Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2015

Đà Nẵng lấy lại sân Vận động Chi Lăng: Ra đi mắc núi, trở lại mắc sông

NGUYỄN TRUNG HIẾU

LĐO - Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng vừa quyết định giữ lại Sân Vận động (SVĐ) Chi Lăng từ Tập đoàn Thiên Thanh, để phục vụ cho các hoạt động thể dục - thể thao của địa phương. Tuy vậy để làm được điều này, UBND TP Đà Nẵng sẽ vướng vào một số vấn đề pháp lý.

Cuối năm 2011, UBND TP Đà Nẵng có công văn chuyển giao khu đất “vàng” bốn mặt tiền ở trung tâm thành phố (bao gồm cả SVĐ Chi Lăng cho Tập đoàn (TĐ) Thiên Thanh, và TĐ này đã sang tên, đổi chủ và cầm cố ngân hàng, để vay vốn. Nhưng hơn hết, giữ lại SVĐ Chi Lăng thì Khu Liên hợp thể thao (KLHTT) Hoà Xuân xây dựng lên để làm gì ? Đây là hai vấn đề đau đầu và không dễ gì giải quyết được của chính quyền Đà Nẵng hiện nay.

Quyết định của Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng xuất phát từ hai nguyên nhân. Một là sau khi Chủ tịch TĐ Thiên Thanh bị bắt, SVĐ Chi Lăng bị bỏ mặc, trở nên hoang tàn; hai là người dân đang thiếu chỗ để xem bóng đá.

Đứt gánh giữa đường

Theo dự án, TĐ Thiên Thanh mua khu đất vàng, mà trung tâm là SVĐ Chi Lăng để biến nơi đây thành khu phức hợp thương mại, dịch vụ, du lịch, văn phòng, khách sạn… với số vốn hơn 1 tỷ đôla Mỹ. Chủ trương bán SVĐ, trong thực tâm người dân thành phố không đồng tình, vì nơi đây gắn bó nhiều kỷ niệm của bóng đá đất Quảng một thời, từ giải Trường Sơn vào những năm đầu giải phóng cho đến ngày Đội Đà Nẵng giành chiếc cúp vô định giải các đội mạnh… suốt mấy mươi năm.
Bên cạnh quyết định giữ lại SVĐ Chi Lăng thì một kế hoạch tài chính nhằm trả lại nguyên trạng , trong đó phải làm lại toàn bộ giàn mái che, ghế ngồi và các hạng mục cơ bản để tiếp tục phục vụ các vận động viên ăn ở, tập luyện...

Ông Nguyễn Phúc Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL thành phố Đà Nẵng, cho hay, trong 5 năm tới sân Chi Lăng vẫn được sử dụng để phục vụ các hoạt động TDTT của địa phương và quốc gia. Ông cũng cho biết đây là quyết định nhận được sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong thành phố.

Như vậy SVĐ Chi Lăng vẫn tiếp tục là sân nhà của CLB SHB Đà Nẵng ít nhất trong vòng 5 năm nữa và người dân Đà Nẵng cũng cất đi được nỗi lo mất sân nhà, vì KLHTT Hoà Xuân đến nay vẫn còn ngổn ngang gạch đá và chưa biết bao giờ mới hoàn thành.

Sau khi chủ tịch TĐ Thiên Thanh bị bắt vào tháng 7.2014, chính quyền Đà Nẵng mới “té ngửa”, vì khu đất vàng (trong đó có SVĐ Chi Lăng) chưa thêm viên gạch nào, nhưng đã chia làm nhiều sổ đỏ, và được cầm cố tại các ngân hàng. Trong đó có một phần để trả tiền mua quyền sử dụng đất cho chính quyền Đà Nẵng hơn 1 ngàn tỷ đồng.

Trong một lần trao đổi, ông Võ Duy Khương - Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - ngao ngán nói: "Rứa là khó rồi. Có lẽ Đà Nẵng cũng phải tính cách thu hồi lại toàn bộ khu đất vàng, vì bên họ (TĐ Thiên Thanh) không làm đúng với đề án..."

Giấc mơ Khu liên hợp thể thao

Khi tính đến chuyện bán SVĐ Chi Lăng để làm trung tâm thương mại, chính quyền Đà Nẵng đã nhanh chóng làm dịu dư luận đang bùng bùng lửa giận bằng dự án Khu Liên hợp thể thao Hoà Xuân, trong đó phương án thiết kế kiến trúc hai SVĐ mới với quy mô 20.000 và 50.000 chỗ ngồi ở phía Nam cầu Cẩm Lệ, không chỉ phục vụ các giải đấu trong nước mà còn đủ sức tổ chức các giải đấu quốc tế.

Theo dự kiến, Dự án KLHTT Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ có diện tích 129,53ha, tổng vốn đầu tư 4.377 tỷ đồng. Đây là dự án có quy mô đầu tư lớn nhất ở thành phố đối với một công trình hạ tầng đô thị và lĩnh vực thể dục - thể thao, thậm chí cả chung cư cao cấp...

Tuy nhiên, sau hơn 4 năm triển khai xây dựng, dự án KLHTT Hòa Xuân vẫn ngổn ngang vì thiếu vốn đầu tư. Hạng mục san nền và xây dựng sân vận động 20.000 chỗ ngồi với tổng vốn đầu tư 381 tỷ đồng được triển khai đầu tiên nhằm thay thế cho SVĐ Chi Lăng đã cơ bản hoàn thành các khán đài A, B và mặt sân bóng đá; đang triển khai thi công dàn mái, lắp đặt hệ thống chiếu sáng và hạ tầng kỹ thuật quanh sân. Theo tiến độ, dự kiến công trình kết thúc thi công và bàn giao đưa vào sử dụng trước ngày 30-12-2015.

Trả lời về tiến độ xây dựng KLHTT, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết Dự án Khu LHTT có quy mô và nguồn vốn quá lớn nên rất khó khăn. Dự án đã lập 5 năm nhưng đến nay các bộ, ngành Trung ương vẫn chưa thẩm định vốn đầu tư và chưa có ý kiến về dự án.

Điều đó có nghĩa, phần lớn nguồn vốn dự án dựa vào sự hỗ trợ từ Trung ương hơn 2.169 tỷ đang bị tắc.

Mới đây, UBND Thành phố Đà Nẵng đã có cuộc họp rà soát tình hình triển khai dự án KLHTT Hòa Xuân. Chủ tịch UBND thành phố cho biết sẽ thực hiện xã hội hóa đầu tư, vì nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương khó khả thi.

Như vậy, với quyết định giữ lại SVĐ Chi Lăng, thì tương lai, thành phố Đà Nẵng, với dân số xấp xỉ 80 vạn dân, sẽ bội thực sân vận động vì có đến ba sân bóng đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Tuy vậy với hiện trạng như hiện nay, thì gần như Đà Nẵng không còn lối thoát, vì sân cũ thì đã bán; người mua vướng lao lý; mà sân mới thì cũng mờ mịt chưa biết bao giờ xong.

Sân vận động Đà Nẵng sau 5 năm bàn giao, nay hoang tàng xuống cấp tệ hại. Trong khi đó SVĐ Hoà Xuân thì vẫn còn ngổn ngang gạch đá (ảnh: Hữu Long).