RFI - Chỉ vài ngày sau cơn bão Harvey gây lụt lội chưa từng có ở thành phố Houston, bang Texas, Hoa Kỳ, đến lượt vùng Caribê và quần đảo Antilles từ ngày 06/09/2017 lại phải hứng chịu cơn cuồng phong Irma, cơn bão dữ dội nhất từ trước đến nay trên vùng Đại Tây Dương, với sức gió lên tới gần 300 km/giờ, tàn phá gần như toàn bộ đảo Saint-Martin của Pháp và Hà Lan, khiến đảo này bị cắt đứt hoàn toàn với thế giới bên ngoài.
Việc những cơn bão như vậy trở nên ngày càng dữ dội phải chăng là do hậu quả của biến đổi khí hậu? Đó là câu hỏi vẫn được nêu lên mỗi khi thiên tai này lại ập xuống một vùng nào đó trên hành tinh của chúng ta.
Bão trong thế kỷ 20 : Khó xác định
Do thiếu những dữ liệu vệ tinh ở cấp độ toàn cầu của thời kỳ trước năm 1970, cho nên không thể nói được là các cơn bão đã biến chuyển như thế nào trong thế kỷ 20.
Trước khi thế giới theo dõi toàn diện Trái đất qua vệ tinh, những cơn bão cho dù rất mạnh cũng có thể đã không được phát hiện nếu chúng không ập vào đất liền. Con số cơn bão được ghi nhận quá ít khiến cho các dữ liệu thống kê không có nhiều và như vậy rất khó mà khai thác các dữ liệu đó.
Theo giáo sư Franck Roux, Đại học Paul-Sabatier ở Toulouse, ở vùng Bắc Đại Tây Dương, từ khoảng 20 năm, người ta ghi nhận là các cơn bão xảy ra với một tần suất ngày càng cao, nhưng trước đó, trong thời kỳ từ 1970 đến 1995, tần suất các cơn bão lại thấp hơn.
Trên thực tế, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy rằng hoạt động bão trong vùng này diễn ra theo các chu kỳ hàng chục năm. Họ nhìn nhận rằng hiện chưa thể nói được là trong thế kỷ 20, số cơn bão gia tăng là do tính biến đổi tự nhiên của thời tiết hay là do hậu quả của biến đổi khí hậu.
Bão trong thế kỷ 21: Cường độ mạnh hơn
Trong khi đó, các mô phỏng tin học về khí hậu cho thấy là trong thế kỷ 21 này, cường độ của các cơn bão ngày càng mạnh hơn, tuy rằng ở cấp độ toàn cầu thì có thể là tần suất của chúng sẽ giảm bớt.
Nói chung, về mặt khoa học, hiện giờ các nhà nghiên cứu chưa thể xác định một cách chính thức quan hệ nhân quả giữa cường độ ngày càng mạnh của các cơn bão với hiện tượng biến đổi khí hậu, nhưng họ biết chắc là có mối quan hệ đó, như lời nhà khí hậu học Jean Jouzel, cựu phó chủ tịch nhóm GIEC, Nhóm chuyên gia liên chính phủ về khí hậu.
Nhiệt độ của đại dương: Yếu tố chủ chốt
Theo báo cáo mới nhất của nhóm GIEC, người ta ghi nhận là từ nữa thế kỷ qua, tại vùng Bắc Đại Tây Dương, cường độ của các cơn bão đã tăng 20%. Con số các cơn bão không nhiều hơn, nhưng cường độ của chúng mạnh hơn. Một điều chắc chắc là chính nhiệt độ tăng cao của nước biển Đại Tây Dương đã góp phần lớn vào việc tạo ra bão.
Theo giải thích của nhà khí hậu học Jean Jouzel, đại dương chính là nơi chủ yếu “tiếp thu” các tác động của biến đổi khí hậu. Nhiệt độ toàn cầu tăng cao dẫn đến việc tăng nhiệt độ của đại dương ở khoảng cách sâu 700 mét và đó chính là những điều kiện lý tưởng để hình thành bão nhiệt đới.
Như trường hợp của cuồng phong Irma, cường độ của các cơn bão xuất phát từ nước biển có nhiệt độ vượt quá 25-26 °C ở khoảng cách sâu 100 mét. Nhưng Irma lại có cường độ trên mức trung bình và nó đã được xếp vào loại bão cấp 5, tức là cấp mạnh nhất, ngay cả trước khi đổ bộ vào hai đảo Saint-Martin và Saint-Barthélémy, chuyện chưa từng xảy ra. Và điều này, theo các nhà khí hậu học, chính là do những bất thường về nhiệt độ của nước biển.
Mùa bão ở vùng Bắc Đại Tây Dương diễn ra từ tháng 6 đến 11, với đỉnh điểm thường là từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 9. Trong trường hợp của Irma, người ta nhận thấy là nhiệt độ mặt nước biển của Đại Tây Dương khu vực nhiệt đới trong những tuần qua đặc biệt cao, tức là cao hơn 1 hoặc 2°C so với mức bình thường.
Theo lời nhà khí hậu học Valérie Messon-Delmotte, một thành viên của GIEC, “ các cơn bão có cường độ mạnh hơn chính là một trong những hậu quả của biến đổi khí hậu”. Bà Messon-Delmotte giải thích: “ Nhiệt độ của nước và độ ẩm càng cao, thì bão càng dữ dội hơn, mà hai yếu tố đó tăng cao chính là do hậu quả của hiệu ứng lồng kính. Nhiệt độ Trái đất cứ tăng thêm 1°C thì độ ẩm trên đại dương lại tăng thêm 7%.
Còn ông Anders Levermann của Viện Potsdam về Nghiên cứu Tác động Khí hậu, thì tóm tắt vấn đề như sau: “ Biến đổi khí hậu không gây ra bão, nhưng nó khiến cho tác động của bão mạnh hơn”.
Mực nước biển dâng cao: Tác động kép
Một trong những tác động của biến đổi khí hậu đó là làm cho mực nước của các đại dương dâng cao, do băng tan chảy ở hai cực. Độ dâng cao của mực nước biển thì cao thấp tùy từng nơi, nhưng mức dâng cao trung bình trong thế kỷ 20 là 20 cm. Các nhà khoa học dự đoán là mức dâng cao của mực nước biển có thể lên tới gần 1 mét vào năm 2100.
Thế mà cơn bão như Irma cũng tạo ra những đợt sóng rất cao và cùng với hiện tượng mực nước biển dâng cao, tác hại của bão đối với dân chúng và nhà cửa những vùng ven biển càng nặng nề hơn.
Báo cáo thứ 5 của nhóm GIEC cũng dự báo rất có thể là sức gió tối đa của các cơn bão và lượng mưa do bão gây ra cũng sẽ tăng cao trong những năm tới, cao nhất là các những vùng ven biển ở Trung Mỹ và Bắc Mỹ.
Di chuyển của bão cũng thay đổi
Theo Cục Khí tượng Pháp, các công trình nghiên cứu cho thấy là vĩ độ nơi mà các cơn bão đạt cường độ tối đa đã di chuyển về phía hai cực của hai bán cầu trong 35 năm trở lại đây. Hiện tượng này có thể là do sự mở rộng của “vành đai nhiệt đới”, tức là những vùng nằm ở hai bên đường xích đạo, nơi có khí hậu nóng và ẩm.
Thành ra, như ghi nhận của ông James Kossin, Cơ quan Khí hậu và Đại dương Mỹ ( NOAA ), những vùng đã quen hơn và chuẩn bị tốt hơn với các cơn bão thì nay lại bị bão ít hơn, trong khi những vùng chuẩn bị kém hơn thì nay lại bị bão nhiều hơn.
Cho dù, như đã nói ở trên, về mặt khoa học, hiện chưa thể xác lập một cách chính thức mối quan hệ nhân quả giữa cường độ ngày càng tăng của các cơn bão với biến đổi khí hậu, nhưng các cơn bão như Harvey ở Texas và Irma ở vùng Antilles và Caribê, cho thấy rất có thể là trong tương lai nhân loại sẽ phải đối đầu với những thiên tai ( bão tố, đợt nóng, mưa lũ, hạn hán, cháy rừng, ngập nước vùng ven biển… ) ngày càng nặng nề hơn, nếu cả thế giới không tích cực thi hành những biện pháp để giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng lồng kính.