(GDVN) - Những cái cổng cơ quan công quyền hoành tráng ấy liệu có làm nên chất lượng quản lí Nhà nước hay là càng khoét sâu ranh giới ngăn cách với người dân?
- Ủa, thế thì để làm gì? Bạn tôi thắc mắc.
- Để… giải ngân chứ còn làm gì nữa! Ông bạn ngồi cạnh đã nhanh nhẩu trả lời thay tôi.
Đấy là mẩu chuyện phiếm cà phê sáng xoay quanh câu chuyện cổng chào trăm tỉ đang thu hút sự chú ý của dư luận mấy ngày qua.
Ừ, để giải ngân - đấy là nói theo ngôn ngữ kinh tế học chứ đời thường người ta gọi là gì nhỉ, à phết phẩy!
Dường như đã thành thói quen trong nếp nghĩ của dân mình hiện nay, hễ nói đến dự án là nghĩ ngay đến chuyện tiêu cực, chia chác, phết phẩy cho dù chuyện ấy có thể không có.
Người dân không phải không có lí khi đặt nghi vấn như thế bởi tự thân nhiều công trình xây dựng đậm chất "dự án", vừa khánh thành xong đã xuống cấp hoặc không hữu dụng đã nói lên điều đó.
Cổng chào trăm tỉ mà dư luận quan tâm mấy ngày qua là cổng chào "cấp tỉnh" ở Quảng Ninh.
Hiện công trình cổng chào to nhất nước này đang được thi công trên quốc lộ 18A, đoạn qua xã Bình Dương, thị xã Đông Triều.
Theo thiết kế, hạng mục cổng chào có diện tích hơn 75.000 m2, làm bằng khung thép với 8 cột chính có độ cao từ 38 - 43 m, vốn đầu tư cho công trình này là 198 tỉ đồng.
Lí giải về cái "cổng tỉnh" đồ sộ này, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh không tiếc ngôn từ để ngợi ca, rằng đây là công trình kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố: Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và Trung tâm phật giáo Yên Tử gồm: Đài sen, hồ cảnh, đồi nhân tạo, giao thông cảnh quan.
Rằng công trình đảm bảo được các tiêu chí uy nghi, vững chãi, ấn tượng, đặc biệt, khác biệt, hiện đại và phản ánh được truyền thống văn hóa lịch sử của vùng đất Quảng Ninh.
Rằng cổng tỉnh là công trình văn hóa mang ý nghĩa xã hội cao, sẽ là điểm nhấn quan trọng, tạo ấn tượng đối với du khách khi đặt chân tới Quảng Ninh và là một sản phẩm du lịch độc đáo, giúp quảng bá, phát triển tiềm năng du lịch và các đặc sản của địa phương.
Dư luận như lạc vào ma trận chữ nghĩa về một cái cổng chào "vĩ đại", nhưng ngôn từ dẫu có đẹp cũng không thể làm son phấn để phết lên hình hài cái cổng có một không hai này đang ở giai đoạn hoàn thiện.
Xin dẫn ra đây ý kiến của một số độc giả trên báo Tuổi trẻ Online:
- Ngọc Anh: Công trình này không thiết thực và lãng phí, bởi đất nước ta đang nợ công quá lớn, trong khi vùng sâu vùng xa còn đang khó khăn thiếu thốn về y tế, trường học và giao thông cầu đường.
- Bảo tồn: Người ta tới Quảng Ninh vì có vịnh Hạ Long. Phải chú trọng xây dựng nét đẹp văn hóa ứng xử và bảo tồn di sản văn hóa!!! Không ai tới Quảng Ninh vì cái... đống thép ngàn tấn đâu.
- Da Nang: Nhìn cái cổng giống như chồng móc phơi áo quần. Kể ra đủ loại nào đặc biệt, độc đáo, khác biệt, vững chãi, uy nghi... nhưng chốt lại là không đẹp thì không nghe nói.
- BADA: Tôi cho rằng cổng chào này thiết kế đơn điệu, không có sáng tạo và lãng phí! Kiến trúc sư này cần học tập kinh nghiệm các nước phát triển trước khi thiết kế cổng chào này.
- Bùi thế anh: Một đống sắt thép chẳng có ý nghĩa gì,thật là lãng phí!
- Nam T: Chưa nói chuyện tiền bạc, về thẩm mỹ tôi thấy không ổn. Tôi đi du lịch nhiều nước trên thế giới cũng chưa thấy Hướng dẫn viên bản xứ nào tự hào giới thiệu cái... cổng chào cả!
- Nguyễn Anh Hùng: Các ông toàn nói "xã hội hóa". Mục đích của doanh nghiệp là lợi nhuận, họ bỏ tiền ra đổi lại là những gì? đất đai, thuế má, ưu đãi này khác là tài sản của ai?
Trước những ý kiến của độc giả như thế, người viết bài này không còn biết bình luận gì hơn.
Nhưng chuyện về cổng chào thì còn nhiều thứ để nói lắm, khoảng hai chục năm lại nay, kinh tế phát triển, "văn hóa cổng chào" nhờ thế mà cũng nở rộ.
Bây giờ đến bất cứ địa phương nào, từ làng xã, thôn bản đến cấp huyện, tỉnh, thành phố đâu đâu cũng bắt gặp cổng chào, thứ công trình được dựng lên gần như cùng một kiểu dáng bằng bê tông cốt thép.
Và chức năng duy nhất của nó hoặc là nhắc nhở cho du khách biết ranh giới địa lí giữa hai địa phương, hoặc là để treo khẩu hiệu ngày lễ tết.
Chi phí cho những cái cổng chào như vậy nhỏ thì cũng dăm bảy triệu như cổng "thôn văn hóa", to thì hàng tỉ, thậm chí hàng trăm tỉ như cổng tỉnh Quảng Ninh nói trên.
Không chỉ cổng chào, còn một thứ cổng khác cũng đua nhau mọc lên như nấm sau cơn mưa. Đó là cổng các cơ quan, đoàn thể, trường học, tổ chức xã hội…
Không biết tự bao giờ, cổng cơ quan trở thành "biểu tượng" ganh đua theo kiểu "con gà tức nhau tiếng gáy".
Cách đây gần chục năm, ở một trường chuyên nghiệp vùng cao nọ, vị Hiệu trưởng vừa nhậm chức đã ngay lập tức thực hiện phương châm "phá cũ xây mới", cho đập cổng cũ của cơ quan mới dựng được ba bốn năm để xây cổng mới với chi phí gần một tỉ, tương đương tòa nhà 3 tầng có diện tích sàn cỡ vài trăm mét vuông.
Đây là "đời" cổng thứ tư của nhà trường và cũng là hoành tráng nhất nhì tỉnh lúc bấy giờ.
Nhưng cái cổng một tỉ ấy chỉ là hạng cháu chắt nếu đặt bên cạnh cái cổng của một cơ quan quân sự địa phương sắp sửa khánh thành.
Chẳng hay dư luận đồn đại chi phí xây cổng hết năm bảy tỉ có đúng không nhưng mục sở thị thì có lẽ đây là cái cổng cấp cơ quan to nhất nước.
Nó sừng sững như một tòa nhà 3 tầng bên cạnh trục đường lớn của thành phố khiến khách bộ hành đi qua đều phải ngước lên mà thán phục bởi cái sự uy nghi của nó.
Nhìn những cái cổng ngốn tiền tỉ như thế, lòng dân không khỏi ngậm ngùi. Người ta đang vô tư vung tiền thuế của dân vào những công trình mà công năng hạn chế, gây lãng phí, thất thoát.
Những cái cổng tỉnh, cổng huyện kia liệu có góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế và an sinh xã hội địa phương như lãnh đạo kì vọng?
Những cái cổng cơ quan công quyền hoành tráng ấy liệu có làm nên chất lượng quản lí Nhà nước hay là càng khoét sâu ranh giới ngăn cách với người dân?
Nguồn tham khảo:
-http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20161010/quang-ninh-len-tieng-ve-cong-tinh-lon-nhat-vn-198-ti-dong/1185940.html