TTTG - Mùa nóng bây giờ ở Đà lạt cũng phải dùng máy lạnh. Một loạt trung tâm thương mại, resort mới xây cũng cao tầng… Đà Lạt ơi, vì đâu nên nỗi?
Tốt nghiệp thủ khoa ngành kiến trúc đại học Yersin với đề án cải tạo chợ Đà Lạt, tình yêu thiên nhiên đã đưa Trần Minh Trang, chủ thương hiệu “Thực phẩm sạch Tây Nguyên”, trở về với bà con chòm xóm ở Lâm Hà.
Bằng số vốn ít ỏi và mảnh đất của chính mình, cô đã cùng bà con nỗ lực gầy dựng một lối canh tác mới, quay về với thiên nhiên, trở thành một phần của thiên nhiên, đưa một Đà Lạt trở lại tử tế.
– Học kiến trúc chuyên ngành công trình, chị đã trải qua những thăng trầm gì sau 4 năm ra trường để hình thành nên phong cách kiến trúc của riêng mình?
– Tôi ra trường năm 2012, đúng lúc kinh tế khủng hoảng, ngành kinh doanh bất động sản đi xuống. Dù đậu thủ khoa nhưng mất nhiều tháng vẫn không xin được việc làm, phải đi làm quản lý khách sạn Blue Sky. Hơn 1 năm sau, tôi bắt đầu đi nhận những công trình dân dụng để thiết kế như quán cà phê, nhà hàng khách sạn, nhà phố…
Phong cách kiến trúc của tôi lướng về thiên nhiên, hòa thuận với thiên nhiên, coi trọng công năng sử dụng, hiệu quả kinh doanh cho nhà đầu tư. Trong lớp tôi, khoảng 60% hành nghề KTS, còn lại đá qua sân khác. Thế hệ đàn anh sống được với nghề nhiều hơn.
Kiến trúc sư nữ luôn phải đối diện với nhiều khó khăn hơn kiến trúc sư nam, nhất là lĩnh vực công trình. Nhưng tình yêu với kiến trúc trong tôi rất mạnh, khi đã nhận lời là làm tới nơi tới chốn, nhiều khi quên cả lợi nhuận, có khi còn bị quỵt tiền…
Bươn chải đủ nghề để kiếm sống, tôi phát hiện ra mình cũng có khả năng kinh doanh, nhưng chưa bao giờ hết đam mê kiến trúc, dù hiểu nghề này rất… đào hoa. Để có một công trình không nhuốm mùi tiền, theo đúng ý mình, không phụ thuộc vào chủ đầu tư, thì hoặc phải có tên tuổi, hoặc không cần tiền…
– Đề án cải tạo và xây mới chợ Đà Lạt của chị chú trọng đến những giá trị mới nào khi đây là một công trình đã mang dấu ấn sâu đậm trong lòng mọi người của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ?
– Tôi muốn biến chợ Đà Lạt thành trung tâm mua bán nông sản sạch lớn nhất Đông Nam Á.Chợ Đà Lạt vốn dĩ rất nổi tiếng, nhưng công suất để khai thác thương mại còn nhỏ, xuống cấp.
Đề án của tôi được đánh giá cao vì không xây cao tầng, công trình hoàn toàn lẫn trong đất, trong núi. Bên ngoài không phá vỡ cảnh quan, bên trong vẫn đầy đủ tiện nghi mang hơi hướng hiện đại.
– Nhìn vào kiến trúc tổng thể của Đà Lạt, điều đó đang mất dần đi?
– Rất đau lòng khi điều đó đang xảy ra, nhất là khi nhìn tòa nhà hành chính vừa cao, vừa to, rất phô trương, ngay tại trung tâm TP Đà Lạt, không giới hạn chiều cao và phá vỡ cả môi trường xung quanh. Một số khu resort khai thác nơi đầu nguồn nước, nước thải không biết đi đâu? Liệu có được thoát ra đầu nguồn hay không?
Ngày xưa Đà Lạt rất đẹp, nhà cửa lẫn trong núi, không phá vỡ cảnh quan chung. Giờ thì Đà Lạt lộn xộn, cửa sổ hai lớp của người Pháp với lớp cửa ngoài bằng gỗ thân thiên với môi trường giờ thay thế bằng những tòa nhà kính mọc lên cao ngất ngưởng, gây hiệu ứng nhà kính rất nặng nề.
Mùa nóng bây giờ ở Đà lạt cũng phải dùng máy lạnh. Một loạt trung tâm thương mại, resort mới xây cũng cao tầng… Rất nhiều kiến trúc sư bức xúc về quy hoạch tổng thể của Đà Lạt.
Rất khó tránh khi tài chính lẫn kinh nghiệm, trình độ quản lý đô thị và trình độ khoa học kỹ thuật còn hạn chế.
– Nhưng đâu đó trong những con đường nhỏ, những quán cà phê nhỏ, những người trẻ yêu Đà Lạt đang nỗ lực để gìn giữ và làm mới Đà Lạt trong một tinh thần mới?
– Các bạn trẻ từ khắp nơi đổ về, với số vốn ít ỏi và lối tư duy hiện đại nhưng đầy duy mỹ đang làm nên sự khởi sắc mới cho Đà Lạt. Những homestay và những quán cà phê với lối kiến trúc đơn giản, lẫn vào thiên nhiên rất đúng với hơi thở của Đà Lạt.
Một nhiếp ảnh gia bạn tôi đang xây khách sạn Circle, tận dụng các ống cống trải dài ra, bên trong là những phòng ngủ mini với khoảng sân rộng hướng ra thung lũng rất đẹp, mọi người có thể nướng barbecue, nghe nhạc rock…
Đó là hy vọng.
– Vì sao chị quyết định dành những năm tháng đẹp nhất của đời mình cùng bà con chòm xóm làm nông sản sạch?
– Nông nghiệp là ngành tôi đam mê từ nhỏ. Nhà tôi có 4,2 hecta đất rất mầu mỡ ở Lâm Hà, trước đây chỉ trồng cây trái cho gia đình ăn xen lẫn với cà phê, trồng dâu nuôi tằm…
Vùng đất này xưa kia nổi tiếng với cà phê Arabica, moka, cà phê mít… nhưng cà phê mấy năm nay hiệu quả không ăn thua, bơ có trồng nhưng năng suất chưa nhiều.
Những ngày đi học, đi làm, bản thân tôi đã nhận thức được rằng tri thức mà chúng ta có được không phải để chống lại thiên nhiên, mà để sống thuận với thiên nhiên. Nếu chống lại quy luật đó, chúng ta sẽ bị trả giá. Bệnh tật chính là lời cách báo đầu tiên. Nông nghiệp sạch chính là con đường hoàn nguyên của con người…
– Và chị đã phải lòng cây macca?
– Hạt macca lợi nhuận cao hơn nhiều, nhưng sản lượng macca của Việt Nam còn thấp lắm, đa phần nhập từ Úc, Nam Phi, Trung Quốc. Macca cách đây 8 năm còn khá mới mẻ với người nông dân Lâm Đồng. Tôi đã lên tận Cao Bằng, Tây Bắc, nơi trồng macca đầu tiên ở Việt Nam để tìm hiểu về kỹ thuật canh tác, tìm hiểu giống nào cho trái lớn nhất, cho vỏ mỏng nhất.
Quyết định mua cây giống của viện cây trồng Việt Nam về trồng những cây đầu tiên ở Lâm Hà, may mắn có sự tư vấn của cán bộ kỹ thuật của Viện và người nhà ngoài Bắc, sau đó phải cấy ghép giữa giống này với giống khác mới cho năng suất tốt.
Cây macca vào đất Lâm Hà phát triển rất tốt, có cây ba năm rưỡi cho bói trái đầu tiên. Ban đầu mình vừa đi, vừa mò mẫm thôi, không chắc tất cả cây mình trồng cho trái, đến năm thứ tư cây cho trái nhiều hơn, đến năm thứ 5 thì 80% cây cho trái.
Sản lượng rất khó nói, có cây rụng khi chín, có cây phải hái vì cành rất cứng. Quá trình thu hái macca cũng khá vất vả. Hiện bà con quê tôi vẫn phải hái theo phương pháp thủ công.
Từ kinh nghiệm gia đình, tôi đã chủ động bán giống, phổ biến rộng rãi cho bà con chòm xóm về quá trình trồng cấy để làm theo kỹ thuật đúng quy chuẩn. Dùng hoàn toàn phân hữu cơ từ phân heo, phân tằm, vỏ của hạt macca… ủ để bón cho cây. Bây giờ trồng macca đã thành phong trào toàn huyện, năng suất và chất lượng trong vùng so với nơi khác rất tốt.
– Tham vọng của chị là gì khi xây dựng thương hiệu Thực phẩm sạch Tây Nguyên?
Tôi muốn xây dựng thương hiệu cho macca Tây Nguyên nói riêng và thực phẩm sạch Tây Nguyên nói chung. Ngoài macca, cà phê, chuối, bơ, bưởi da xanh, tôi còn tham vọng muốn bán cả gà, heo, rau, nhiều thực phẩm khác nữa.
Trong vai trò nhà sản xuất, phân phối, tôi sẽ phổ biến quy trình trồng và sản xuất để có chất lượng tốt nhất, sau đó thu mua luôn và chế biến ngay tại Lâm Đồng.
Hiện chúng tôi đang tiêu thụ chủ yếu trong nước và đã xuất đi các nước Đức, Bỉ, Mỹ… Cũng nhờ Phiên chợ xanh tử tế do BSA tổ chức mà bà con biết đến nhiều hơn, hàng không đủ bán (cười rạng rỡ).
– Cảm xúc của chị thế nào khi tham dự đầy đủ các Phiên chợ xanh tử tế?
– Tôi luôn cảm ơn ban tổ chức, nhất là cô Kim Anh đã tạo ra sân chơi cho các bạn trẻ, trong đó có tôi. Ban tổ chức thu phí có 200 ngàn, chắc phải bỏ thêm tiền túi! Từ chú bảo vệ đến nhân viên thu xếp mọi việc rất nhiệt tình để chúng tôi có điều kiện gặp gỡ nhiều nhà phân phối, mang macca của Việt Nam vươn xa hơn.
Không những thế lại còn được ngồi phòng máy lạnh học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, giao lưu kết nối với những khóa đào tạo về kỹ năng kinh doanh hoàn toàn miễn phí thì còn gì bằng.
Tôi đã học được nhiều kinh nghiệm quý về bán hàng,quản lý, mở rộng mối quan hệ… Đến phiên chợ xanh không chỉ để bán hàng, mà quý nhất là được gặp những người tử tế, công việc tử tế.
– Chị nghĩ gì về sự tử tế trong cuộc sống hàng ngày?
Tôi luôn coi trọng giá trị của sự tử tế giữa chồng vợ, bản thân mình với con cái, ngoài xã hội là sự tử tế với khách hàng, đồng nghiệp, bạn bè…
Do duyên, bán macca tôi quen biết nhiều chị em để giao lưu về cuộc sống, mở ra cho tôi những mối quan hệ khác, như việc có thêm hai dòng sản phẩm bán đồ khui macca và máy tách macca.
Sắp tới tôi muốn mở rộng đi sâu vào các thiết bị ngành macca.
– Một phụ nữ bước vào kinh doanh, điều gì khiến chị lo lắng nhất, hạnh phúc nhất?
Phải ngồi không mới là khoảng thời gian khủng khiếp nhất. Thời gian tôi có thai và phải ngồi ở nhà để dưỡng thai là thời gian tôi bị “cuồng” nhiều nhất.
Làm mẹ cũng áp lực lắm, nhất là trong môi trường thực phẩm bẩn hiện nay. Tôi may mắn đều có mẹ đẻ và mẹ chồng phụ giúp để có nhiều thời gian hơn bước ra ngoài xã hội.
Hạnh phúc nhất là làm điều mình thích, năng suất 200% chứ không phải 100%, đóng hàng cho khách đến khuya mà vẫn vui vẻ.
Phương châm sống của tôi là tối đa hóa thời gian mình làm để có năng suất tốt nhất. Tôi chỉ mong có thêm thời gian để được làm điều mình thích.
Từ khi bước vào kinhdoanh tôi rất hài lòng vì biết thêm nhiều phụ nữ làm nông nghiệp, bản thân ngành nông nghiệp không xô bồ,lấn át nhau mà sống, đi rất từ từ để có sự vững chãi. Làm nông nghiệp sạch chính là làm điều tốt đẹp cho cuộc sống.
– Nông nghiệp bẩn còn tràn lan, nông nghiệp sạch thì rất nhỏ bé, con đường chị đi còn rất dài, chị muốn chia sẻ điều gì với những người trẻ khởi nghiệp…?
– Để khởi nghiệp thành công, phẩm chất đầu tiên chính là sự thật thà. Cuộc sống quá thách thức khiến bạn rất dễ thỏa hiệp. Phải thật sự nghiêm túc với tiêu chí mình đặt ra ban đầu, không sử dụng chất bảo quản, thuốc thực vật.
Thêm nữa là lòng đam mê, kiên trì. Ban đầu khi quay vòng sản xuất sẽ thấy nản nếu giá trị thu lại không cao, phải biết kết hợp để lấy ngắn nuôi dài.
Để làm được không dễ, phải đa năng, trong quá trình trồng macca, tôi phải trồng thêm nhiều cây ngắn ngày khác như bưởi da xanh, bơ, chuối… để lấy ngắn nuôi dài.
Cuộc sống là không chờ đợi, khi có đam mê thì đừng ngại vấp ngã, vấp ngã chính là kinh nghiệm tích lũy tốt nhất để khởi nghiệp.