(VnMedia) - "Họ đã chia lô cấp dự án tràn lan vào vùng trũng ngập, lấp ruộng, lấp kênh mương, lấp không gian bán ngập…, cấp xong 5-10 năm sau người ta mới xây thế là hết chỗ đựng nước. Bây giờ các vị ấy về hưu rồi, những người đi sau gánh chịu... "- KTS Trần Huy Ánh nói.
Chỉ trong tháng 6 này, dự án thoát nước giai đoạn 2 được chi nhiều nghìn tỷ sẽ hoàn thành. Thế nhưng, trận lụt ngày hôm qua cho thấy, vấn đề quy hoạch (QH) yếu kém và triển khai QH cũng cực kỳ yếu kém.
Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Hội KTS Việt Nam), nếu không có một QH tổng thể thoát nước mới, một bản QH đủ thông minh ứng phó với tiến trình phát triển đô thị mới và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu thì dù có bỏ ra bao nhiêu tiền đi chăng nữa, Hà Nội vẫn sẽ “càng chống càng ngập”.
- Thưa ông, ông có cảm thấy lo lắng không khi sống trong một Thành phố mà cứ mưa là ngập như thế này?
Hệ thống thoát nước Hà Nội có vấn đề hơn 30 năm nay và Thành phố nỗ lực giải quyết nó, có điều thực tế cho thấy chưa có phương án nào đem lại kết quả mong triệt để, còn mưa thì ngày càng to, do vậy cứ mưa to chắc là ngập.
Là công dân Thủ đô - phải đối mặt với cảnh mưa là ngập thì không chỉ là lo lắng mà còn thấy sợ hãi mỗi khi hình dung người thân của mình ở đâu đó đang rất cơ cực trong vùng trũng ngập và có thể còn rất mong mỏi những người có trách nhiệm trong ngành thoát nước Hà nội trả lời giúp bà con có cách nào sớm chấm dứt cảnh ngộ ngộ này.
- Là người nhiều lần đã lên tiếng cho rằng thực trạng hệ thống thoát nước Thủ đô đang có vấn đề, xin ông cho biết cụ thể hệ thống thoát nước có vấn đề trong khâu QH hay trong việc triển khai thực hiện QH đó?
QH yếu kém và triển khai QH cũng yếu kém. QH ở đây được hiểu là gộp QH thoát nước và QH đô thị. Nếu xét về hiệu quả thoát nước thì QH thoát nước có vấn đề, nhưng Hà Nội đã nhận ra điều này từ trận ngập 2008, vậy mà sau 8 năm tình trạng không được cải thiện nhiều thì có nghĩa là QH đô thị và thực hiện QH đô thị không đồng bộ.
Theo dõi QH thoát nước HN cho thấy, bản QH này do JICA lập, nguyên lý tự chảy từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây; Giai đoạn đầu chỉ tính thoát nước từ 4 quận nội thành đến sông Tô lịch. Sau này nội thành mở sang bên kia sông thì vùng trũng thoát nước lấp hết, thế là trận mưa to 2008 ngập nặng vùng trũng phía Tây và phía Nam HN.
Giai đoạn sau đưa thêm sông Nhuệ vào nhưng những vùng trũng cứ lấp dần làm đường, xây nhà, lần san lấp sau cao hơn lần trước nên nước đổ vào 2 sông chậm hơn và ngập nặng những nơi lấp trước.
Từ đó đến nay, HN vẫn chỉ có một QH thoát nước nhưng mật độ xây dựng và tầng cao tăng nhiều, những công trình thoát nước không có gì đột phá. Nạn trũng ngập cũ chưa giải quyết xong thì lại nảy sinh nhiều nguy cơ mới.
Chia lô bán nền tràn làn, lấp sông lấp hồ gây ngập lụt
- Dự án thoát nước giai đoạn 2 mà Hà Nội đang triển khai với số vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng và được hưởng nhiều ưu đãi nhưng vừa chậm tiến độ, vừa không giải quyết được vấn đề thì trách nhiệm này thuộc về ai, thưa ông?
Vẫn là do QH và triển khai QH cùng yếu kém.
Xem lại ảnh trận lụt năm 2008 thì thấy nhiều chỗ đất trống ở Cầu Giấy, Từ Liêm vẫn đầy nước cả tháng trời sau khi nội thành đã khô ráo – Đấy là kết quả của các ông phụ trách QH Hà Nội giai đoạn 2000-2005.
Họ đã chia lô cấp dự án tràn lan vào vùng trũng ngập, lấp ruộng, lấp kênh mương, lấp không gian bán ngập…, cấp xong 5-10 sau người ta mới xây thế là hết chỗ đựng nước. Bây giờ các vị ấy về hưu rồi, những người đi sau gánh chịu nhiệm vụ ngày càng khó khăn hơn, tốn kém hơn… chỉ tiếc là giải pháp thì không có gì mới hơn, cơ bản hơn.
Trách nhiệm lớn nhất có lẽ là đổ cho bệnh “chóng quên” - hết trận mưa to, hết cơn ngập này, Hà Nội ta sẽ quên ngay và lao vào các vấn đề khác mới hơn, nóng hổi hơn… cho đến tận cơn mưa ngập tiếp theo. Mỗi lần mưa ngập là một lần đo lường kết quả QH và thực hiện QH (cả QH thoát nước lẫn QH đô thị) đúng sai để đánh giá, điều chỉnh, nhưng tôi chưa thấy công bố công khai bản đồ mưa ngập hay một báo cáo đánh giá kết quả chống ngập. Nếu chống ngập bị động và mò mẫm như vậy khó có được kết quả tốt.
- UBND thành phố Hà Nội đã gia hạn cho chủ đầu tư tới cuối tháng 6 này phải hoàn thành dự án thoát nước giai đoạn II. Ông kỳ vọng gì vào hiệu quả của dự án này?
Tôi có thể tin trằng, trong 1 tháng tới, ở đâu đó dự án hoàn thành một đoạn cống, một cái hồ điều hòa đang còn dở dang, chứ việc hạn chót cho một dự án thoát nước nghiên cứu, thực hiện trong 20 năm qua mà vẫn ngập tràn lan như hôm qua thì tôi không đủ can đảm trả lời một câu nào - cho dù chỉ là ý kiến cá nhân.
Hà Nội cần một tầm nhìn mới tổng thể hơn!
Hà Nội đã có một dự án thoát nước tổng thể được nghiên cứu xây dựng cách đây 15-20 năm, có bản QH chung đã phê duyệt (có nhiều chỉ tiêu xa vời / thiếu cơ sở. Ví dụ chỉ tiêu về nhà ở, theo PGS,TS Trần Trọng Hanh, nếu các dự án được thực hiện đúng như QH chung, Hà nội có diện tích sàn cho 50 triệu người ) và vô số các QH tổng thể, phân khu, chi tiết lần lượt ra đời hàng ngày. Nhưng mưa vẫn ngập, ngập nhiều hơn dự báo của Sở Xây dựng, vậy bản QH thoát nước ấy không còn giá trị tổng thể nữa, và nếu Thành phố không khô ráo, an toàn trước trận mưa vừa thì có nên cân nhắc tiếp tục cho ra đời những bản QH tương tự không?
Hà Nội đang đứng trước bao nhiêu thách thức mới: không chỉ mưa ngập mà đi cùng với nó sẽ là khô hạn, thiếu đường xá, cây xanh, không gian mặt nước… thiếu những yếu tố cơ bản để cân bằng sinh thái, ứng phó với phát triển trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu khắc nghiệt xuất hiện sớm hơn dự báo.
Bên cạnh đó, đô thị nén đang là xu hướng tất yếu dẫn đến áp lực hạ tầng (trong đó có thoát nước). Như vậy, Hà Nội cần một tầm nhìn mới chính xác hơn, thực tế hơn, đúng nghĩa là tổng thể hơn trước những thách thức mới, chứ không thể chắp vá, tình thế vào bản QH tổng thể cũ.
- Như vậy là bỏ ra cả nghìn tỷ và còn tiếp tục nhiều tỷ nữa cho hệ thống thoát nước của Hà Nội, vẫn không thể biết khi nào Hà Nội hết ngập, thưa ông?
Câu trả lời này dành cho lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, vừa đúng vai, đúng tầm và đúng trách nhiệm. Nếu có gặp khó khăn khi trả lời thì Hà Nội không thiếu các nhà khoa học các chuyên gia,các công dân Thủ đô có trách nhiệm cùng chung tay, chia sẻ, tìm câu trả lời gần chính xác nhất.
- Vậy theo ông, cần lưu ý những gì và có tầm nhìn dài hạn ra sao để giải quyết căn cơ, thay vì các giải pháp mang tính xử lý tình huống như hiện nay?
Tôi đã trình bày ở trên là cần lắm một QH tổng thể thoát nước mới, một bản QH đủ thông minh ứng phó với tiến trình phát triển đô thị mới và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Nó không chỉ thoát nước mà còn tồn giữ nước sạch.
Bản QH này cần lồng ghép đa mục tiêu: gia tăng cây xanh, mặt nước (vùng bán ngập) không gian công cộng an toàn, nâng cấp cảnh quan đô thị, kết hợp thoát nước với giao thông, thoát tự nhiên với thoát cưỡng bức, hạ tầng nổi và chìm, thủ công và tự động hóa…
Hà nội là Thủ đô của đất nước đã hoàn thành nhiệm vụ thiên niên kỷ mục tiêu “chống đói nghèo“ chuyển sang “phát triển bền vững”, làm cho mảnh đất này mãi mãi xứng đáng là nơi “mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”, như tổ tiên ta đã nhận ra hơn 1000 năm trước.
- Xin cảm ơn ông!