Người Đô Thị - Cho rằng cơ quan quản lý không đủ năng lực điều hành hệ thống thủy điện, GS.TS Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, dẫn chứng rằng các khâu từ khảo sát đến vận hành đều đang bị buông lỏng.
- Đợt mưa bão vừa qua, thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) bị cho là xả nước làm ngập nhiều xã mà không thông báo, ý kiến của ông thế nào?
- Cơ quan nhà nước cần vào cuộc xác minh nhiệm vụ của mỗi bên, cần có số liệu quan trắc đầy đủ để đánh giá trách nhiệm của chủ đầu tư thủy điện. Tuy nhiên, sự việc cho thấy có thể công tác dự báo mưa lũ khác xa thực tế khiến chủ đầu tư phải xả nước ồ ạt khi có lũ để đảm bảo an toàn hồ đập.
Điều này cũng phản ánh việc quản lý vận hành của chúng ta còn yếu. Theo tôi, các thủy điện phải chịu giám sát của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão cấp tỉnh, phải có cơ quan giám sát việc tích nước hồ, khi lũ cao phải xả theo từng bước, tránh đột ngột cho hạ du.
- Ông đánh giá như thế nào về mật độ nhà máy thủy điện ở khu vực miền Trung hiện nay?
- Miền Trung có lợi thế thủy điện vì lòng sông dốc. Thủy điện cũng giúp giữ nước mùa mưa và xả nước mùa khô, điều hòa nguồn lợi nước. Số lượng nhà máy thủy điện ở miền Trung là khá nhiều song nếu phù hợp quy hoạch, vận hành đúng quy trình thì không có vấn đề gì, sẽ không ai thắc mắc là xây dựng nhiều hay ít. Hiện nay 30% sản lượng điện từ thủy điện nên chúng ta sẽ thiếu điện nếu ngừng hoạt động các nhà máy.
Tuy nhiên, thời gian qua có những sự cố của nhà máy thủy điện gây bức xúc, ảnh hưởng đến đời sống dân cư, đó là lỗi do vận hành. Thủy điện như con dao, ai cũng phải dùng song dùng không cẩn thận sẽ đứt tay.
- Đời sống dân cư vùng hạ du có thể chịu những ảnh hưởng tiêu cực gì?
- Thủy điện có tác động xấu là chiếm một diện tích lớn đất đai do ngập nước, gây thay đổi môi trường, ảnh hưởng đến môi sinh. Khi làm thủy điện, người ta có thể chuyển dòng chảy sang lưu vực mới gây khô cạn cho lưu vực cũ. Nhiều thủy điện tích nước gây khô cạn cho hạ du.
Do đó, việc xây dựng thủy điện phải xem xét các mặt, phát huy ưu điểm kinh tế xã hội địa phương và hạn chế gây xáo trộn đời sống người dân.
- Giải pháp nào để giảm thiểu tác động tiêu cực của thủy điện?
- Công tác khảo sát, quy hoạch phải làm thật kỹ và có nhiều giải pháp để khắc phục những bất lợi xảy ra và giám sát trong quá trình vận hành. Đây là những vấn đề có thể nhìn thấy được song người ta có quyết tâm làm hay không. Nhiều doanh nghiệp tư nhân rất dễ bỏ qua yêu cầu về môi trường, môi sinh, phòng chống lũ nên khâu lựa chọn chủ đầu tư cũng phải kỹ lưỡng.
Ngoài ra, phải có cơ quan giám sát xây dựng, giám sát vận hành các nhà máy thủy điện. Tôi nhận thấy thời gian qua cơ quan quản lý buông lỏng tất cả các khâu từ khảo sát, xây dựng, vận hành và không có đủ năng lực để quản lý vấn đề này.
- Các nước trên thế giới nhìn nhận sự phát triển thủy điện ra sao?
- Có những nước 98% sử dụng thủy điện như Na Uy, Thụy Sỹ đã xây dựng nhiều dự án lớn song vẫn tiếp tục làm thủy điện nhỏ. Họ xem xét nhiều mặt tác động đến đời sống dân cư để lựa chọn phương án tối ưu nhất.
Brazil từng xây dựng thủy điện lớn nhất trên sông Amazon và phải từ bỏ do người dân phản đối trong quá trình xây dựng.
Trong tương lai, nhiều nước sẽ sử dụng điện hạt nhân, điện gió song thủy điện vẫn là nguồn năng lượng sạch, có thể tái tạo.