Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2016

Cáp treo coi chừng là "án treo" cho tương lai

Nguyễn Thị Hậu

Việt Nam là một nước có điều kiện và tiềm năng phát triển du lịch sinh thái với những ưu thế của thiên nhiên nhiệt đới ẩm, địa hình, cảnh quan đa dạng với nhiều hệ sinh thái điển hình khác nhau từ vùng núi cao nguyên đến vùng đồng bằng ven biển và hải đảo. Trên những khu vực cảnh quan này là địa bàn cư trú của hàng chục các dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam với những phong tục tập quán, nền văn nghệ dân gian đặc sắc. 

Vài năm gần đây nhiều khu du lịch sinh thái là những danh lam thắng cảnh đã xây dựng tuyến cáp treo, có thể kể đến như Chùa Hương, Yên Tử, Tây Thiên (miền Bắc), Vinpearl land, Tà Cú, Đà Lạt, Bà Nà (miền Trung), Vũng Tàu, Bà Đen, Núi Cấm (miền Nam)… Đây là những nơi có di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc tâm linh như chùa, đền, miếu. Không phải tự nhiên mà những ngôi cổ tự lại được xây dựng ở nơi thắng cảnh vì việc hành hương vào mùa xuân hay dịp lễ hội chính là thể hiện nhu cầu tĩnh tâm hướng thiện, tinh thần chinh phục khó khăn bằng ý chí và khả năng mỗi người. 

Đầu tháng Giêng tôi có dịp đi Lào Cai, thấy bà con nô nức đến Sapa hưởng nốt những ngày băng giá và đều “không thể bỏ qua cáp treo Phanxipan – điểm đến hấp dẫn trong hành trình của bạn” như quảng cáo trên các phương tiện truyền thông. Thế là đỉnh núi cao nhất, hành trình lên đỉnh dài nhất và khó khăn nhất Việt Nam đã có thể “chinh phục” dễ dàng bằng cáp treo, chỉ cần có tiền và chút ít thời gian. Cứ đà này thì chẳng mấy chốc khắp nước ta chằng chịt những cáp treo, bởi diện tích đất liền thì 2/3 là đồi núi, ngoài biển thì hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ xinh đẹp, nơi từ xưa vốn ít người nên thiên nhiên còn giữ được nguyên lành. 

Nhìn dòng người lúc nào cũng đông nghẹt ở những nhà ga cáp treo thì biết phương tiện này đã đáp ứng yêu cầu của lượng du khách ngày càng tăng nhưng thời gian “du lịch” ngày càng ngắn, nhu cầu thưởng lãm ngày càng dễ dãi, ngày càng phụ thuộc vào chiếc gậy “tự sướng” và chiếc điện thoại thông minh! Nhà đầu tư thì luôn quảng bá cho khu du lịch kiểu “trời Tây, thế giới Âu Mỹ, khung cảnh Nhật Hàn”… để “câu” du khách Việt, trong khi phần lớn người Việt còn chưa tường tận những cảnh đẹp của chính quê hương mình, chưa hiểu biết đủ đầy về giá trị di sản văn hóa cha ông để lại. Cứ nơi nào có thể khai thác du lịch “ăn liền” thì trên cao xây cáp treo và nhà ga kiểu “cung điện”, chùa chiền tựa “hoàng cung”, lâu đài chóp nhọn hay tròn “củ hành”, xanh đỏ như phim hoạt hình… dưới thấp là khách sạn, shopping mall, sân golf, “vườn thú”, mở casino… Thử nhìn lại những khu du lịch như vậy chúng ta còn thấy gì là “thiên nhiên Việt Nam” chưa nói đến có gì là “văn hóa Việt Nam”?

Phú Quốc chẳng hạn. Hòn đảo xinh đẹp tựa thiên đường bây giờ đang được vẽ lên một tương lai kiểu Singapore. “Hiện đại hóa” sẽ xóa bỏ và hủy hoại cảnh quan tự nhiên, thay vào đó là những công trình nhân tạo “nhái theo” tự nhiên nhưng chênh vênh với ngay phần thiên nhiên ít ỏi còn lại. Phú quốc rất khác với Singapore về tự nhiên, về lịch sử và văn hóa – điểm xuất phát để phát triển du lịch. Nếu không nhận thức rõ điều này thì việc đầu tư phát triển du lịch ở đây sẽ chỉ là sự bắt chước một cách không đến nơi đến chốn hình ảnh bên ngoài chứ không phải như những mục tiêu lâu dài mà Singapore hướng đến.

Những gì đã xây dựng nên, xấu hay đẹp, có ích lâu dài hay trước mắt, cái lợi thuộc về ai… cũng không nghiêm trọng bằng sự hủy hoại môi trường tự nhiên. Tất cả các hệ sinh thái đặc thù của khí hậu nhiệt đới Việt Nam đã bị tổn hại do chiến tranh, do phát triển kinh tế (khai hoang, thủy điện, trồng trọt…) và bây giờ là do phát triển du lịch – ngành kinh tế sử dụng nguồn vốn ban đầu và phần lón là từ thiên nhiên và di sản văn hóa. Du lịch “sinh thái” lại có tác động không nhỏ hủy hoại sự sống của bao nhiêu loài thực vật, động vật, bao nhiêu nguồn gien quý hiếm, phá vỡ mối liên hệ giữa các loài nhằm cân bằng môi trường trên rừng dưới biển…

Bên cạnh đó là sự phá hoại môi trường văn hóa: phá vỡ sự cố kết văn hóa trong cộng đồng cư dân, đột ngột thay đổi cuộc sống vật chất và tinh thần, sự tiếp nhận lối sống mới chỉ gói gọn trong cách “kiếm tiền” bằng một số dịch vụ giản đơn và khai thác sự “lạ lùng” trong ẩm thực, trang phục… so với “người Kinh”. Cộng đồng dân cư tại chỗ không được trang bị kiến thức và kỹ năng để “tự bảo tồn” bản sắc văn hóa, gìn giữ di sản như nguồn “vốn xã hội” để có thể sử dụng lâu dài.

Gần đây, dự án cáp treo Sơn Đoòng đang bị nhiều ý kiến phản đối từ cộng đồng gồm những tổ chức bảo vệ thiên nhiên và những người bảo vệ sự bền vững cho du lịch sinh thái Việt Nam. Những tuyến cáp treo như vậy nguy cơ sẽ là những “bản án treo” mà thế hệ tương lai phải chịu: Sự cạn kiệt của thiên thiên kéo theo sự “trả thù” của nó đối với con người.

Du lịch sinh thái là một xu hướng tích cực để đảm bảo sự phát triển bền vững về kinh tế - văn hóa, nhưng điều kiện tiên quyết là phải gắn liền với bảo tồn thiên nhiên và môi trường, bảo vệ các giá trị nhân văn giàu bản sắc văn hóa của các dân tộc. Tất cả bắt đầu từ nhận thức và trình độ của nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư, cùng với việc giáo dục ý thức của xã hội bao gồm nhà quản lý ở địa phương, cộng đồng dân cư và du khách.

Báo thế giới Tiếp thị ngày 23.2.2016