VNN - Trình độ và công nghệ hiện nay, việc xây dựng một bức tường bê tông đủ chắc chắn, an toàn để chống lũ bất thường cho phép hạ độ cao đoạn đê đất hiện nay.
Hà Nội vừa đề xuất Bộ NN&PTNT hạ độ cao một đoạn đê giúp cho người dân khu vực dọc tuyến đường tiếp cận ra – vào đường Nghi Tàm.
Nếu ai quan tâm đến công tác đê điều ở các nước như Mỹ, Pháp, Nga … sẽ thấy rõ dù ở những nơi chẳng cần đê nhưng người ta vẫn đắp đê để làm đường đi trên cao, tạo thuận lợi cho việc thiết lập các nút giao cắt không đồng mức.
Ở Việt Nam đê có vai trò rất quan trọng. Năm 2006 Quốc hội đã thông qua Luật Đê điều, mọi hoạt động làm biến động ảnh hưởng đến an toàn đê phải làm rõ các mặt cả về kỹ thuật, kinh tế xã hội và môi trường bảo đảm tính pháp lý của luật định.
Còn nhiều băn khoăn
Để triển khai dự án xây dựng cầu vượt nút giao thông An Dương – Thanh Niên, mở rộng đường giao thông đoạn khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương, UBND thành phố Hà Nội đã đề xuất Bộ NN&PTNT hạ độ cao một đoạn đê sông Hồng đến 12,4 m giúp cho người dân khu vực dọc tuyến đường tiếp cận ra – vào đường Nghi Tàm. Đồng thời, phương án này sẽ tạo điều kiện mở rộng được mặt cắt ngang đường Nghi Tàm thêm một làn xe và bố trí tăng được bề rộng của cầu vượt trực thông.
Theo tôi hiểu, hiện nay hệ thống hồ chứa lớn trên lưu vực sông Hồng-Thái Bình “cơ bản đã hoàn chỉnh” có nghĩa là chưa có thêm phương án / giải pháp mới đáng kể nào (đặc biệt là hồ chứa lớn) phục vụ chống lũ – vì vậy khó có thể đưa tần suất bảo đảm chống lũ lớn hơn 500 năm, chứ không có một cơ quan kỹ thuật nào khẳng định giảm được mực nước thiết kê đê xuống dưới +13,4m.
Vấn đề ở đây là câu chữ/ thuật ngữ và cách diễn đạt, cũng có thể là cách hiểu của UBND TP Hà Nội trong văn bản đề nghị thỏa thuận với Bộ NN&PTNT chưa đáp ứng chặt chẽ yêu cầu chuyên môn và tính pháp lý của Luật Đê điều, gây ra sự băn khoăn cho dư luận:
Thứ nhất, trong văn bản nói, hiện nay đã có hệ thống hồ chứa lớn điều tiết lũ nên Hà Nội không bị đe doạ nhiều bởi lũ. Điều này, chỉ đúng một phần, vì về mặt kỹ thuật vẫn phải tính đến những trường hợp cực đoan, đặc biệt là với một vùng tối quan trọng như Hà Nội. Ví dụ như tần suất lũ vượt quá 0,2%, thậm chí 0,1%? hay khi hệ thống hồ chứa đã tích đầy mà xảy ra mưa lớn trên toàn lưu vực? Hoặc hàng loạt hồ chứa trên thượng nguồn phía Trung Quốc đồng loạt xả lũ, thậm chí vỡ đập? Về mặt kỹ thuật không thể nói Hà Nội chắc chắn sẽ không xảy ra lũ lớn nữa.
Thứ hai, nếu dùng câu chữ "hạ cao trình đê đoạn Nghi Tàm xuống +12,4m" là không đáp ứng chuyên môn và tính pháp lý, rất dễ bị hiểu lầm. Vì như vậy là đã xuống dưới mức đảm bảo chống lũ 500 năm theo quy định bảo vệ đặc biệt cho thủ đô Hà Nội (+13,4m). Mặt khác, nếu như hạ đoạn đê dài 01km này xuống thì toàn tuyến đê còn lại thuộc thành phố Hà Nội không còn tác dụng nữa!
Phương án thay thế
Thực chất, đây là thay thế một phần đê đất chiếm diện tích bề mặt lớn bằng kết cấu bê tông có diện tích ít hơn, tạo điều kiện cho mở rộng giao thông vốn là vấn đề cũng đang rất bức xúc tại Hà Nội.
Phương án xây dựng tường (đê) bê tông để thay thế chức năng chống lũ theo cấp đặc biệt (13,4m) là có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, nếu như đê bê tông đoạn Trần Quang Khải và Trần Nhuật Duật chỉ cao khoảng 1,5 m thì đơn giản về mặt an toàn do hiện nay công nghệ và trình độ thi công rất tốt.
Hiện nay, việc xây dựng tường bê tông mới là đề xuất, khi đi vào thực hiện phải có nhiều tính toán kỹ lưỡng hơn bởi vì nếu đặt ra phương án cuối cùng là hạ đê đất xuống đến 12,4m hay chỉ đến 13,5m, tức là vẫn đảm bảo chống lũ cấp đặc biệt. Nếu làm như vậy giống như các đoạn đã làm trước đây, độ an toàn cao hơn rất nhiều, tường bê tông mới xây dựng cũng đơn giản hơn. Tuy nhiên, phương án này đường giao thông không mở rộng được nhiều và vẫn cao hơn đường dân sinh hai bên.
Việc xảy ra lũ lớn bất thường, bất kể do nguyên nhân tự nhiên (mưa cực lớn, hay nguyên nhân con người gây vỡ đập, xả lũ ồ ạt...) là vẫn có thể xảy ra, dù rất hiếm nhưng với vùng quan trọng như Hà Nội vẫn phải tính đến. Tuy nhiên, có một vấn đề cũng cần lưu ý là sẽ khó có trường hợp đê Hà Nội phải chịu đến mức nước trên 13,4m, vì khi đó có hai khả năng xảy ra: 1) Đê dọc sông Hồng trên thượng nguồn đã vỡ rồi. 2) Luôn sẵn sàng có các phương án phân lũ ở thượng nguồn, thậm chí hy sinh những vùng không quá quan trọng nhằm giảm nguy cơ cho Hà nội.
Do yêu cầu về phát triển kinh tế, cùng với trình độ và công nghệ hiện nay, việc xây dựng một bức tường bê tông đủ chắc chắn, an toàn để chống lũ bất thường cho phép hạ độ cao đoạn đê đất hiện nay xuống để phát triển giao thông. Vấn đề hạ độ cao bề mặt đê đất xuống bao nhiêu cần có luận chứng kỹ lưỡng về cả kỹ thuật và kinh tế.
Để bảo đảm chặt chẽ tính pháp lý và kỹ thuật, không nên dùng từ "hạ cốt đê" hay hạ "cao trình chống lũ", mà cái đang bàn gọi chính là "phương án thay thế".