TTO - Đối với cảnh quan không gian mà con người đã xúc phạm đến thì không cách gì khôi phục lại được, mọi chuyện phải được giải quyết trước khi con người khai thác làm phá vỡ nó.
Phía tây đường Trần Phú ven biển Nha Trang đang hình thành một “bức tường cao ốc”. Còn ở phía đông, trên công viên bãi biển và mặt biển, đang bị quy hoạch cho xây những công trình bêtông, có công trình cao hơn 40 tầng.
Ở phía đông đường Trần Phú mặc dù có nhiều ý kiến không đồng tình nhưng ngày 17-10-2014, ông Nguyễn Chiến Thắng, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, vẫn ký quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 khu vực này và phía đông đường Phạm Văn Đồng.
Tuổi Trẻ xin trích đăng ý kiến của TSKH Nguyễn Tác An - phó chủ tịch Hội Trí thức tỉnh Khánh Hòa, nguyên viện trưởng Viện Hải dương học về vấn đề này.
Đối với việc quy hoạch, cho xây dựng các công trình bêtông hóa bãi biển Nha Trang, cho xây các cao ốc, căn hộ, khách sạn, nhà hàng cao tầng ngay trên mặt vịnh Nha Trang và các trung tâm thương mại, vui chơi ngầm dưới bãi biển và cả trong lòng vịnh… trước đây chúng tôi đã có ý kiến góp ý phản biện. Còn vấn đề có tiếp thu hay không và cho phép làm như thế nào là do các nhà lãnh đạo quản lý quyết định chứ các nhà khoa học cũng không thể can thiệp được.
Khi quyết định quy hoạch, cho xây các công trình như đã nêu thì vấn đề quan trọng trước tiên là hãy đặt câu hỏi vì sao người ta thích đến Nha Trang du lịch? Và vì sao mà TP Nha Trang trở thành trung tâm du lịch biển nổi tiếng của Việt Nam?
Phải khẳng đó là nhờ có không gian quá đẹp, có quá nhiều giá trị của vịnh Nha Trang. Không gian đó không chỉ là mặt nước mà nó còn có cảnh quan xung quanh của vịnh Nha Trang. Thế mà, nếu con người cứ cố xâm phạm vào đấy, cứ “cố gắng phá” cái cảnh quan đấy vì những mục tiêu kinh tế trước mắt thì chất lượng phát triển của vịnh Nha Trang sẽ càng ngày càng kém đi bởi những công trình ngầm, những công trình bêtông hóa đó.
Những khu vực vành đai xung quanh vịnh Nha Trang có vai trò đặc biệt là sinh địa hóa cho sự phát triển, bảo đảm cho vịnh được sạch, được “sống” và có chất lượng.
Nếu trong quá trình phát triển cứ xây nhà cao tầng, làm nhiều công trình bê tông hóa ở các khu vực ấy thì sẽ làm cho chất lượng không gian của vịnh Nha Trang càng bị giảm đi, dẫn đến sự suy thoái về mặt không gian. Tất nhiên, khi đã nói TP Nha Trang hấp dẫn du lịch là nhờ có không gian của vịnh Nha Trang mà giờ làm giảm chất lượng, làm mất đi cái không gian đó thì rõ ràng cả thành phố này sẽ bị ảnh hưởng. Hậu quả đó không cần phải chờ lâu dài đâu, mà theo tôi chỉ cần một vài năm nữa sẽ thấy ngay thôi.
Về sức ép đối với môi trường vịnh Nha Trang, khi đã nói đến khái niệm chất lượng không gian thì bao gồm cả chất lượng môi trường, đa dạng sinh học, các quá trình sinh địa hóa của cả vùng vịnh. Bây giờ cứ bêtông hóa, cứ xây dựng các công trình cứng, công trình vĩnh cửu vào đó thì toàn bộ những quá trình tự nhiên về môi trường, về sinh địa hóa, về đa dạng sinh học đều sẽ bị phá vỡ và tất nhiên nó sẽ dẫn đến “làm chết” vịnh Nha Trang.
Chỉ trong một m3 đất ven biển thôi đã có hàng triệu triệu vi sinh vật sống. Vi sinh vật ở đây là loài vô hại nhưng nó có tác dụng vô cùng quan trọng trong quá trình sinh địa hóa, nó làm cho chất lượng môi trường của vịnh Nha Trang không bị thối rữa, không bị ô nhiễm. Đó là nhờ những loại vi sinh vật cực nhỏ sống trong những vùng đất, vùng trầm tích của vịnh. Bây giờ bị bêtông hóa thì các loài vi sinh vật bị mất nơi cư trú, dẫn đến vùng nước sẽ bị thối rửa, có mùi như trứng gà thối và tất nhiên có thể sẽ không thể nào xuống tắm biển, không thể nào đến du lịch và sẽ không thể nào còn được cảnh quan hấp dẫn du khách nữa.
Đối với cảnh quan không gian mà con người đã xúc phạm đến thì không cách gì khôi phục lại được, mọi chuyện phải được giải quyết trước khi con người khai thác làm phá vỡ nó. Còn nếu khai thác thì phải hợp lý cả về mặt kinh tế, về mặt dân sinh, về mặt xã hội chứ còn đã làm phá vỡ rồi thì sau này chỉ có chết thôi.
Một khi đã vi phạm vào không gian của tự nhiên thì đó là vi phạm không có khả năng khắc phục. Chẳng hạn như dự án lấp sông Đồng Nai, bây giờ các nhà khoa học đề nghị phải moi đất đã lấp đó lên. Việc đó có thể làm được nhưng mà tổn thương cho môi trường rất nặng nề, không có gì khôi phục lại như cũ được nữa.