(TBKTSG) - Phải buộc các quy hoạch và nhà đầu tư tuân thủ luật pháp và phạt tiền nặng để hình thành vòng tuần hoàn nước của thành phố - cái gốc của chống ngập lụt đô thị.
Đô thị đang “quên” căn tính gốc tự nhiên của mình
Cuối thế kỷ 19 đến những năm 60 thế kỷ 20, cách mạng công nghiệp đã cho con người làm chủ vận mạng các thành phố (sản phẩm nhân tạo lớn nhất) bằng rất nhiều công cụ kỹ thuật xây dựng và hạ tầng: đập lớn, đê biển, cống ngầm, giao thông lập thể, cầu siêu dài, cưỡng bức địa hình, đường cao tốc, rừng nhà cao tầng... Đó cũng là lúc các đô thị “quên” căn tính gốc tự nhiên của mình, phát triển ngược quy luật tự nhiên, nặng nề nhất là phá hủy hệ thống sinh thái nước luôn bao bọc chúng từ ngàn đời. Các thành phố phát triển cả chiều rộng và chiều cao, đậm đặc.
Hiện nay, ở Việt Nam, đô thị hóa kèm với cao trào bê tông hóa cũng nhức nhối. Theo thống kê, đến năm 2010, Hà Nội - thành phố bên trong của bốn dòng sông - đã “cống hóa” ba dòng và xóa sổ hơn 90% mặt nước tự nhiên lấy đất cho đô thị. TPHCM đang đô thị hóa chóng mặt, có thể đạt đến 850 ki lô mét vuông xây dựng vào năm 2025, đã lấp 47 kênh rạch chính và hệ thống hồ trữ nước tự nhiên quý giá, điển hình như hồ Bình Tiên.
Mẹ thiên nhiên nổi giận - biến đổi khí hậu. Những thành phố lớn ở nhiều nước và ở nước ta đều nằm kề cận với đại dương, bờ biển và các dòng sông nên càng phát triển lại càng chịu nhiều thiên tai với mức tàn phá rất lớn. TPHCM dự tính phải cần hơn 100.000 tỉ đồng để đối phó lụt lội chưa biết tìm đâu ra mặc dù là thành phố nằm bên hệ thống sông Đồng Nai - Sài Gòn hiền hòa nhất Đông Dương, được thụ hưởng những cuộc quy hoạch quy mô, khoa học nhất của người Pháp trước đây!
Trở lại với mẹ thiên nhiên - biến nước lũ thành tài nguyên đô thị
Thứ nhất, quy hoạch phải từ bỏ cách làm truyền thống (dựng ra viễn cảnh) để tập trung vào toàn bộ quá trình phát triển của xã hội và đô thị. Quy hoạch buộc phải thay đổi cách tiếp cận và phương pháp: Tầm nhìn và các chiến lược đi đôi với chính sách phát triển thay quy hoạch kiểu cũ xơ cứng trên giấy hứa hẹn một ảo tưởng đô thị hơn là tương lai hiện hữu đang được sử dụng tại Việt Nam. Các sách lược phát triển đô thị phải gắn với quyền lợi chung của số đông dân cư và bảo đảm môi trường sống cơ bản cho họ thay vì chạy theo lợi nhuận trước mắt.
Cấp thiết sử dụng cách tích hợp các sáng kiến chống ngập đô thị trong giải pháp phát triển ngắn, trung hạn - là sản phẩm của bộ ba chính quyền, thị trường và công dân cùng tham gia như những chủ thể đô thị. Thay thế các quy hoạch cục bộ mỗi ngành một kiểu đang làm phân tán nguồn lực đô thị (vốn luôn hạn hẹp) bằng các giải pháp tích hợp để đồng bộ hóa cơ thể đô thị: Sử dụng đất, kiến trúc, chống ngập, giao thông, năng lượng, cấp thoát nước, điện, viễn thông, thực phẩm... (Bằng mắt thường hàng ngày nhìn cảnh con đường hôm trước tráng nhựa tinh khôi hôm sau bị đào bới móc cống, đặt đường dây cáp ai chẳng xót lòng. Nhưng nó vẫn tái diễn kể từ khi phát triển đô thị rầm rộ đã hơn 20 năm gần đây!).
Thứ hai, sử dụng khoa học chống ngập bằng mô hình thủy văn đô thị - thuật ngữ thế kỷ 21.
Khoa học đô thị sực tỉnh và nghiêm túc đánh giá nhiều năm ba vùng thiên tai lớn trên thế giới (Mỹ, Nam Mỹ và Đông Nam Á) trong biến đổi khí hậu đã đưa ra ba nhận định:
Một là, các công trình bảo vệ (đê bao, bờ kè, hồ chứa, kênh rạch...) kèm theo hệ thống dự báo cho dù có hiện đại cũng không thể chống đỡ hay tiên liệu hết các biến đổi khó lường, trong đó có ngập lụt lớn ở đô thị, do các vùng đô thị hóa đang lan tỏa chóng mặt.
Hai là, công tác quy hoạch và quản lý không gian đô thị bị ảnh hưởng quá nhiều từ yếu tố kinh tế ngắn hạn dẫn đến việc định cư tập trung, phát triển tại các khu vực trung tâm, kể cả cận trung tâm, sẽ có mức rủi ro ngập cao và khó lường.
Ba là, nhận thức và khả năng tự ứng phó của cộng đồng dân cư đóng vai trò rất quan trọng trong mức độ thiệt hại khi xảy ra các biến cố.
Do đó, các biện pháp thuần túy kỹ thuật và cưỡng bức dòng chảy (kể cả khi có rất nhiều tiền) gặp phải bế tắc tại những thời điểm bất thường của thời tiết với tần suất ngày càng nhiều, đồng nghĩa con người và tài sản đô thị gặp hiểm họa cao nhất.
Giải pháp cho bối cảnh hiện nay là đảm bảo vòng tuần hoàn của nước: bảo tồn các không gian tự nhiên (sông, hồ, đầm lấy, đất trũng...) để vận chuyển nhanh nhất có thể lượng nước mưa tiêu thoát cho thành phố. Sau đó, phân nhỏ hơn các khu đô thị mới và không gian xây dựng để liên kết giữa chúng bằng các diện tích chứa nước mặt khi mưa lũ như hồ nhỏ, kênh rạch, các quảng trường, bãi đất công cộng làm ở cao độ thấp hơn xung quanh, bãi cỏ tự nhiên, vườn hoa, cây xanh... thậm chí là những con đường nhỏ có thể thoát lũ khẩn cấp cạnh đường lớn để bảo đảm giao thông...
Sân bay quốc tế Nội Bài thiết kế một sân trũng tuyệt đẹp lớn như bãi bóng cạnh ngay lối vào chính là một ví dụ chống ngập tại chỗ.
Với tình trạng đô thị hóa phức tạp hiện nay ở Nam Sài Gòn thì một Phú Mỹ Hưng chưa thể làm úng ngập thành phố. Tình trạng này là hệ quả của dạng đô thị kết bè mảng đặc kín phía Nam và Đông Nam không cho đô thị “thở”, là vấn đề lớn của quy hoạch.
Triệt tiêu vòng tuần hoàn sinh thái của nước thì dù đổ cả núi tiền cũng khó thoát lụt!
Như vậy, quy hoạch còn có vai trò liên kết vùng về tự nhiên, địa hình, khu sinh thái nước, các đầu mối điều tiết nước, đê chắn, kè dẫn, hồ chứa và các không gian “ưu tiên” ngập ít, nhiều, thời gian ngập để giải cứu các khu vực quan trọng của thành phố.
Năm 2011, Hà Lan đã kết nối hơn 11.000 doanh nghiệp về nước (từ đóng chai, nước máy cho đến nước thải, thoát nước, lũ lụt, nước biển, sông...) vào một đầu mối Water-Net để bảo đảm tính thống nhất tuyệt đối trong vận hành vòng tuần hoàn nước hiệu quả. Nước đã trở thành tài nguyên vô giá khi mỗi năm hệ thống này mang lại đến 15-20% GDP và các lợi thế về cảnh quan, du lịch, khí hậu bậc nhất hành tinh.
Chính vì lẽ đó, các lý thuyết mới nhất coi nước mưa và nước mặt (kể cả nước lụt) là vốn tài nguyên quí giá của đô thị bối cảnh sau hiện đại. Có ba vấn đề lớn cần đề cập. Một là, nước mưa và nước thô khi xuất hiện có thể làm vệ sinh cho môi trường đô thị và cần tích trữ để làm mát khí hậu vốn bị xe cộ và bê tông làm ô nhiễm, nóng bức. Hai là, đưa vào quy chuẩn và các đạo luật đô thị để buộc quy hoạch và các giải pháp kỹ thuật hạ tầng (kể cả quy chế dân cư và chuyên gia) đảm bảo vòng tuần hoàn nước được thực thi và bảo vệ. Ba là, hạn chế tối đa quá trình xen cấy, mở rộng đô thị xâm lấn hệ sinh thái nước vốn còn ít ỏi khi đô thị hóa, nhưng nó là dấu vết nguyên thủy về đường đi của nước cần khôi phục dần từ những quy mô nhỏ. Khi cần xen cấy đô thị (Việt Nam không thể tránh khỏi đành sống chung vậy), cần các điều luật buộc “tách” việc xây không gian đô thị ra khỏi sự chồng lấn lên không gian tự nhiên (có thể còn sót lại rất nhỏ). Như vậy, thành phố không còn là con ngáo ộp đe dọa hay cưỡng bức “môi trường bên ngoài” ít nhiều “tự nhiên còn sống sót”.