(TBKTSG Online) - Bộ Xây dựng hôm nay, 11-8, công bố quyết định điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Vùng thủ đô Hà Nội có thêm 3 tỉnh so với trước đây.
Theo quy hoạch, phạm vi Vùng thủ đô Hà Nội gồm toàn bộ ranh giới của thủ đô Hà Nội và chín tỉnh xung quanh gồm Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang. Trong đó Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang là ba tỉnh được quy hoạch thêm vào so với quy hoạch trước đây đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Việc điều chỉnh quy hoạch này nhằm làm cơ sở cho việc lập và điều chỉnh các quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vùng dọc tuyến đường vành đai, cao tốc liên tỉnh, các vùng và khu chức năng đặc thù, quy hoạch chung các đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật.
Đây cũng là cơ sở lập dữ liệu phục vụ công tác quản lý, đề xuất cơ chế chính sách và mô hình quản lý vùng, hướng tới việc đáp ứng các yêu cầu phát triển, công tác quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng, hợp tác, chia sẻ và liên kết giữa các địa phương trong vùng; đảm bảo phân bổ nguồn lực quốc gia có hiệu quả...
Trên cơ sở vị trí, vai trò, điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội, các tỉnh trong vùng tạo thành các mối liên kết với những đặc trưng và lợi thế riêng, chia sẻ chức năng, hỗ trợ phát triển để khai thác tối đa và hiệu quả các tiềm năng, động lực của các địa phương trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh giúp cho Hà Nội phát huy vai trò là trung tâm động lực chính của vùng thủ đô.
Tổng diện tích toàn Vùng thủ đô theo quy hoạch điều chỉnh mới khoảng 24.300 km2 với quy mô dân số - lao động đến năm 2030 đạt khoảng 21-23 triệu người và khoảng 12-13,2 triệu lao động, trong đó đô thị có khoảng 11,5-13,8 triệu người và nông thôn khoảng 8,5-9,2 triệu người. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 đạt khoảng 55-60%.
Thủ đô Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Ninh là các địa phương có tốc độ và tỷ lệ đô thị hóa cao; có vị trí trung tâm của toàn vùng. Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị, hành chính của quốc gia; là trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo và khoa học kỹ thuật quan trọng của cả nước, trong khi Vĩnh Phúc phát triển kinh tế tổng hợp về công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp sinh thái, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, còn Bắc Ninh phát triển kinh tế tổng hợp về dịch vụ, du lịch văn hóa, công nghiệp...