải cộng đồng nào cũng hiểu hết cả những giá trị di sản. Hiện nay chúng ta chưa chú trọng để bảo tồn các nghệ nhân. Di sản quý giá nhất của người Chăm là di sản phi vật thể. Cần nhanh chóng đầu tư cho nghệ nhân, ghi chép kịp thời những bí quyết của họ.”

Theo ông Inra Sara thì có một yếu tố lạc quan giúp cho việc bảo tồn văn hóa của dân tộc Chăm, đó là vẫn có những người Chăm có lòng với dân tộc của mình trong việc này:

“Các thế hệ những nhà nghiên cứu người Chăm lần lượt xuất hiện và đã cho ra đời các công trình có giá trị, về ngôn ngữ, về văn học, về lễ hội dân gian hay phong tục tập quán, về ca múa nhạc, về ngành nghề truyền thống v.v… Mỗi người theo một ngành nghề khác nhau, họ đã làm việc cật lực để níu kéo văn hóa của dân tộc mà ông bà đã để lại.”

Những nét đặc sắc của văn hoá Chăm thể hiện từ tiếng nói, chữ viết, các ngôi tháp Chăm cổ kính, đến các sản phẩm dệt, đồ gốm và văn hóa lễ hội… Tất cả những nét riêng của người Chăm này được xem góp phần làm phong phú thêm cho nền văn hóa Việt với hơn 50 dân tộc khác nhau. Ngoài việc những người Chăm bỏ công sức để bảo tồn, cơ quan chức năng và những sắc tộc khác trong cộng đồng nước Việt Nam cũng cần có trách nhiệm cho công tác này.