Không hiểu sao những mái ngói gỗ ấy lại ám ảnh tôi lâu đến vậy. Qua những miền đất Phật ở Lào, Thái, những viên ngói gỗ rêu phong đậu hờ hững như những cánh chim nâu.
Trong tâm thức đầy vọng động của tôi, có lẽ nó không phải đang đậu yên một chỗ, mà đang bay. Trong một không gian rất lạ. Đường bay vô hình của nó dẫn dắt trí tưởng chúng ta thật xa hơn nhiều nơi mặt đất nơi ta đang đứng, xa hơn nhịp hơi ta đang thở, xa hơn mắt chúng ta đang nhìn.
Trong cái nhìn của phân tâm học phương Tây, nếu như mặt ngoài của ngôi nhà là hình thức bên ngoài của con người, thì mái nhà là cái đầu và trí tuệ, là sự kềm chế của ý thức. Các tầng thấp là cấp độ của vô thức, bản năng… Còn theo phương Đông cổ xưa, gỗ (mộc) thuộc ngũ hành ứng với phương Đông và mùa Xuân. Ứng với quẻ Chấn trong Kinh dịch, là sự chấn động của vũ trụ và thiên nhiên. Cây cối mọc lên từ đất, và sấm cũng bấy lâu ẩn náu trong đất, là sự khởi đầu thức dậy của dương. Gỗ cũng biểu tượng cho sự khôn ngoan và thông hiểu siêu phàm.
Những viên ngói gỗ nơi cổng ngõ ngôi đền cổ vạn năm tuổi Wat Phou của Lào, hay những mái gỗ khổng lồ bên bờ sông Mê Kông của vùng Phitsanulok miền bắc Thái Lan. Trên những ngôi nhà bình dị chạy lúp xúp bên đường. Ngói bằng gỗ tếch, còn gọi là giá tỵ hay cây báng súng, bởi còn được dùng làm báng súng. Loại cây cao thẳng, mang vẻ đẹp giản đơn mà dẻo dai của vùng nắng gió Đông Dương. Ở Việt Nam đã có cả những khu rừng, mọc xen nơi những thảo cầm viên. Những chiếc lá to lớn hình sao cứ đến mùa khô bắt đầu vàng rợm rồi chuyển dần sang màu tro trút ào trong hanh hao, để lại những thân cây chói sáng như bạch dương xứ tuyết.
Họ nhà mộc này đặc biệt, vừa nhẹ nhõm, lại bền bỉ mưa nắng, không mối mọt, cong vênh nứt nẻ. Không rõ ai là người đầu tiên tạo ra những viên ngói gỗ. Lại có cả những căn nhà lợp bằng lá gỗ tếch, như ở Vườn bướm - phong lan nổi tiếng ở Chiang Mai. Chỉ biết chúng dù không được sưởi bằng ngọn khói nồng cay bởi hơi ấm lửa bếp, nhưng ngọn khói như vẫn đang bay lên nghi ngút từ đó, bạn thấy không ? Từ dòng sông mờ khói lúc bình minh và trong vắt lúc hoàng hôn. Từ đỉnh Phou Kao chót vót vương vít bồng bềnh mây tỏa như bối tóc tiên. Nghe nói những nhà sản xuất nước hoa còn dùng gỗ tếch để tạo ra một mùi hương đặc biệt: mùi khói !
Tôi lại nhớ tới những bàn tay giơ lên nơi cổng vào ngôi đền Trắng Wat Rong Khai độc nhất vô nhị trên thế giới tọa lạc ở Chiang Rai cực bắc Thái Lan – thủ phủ của Tam giác vàng. Những bàn tay khẳng khiu, ốm đói, quờ quạng đưa lên từ những cái hồ bên dưới cây cầu đá dẫn vào đền. Những bàn tay đầy dục vọng và tuyệt vọng của ma quỷ. Chủ nhân, cũng là người trực tiếp tạo tác ra công trình kỳ lạ này, họa sĩ Chalermchai Kositpipat muốn xây dựng ngôi đền như một thiên đường trên mặt đất. Trước khi bước vào thiên đường, phải ném hết dục vọng ra khỏi con người, thân xác và tâm hồn mình. Ném xuống rừng tay địa ngục phía dưới kia. Những bàn tay sợ hãi của dục vọng mù lòa.
Theo Hindu giáo, bàn tay giơ lên, tất cả ngón tay xòe ra, lòng tay đưa ra phía trước (Abhaya – vô úy) biểu hiện của thần Kala hiện thân cho sức mạnh hủy hoại của thời gian, sức mạnh có thể giải thoát nỗi sợ hãi.
Bởi vậy, không chỉ là những cánh chim nâu, tôi chợt nhìn thấy mỗi viên ngói gỗ là một bàn tay xòe ra giữa thời gian. Những bàn tay câm lặng để những sợi rêu níu vào chậm rãi mọc lên nhưng tôi nghĩ chúng đang chuyển động vô hình. Chúng đang viết cho ta những thông điệp mà ta cần đọc mỗi ngày. Chúng đang cầm nắm cho ta bao vẻ đẹp tưởng chừng đã mất.
Tôi đã không còn sợ hãi, khi mang về một viên ngói gỗ – bàn tay vương mùi hương của khói …
Wat Rong Khai, 2011