Có những dòng sông đang chết, và những cây cầu cũng đang chết. Và có nhiều cái chết đang đi ngang trước mắt của đám đông, nhưng không phải lúc nào cũng có người ngả nón chào tiếc thương.
Câu chuyện cây cầu Ghềnh ở Đồng Nai bị sập, một cây cầu nối dài ký ức lịch sử về thời kỳ phát triển khởi đầu của miền Nam, nhắc cho rất nhiều người biết nghĩ rằng không chỉ có cầu Ghềnh, mà có rất nhiều thứ đang mất dần trên đất nước này. Danh sách rất dài. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam Phạm Minh Nghĩa cho biết là khắp nước đều có những cây cầu đang có nguy cơ sập vì không được gia cố, chăm sóc. Trong đó có những cây cầu quen thuộc ở miền Bắc như Cầu Quay (Hải Phòng), Cầu Đuống (Hà Nội)…
Báo Pháp luật dẫn lời ông Trần Văn Thọ – Phó Cục trưởng Đường thủy nội địa Việt Nam – cho biết rằng trên các tuyến sông quốc gia hiện có hơn 100 trong số 500 cây cầu mà nhà nước quản lý đang không còn ở trong tình trạng thông thuyền an toàn nữa.
Cũng cần nên nhớ rằng mọi thứ rồi sẽ già cỗi và hư hỏng, nhưng sẽ nhanh chóng và hiển nhiên, một khi chúng đã bị bỏ mặc theo thời gian, không được đoái hoài, hoặc cố ý làm ngơ.
Rất nhiều cây cầu đã sống cùng với những đời người Việt, trở thành chuyện kể, trở thành tên gọi của vùng đất… Nhưng mọi thứ thì đang hoang phế, tàn tạ dần. Nhiều năm qua, Việt Nam đã thành công rất nhiều trong việc bỏ ra những ngân sách lớn để xây các khu chung cư cao cấp rồi bỏ hoang, dạt biển để xây resort, lấn cả sân bay để tạo sân golf… Mọi thứ thật tốn kém, và cả hoang phí, nhưng không có kế sách nào lâu dài về tôn tạo, để giữ gìn những gì đang có.
Những người sống ở Sài Gòn vẫn còn thắc mắc về chuyện tượng đồng tướng Trần Nguyên Hãn, có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, từng đứng ở giữa trung tâm chợ Bến Thành, bị bỏ phế cho đến khi rụng cả một chân. Mọi thứ cứ như vậy, cho đến khi có dự án xây metro thì tượng bị bứng đi, bỏ vất vưởng đâu đó. Trường THPT Châu Văn Liêm ở Cần Thơ, có từ năm 1917 (tiền thân là Collège de Can Tho với kiến trúc Pháp) nếu không có tiếng kêu của công luận, chắc giờ này đã thành gạch vụn. Viện lý do là kiến trúc xuống cấp, những nhà quản lý đưa ra dự án mới, xây mới và dựng lên nguồn chi ngân sách mới. Không phải chỉ những cây cầu bị bỏ quên, mà có vô vàn những thứ thân thuộc và lâu đời cũng bị cố tình bỏ quên để có một cơ hội đập phá, mở ra những dự án mới.
Cũng là một cây cầu, nhưng số phận của cầu Dran (Đơn Dương, Lâm Đồng) còn thảm khốc hơn. Cây cầu sắt có độ cao đến 1.600m, làm nên tuyến đường sắt huyền thoại của châu Á đột nhiên bị gỡ bỏ làm sắt vụn. Nhà báo, nhà nghiên cứu về Dran, Đơn Dương là Nguyễn Hàng Tình từng cho biết trên thế giới chỉ có ba con đường sắt răng cưa như thế, nhưng hai đã nằm ở Jung – fraujoch và Montevers (Thụy Sĩ) và một ở VN. Con đường sắt răng cưa Tháp Chàm – Đà Lạt được lập dự án vào năm 1900, đến 1908 bắt đầu thi công, riêng đoạn có cây cầu Dran được xây dựng năm 1919 rồi hoàn thành vào 1925, nghĩa là nó gắn liền với lịch sử ban sơ hình thành Đà Lạt. Nhưng năm 2014, cây cầu này bị bí mật tháo dỡ, và chỉ được biết rằng sau đó nó bị bán đi, cho ai, làm gì thì không được biết.
Liên quan đến câu chuyện này, người viết còn được biết năm 1988-1989, Liên hiệp Đường sắt VN lấy hai chiếc đầu máy hơi nước hiệu Fuka (do Thụy Sĩ sản xuất – vào đầu thế kỷ 19, xưa nhất, để bán đi như phế liệu. Hai chiếc đầu máy xe lửa hơi nước đó vẫn được coi là kỳ quan, khỏi đầu của nền văn minh công nghiệp loài người, mà Việt Nam là nơi hiếm hoi còn giữ được cho đến lúc đó.
Thật không khác gì những đứa trẻ lớn lên trên chính quê hương mình, hư hỏng và nông cạn, thật dễ dàng tìm thấy hôm nay, một lớp người thật năng động trong việc bỏ phế, đập bỏ… những kỷ niệm và di vật quý giá mà tổ tiên mình đã tạo dựng hàng tháng, hàng ngày. Thậm chí, người ta chứng kiến sự phá hoại đang diễn ra hối hả và quy mô, mà người dân như quá tuyệt vọng và bất lực nên chỉ còn biết thở dài.
Đi về miền Tây Việt Nam, chứng kiến những câu cầu mới, xây vội vã theo các dự án, nhưng giờ đây cũng vô dụng vì lòng sông đã cạn khô. Thật là một nghịch cảnh khi nghĩ đến những cây cầu khác đang quỵ xuống ở đâu đó, chìm dưới làn nước. Mà không chỉ là cầu, mà kỷ niệm và dấu vết văn minh của người Việt cũng đang chìm dần trong làn nước.
Nếu chúng ta không biết yêu quý những gì đã có. Chúng ta mải mê chạy theo những đại lộ xa xôi và sẵn sàng bỏ quên những thứ đã có, hoang phế và đạp đổ di sản của tổ tiên mình, thì không chỉ những cây cầu, dòng sông sẽ chết, mà cả niềm tin và hy vọng của chúng ta rồi cũng không còn.