Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2015

Trung tâm hành chính cho ai?

TS. Nguyễn Minh Hòa - Khoa Đô thị học, Đại học Quốc gia TP.HCM

NĐT - Một hội chứng, một cuộc đua kiến tạo “trung tâm hành chính địa phương hoành tráng” mới được khởi động, nhưng hiệu ứng lan toả rất nhanh với tốc độ tăng dần cái sau to hơn, cao hơn, nhiều tiền hơn cái trước.

Ngày 23.4, Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng đã cắt bằng khánh thành với mức đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng, vậy là nước ta có thêm một trung tâm hành chính hoành tráng, vĩ đại nữa ra đời sau Tổ hợp trung tâm hành chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cao ốc hình ngọn hải đăng (người dân nói giống... quả dưa chuột) của Đà Nẵng với kinh phí 2.350 tỈ đồng, hai khối nhà song sinh lừng lững của Bình Dương với chi phí 1.400 tỉ đồng, và tiếp tới đây là các trung tâm hành chính đều thuộc loại hoành tráng không “thua chị, kém em” của Bình Thuận, Cần Thơ, và gần đây nhất là Hải Dương mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 2.100 tỉ đồng...

Để xây những trung tâm vĩ đại như thế phải bỏ ra hàng nghìn tỉ, một con số mà bất cứ người dân và cả các chuyên gia đều xây xẩm mặt mày. Tiền từ ngân sách, tất nhiên đó là tiền thuế của dân, còn nếu không phải thuế thì cũng là tiền từ việc bán, cho thuê tài nguyên (đất đai, rừng, sông, biển), tiền từ việc hoán đổi đất, tài nguyên lấy cao ốc, tất cả nói cho cùng cũng là của dân. Việc xây đã tốn, việc duy trì nó trong nhiều chục năm còn tốn hơn. Các tòa nhà này đều được bọc bít bùng bằng kính, chúng không thể được xếp hạng là công trình xanh hay công trình sinh thái, nếu không muốn nói là hoàn toàn đi ngược với xu thế chung của thời đại. Mỗi tháng một trung tâm như thế cần vài tỉ đồng cho việc vận hành như điện, nước và trả lương bộ máy phục vụ ít nhất cũng trên trăm người, chưa kể phải bảo trì máy móc, cây xanh, lau chùi hàng nghìn mét vuông kính.

Một vị lãnh đạo nói với tôi rằng chi phí cho các công sở phân tán tốn kém tương đương với chi phí vận hành một trung tâm, nhưng đấy chỉ là một cách nói chứ ai cũng biết thực tế thì không như thế bởi mỗi tỉnh nhiều nhất cũng không quá 20 sở, cộng với các tổ chức chính trị cũng chừng 30 công sở là nhiều. Việc nuôi 13 thang máy, 36 tầng nổi, hai tầng hầm mát lạnh của Trung tâm hành chính Đà Nẵng, hệ thống thông tin liên lạc, thông gió cộng thêm chi phí chăm sóc cây xanh, trả lương cho hơn 40 cán bộ phục vụ, và nhiều thứ khác nữa thì không ít hơn 3 tỉ đồng một tháng. Lý lẽ của các vị lãnh đạo là làm ra các trung tâm như thế sẽ tiết kiệm được đất, bán các công sở riêng lẻ ở vị trí đất vàng sẽ thu hồi lại vốn, nhưng cho đến nay chả có tỉnh nào thành công cả. Thành phố Đà Nẵng mới bán được hai trụ sở thu được 42 tỉ đồng, tỉnh Lâm Đồng phải trả tiền lãi vay xây trung tâm hành chính gần 34 tỉ đồng, còn Bà Rịa - Vũng Tàu cũng hy vọng vào số tiền bán được các trụ sở cũ để bù vào, nhưng đấy vẫn còn ở thì tương lai.

Một vài cán bộ lãnh đạo khác cho hay là mô hình trung tâm hành chính sẽ quản lý được cán bộ trong giờ làm việc không để đi nhậu nhẹt, cà phê trong giờ làm việc, nâng cao hiệu suất công tác, các công chức cũng có tác phong chính quy hơn trong các đồng phục, thậm chí ở Trung tâm hành chính Đà Nẵng cán bộ làm việc trong môi trường trong suốt “không vách ngăn” nên mọi người kiểm soát được lẫn nhau.

Các tỉnh Lâm Đồng, Cần Thơ, Bình Dương và ngay cả Đà Nẵng cũng không hề thiếu đất mà phải dồn về một cục, lẽ ra công sở phải là những toà nhà thấp tầng giản dị tập trung vào một khu vực để dân đỡ phải di chuyển nhiều, với không gian xanh, quan hệ xã hội mở rộng, gần gũi thân thiện với dân, còn việc hình thành nên tác phong chuyên nghiệp và nâng cao hiệu quả công việc thì lại là một chuyện khác ít phụ thuộc vào quy mô công sở, bằng chứng là các công sở quyền lực của Philippines, Singapore, và của các nước châu Âu không lớn, thậm chí giản dị đến không ngờ nhưng chất lượng công vụ rất cao, công việc giải quyết nhanh, người dân thấy hài lòng và thân thiện.

Người viết bài này đã đến Trung tâm hành chính Đà Nẵng để liên hệ công tác, quả thật là nó hoành tráng quá, tươm tất quá, cán bộ ăn mặc đồng phục, nghiêm nghị quá nên cũng có phần ngán ngại. Những người dân ít chữ, không quen vào cửa quan, không biết “quy trình kỹ thuật” thì càng e ngại bội phần. Còn với quan niệm kiểm soát lẫn nhau xem ra cũng không ổn: bản thân một vài cán bộ đang làm việc ở Trung tâm hành chính Đà Nẵng cho hay việc nhìn thấu suốt lẫn nhau 8-10 giờ làm việc, không một ai có chút riêng tư làm cho mọi người thấy mất tự do, lúc nào cũng có cảm giác đang có con mắt ai đó dõi theo.

Một thành phố nên có một vài công trình kiến trúc làm điểm nhấn, nhưng lấy công sở quyền lực ra làm biểu tượng thì chưa hẳn đã là hay, còn tạo ra các trung tâm hoành tráng quá, chỉn chu quá, nghiêm cẩn quá để dân ngán ngại lại càng không nên. Chúng ta đang xây dựng trường học thân thiện, bệnh viện thân thiện, sao lại không có “công sở thân thiện”?

Đã bao giờ bạn có cảm giác sợ hãi, và cô đơn trước các công trình kiến trúc quá hoành tráng, chọc thủng trời xanh chưa? Có đấy, tôi đã khiếp sợ đến tê người trước những công trình loại như thế ngay cả đối diện chúng khi còn trên mặt đất cũng như ở tít trên cao ở Trung Quốc, Trung Đông. Đó chính là hiệu ứng ngược của kiến trúc phi nhân bản. Đâu rồi truyền thống kiến trúc của người Việt Nam là hài hòa, thân thiện với thiên nhiên và gần gũi với con người? Sẽ là khủng khiếp nếu 63 tỉnh thành có đủ cả 63 trung tâm hành chính đồ sộ tiêu tốn hàng tỉ đôla Mỹ mà nền hành chính công chưa chắc đã tốt lên theo tỷ lệ thuận với quy mô hoành tráng.

Một điều cuối cùng muốn nói nhỏ rằng tất cả tinh hoa của một tỉnh tập trung về một chỗ, nếu rủi ro xảy ra như hỏa hoạn, động đất, sóng thần thì hậu quả sẽ ra sao, và không ai dám chắc khủng bố sẽ không bao giờ có ở Việt Nam, bởi với khủng bố thì chuyện gây ra tiếng vang là quan trọng chứ không phải anh chọc tức tôi hay không, bài học của Thụy Sĩ cho thấy rất rõ điều này. Có lẽ Chính phủ và Bộ Xây dựng cần nhận thức lại và đến lúc nói “đủ rồi” với những loại công sở “trên trời” như thế. Cuộc đua trung tâm hành chính hoành tráng bắt đầu đến hồi quyết liệt, bởi nó là bộ mặt của tỉnh nhà, nhưng để tiếp tục thì cần có một cuộc nghiên cứu đánh giá thật nghiêm túc toàn diện về hiệu quả kinh tế, hiệu quả công vụ và quan hệ với người dân. Tôi tin chắc là người dân và giới chuyên môn không đánh giá cao mô hình này.