Thứ Tư, 13 tháng 9, 2017

Sơn Trà có thể trở thành “Khu dự trữ sinh quyển thế giới”?

Kiều Vũ

DĐDN -  Trong khi cả nước đang chờ đợi chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tương lai của bán đảo Sơn Trà, thì ông Huỳnh Tấn Vinh cùng những người ủng hộ Sơn Trà đã có kiến nghị biến bán đảo Sơn Trà trở thành Khu dự trữ sinh quyển của thế giới.

Cho đến lúc này, Báo cáo 223 của TP Đà Nẵng vẫn còn gây tranh cãi về nhiều khía cạnh. Nổi cộm hơn hết là tính pháp lý của các dự án biệt thự được cấp phép trên bán đảo Sơn Trà.

Tuy nhiên, một số vấn đề về quan điểm và nguyên tắc đề xuất mà UBND TP Đà Nẵng đề ra sau rà soát cũng rất cần xem xét.

Đã chủ trương phát triển theo hướng bảo tồn thì chỉ có 1 lựa chọn

Theo đó, chủ trương của TP là “bảo tồn đi đôi với phát triển”. Điều đáng nói ở đây là, một số phát biểu ở Hội thảo khoa học về Sơn Trà vào ngày 15/7 trước đó có những luận điểm mà nếu xét ở góc độ cầu thị và khoa học, khi cùng đặt trên bàn cân với những nguyên tắc đề xuất giải quyết các dự án trên Sơn Trà của TP Đà Nẵng, sẽ có sự đối chọi.

Thực tế, những luận điểm tại Hội thảo này rất đáng quan tâm cả về tính hình thức và tính khoa học.

Về hình thức, Hội thảo này được diễn ra từ gợi ý của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến các thành phần tham dự và đưa ra ý kiến đều là các chuyên gia, các nhà khoa học ngành liên quan uy tín của Việt Nam.

Trong bối cảnh nhiều ý kiến cho rằng Đà Nẵng đã gửi một báo cáo chưa thực sự tìm ra được giải pháp toàn vẹn cho Sơn Trà, thì ở Hội thảo khoa học ngày 15/7, các đại biểu, nhà khoa học đã nói gì?

Ông Phạm Viết Thuận – Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường cho rằng: “Nếu chủ trương của chúng ta là phát triển theo hướng bảo tồn thì lựa chọn cho Sơn Trà chỉ có một, đó là bảo tồn. Nếu có chủ trương phát triển du lịch thì không có lưu trú”.

Lý giải điều này có hàng loạt những lý do. Và chủ yếu các lý do xuất phát từ các nguyên tắc trong bảo tồn đa dạng sinh vật học và khoa học về tự nhiên.

Trao đổi với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp về vấn đề này, ông Huỳnh Tấn Vinh chia sẻ: “Nói trên tiêu chí bảo đảm an ninh quốc phòng và đa dạng sinh học lấy bình độ 100m trở xuống, việc xây dựng các công trình dự án là chưa hợp lý và mâu thuẫn”.(?!)

Ông Vinh lý giải: “Trên thực tế, Voọc chà vá chân nâu vẫn thường xuống đến sát mép nước, sát bờ biển”. 

Đặc biệt, theo nghiên cứu khoa học được công bố tại Hội thảo, về sự phân bố của Voọc Chà vá chân nâu cho thấy loài vật này phân bố ở "tất cả các độ cao và sinh cảnh trên bán đảo, từ sát mặt nước biển đến đỉnh cao nhất ở độ cao 696m".

Về nguồn thức ăn của Voọc, nghiên cứu cũng cho biết phạm vi kiếm ăn của loài linh trưởng này rất rộng, bao gồm toàn bộ các vùng rừng tự nhiên và trảng cây bụi, "kể cả các sinh cảnh sát bờ biển".

Tài liệu khoa học này cũng nói khi xảy ra các bất thường về điều kiện thời tiết hay tự nhiên thì “Chà vá chân nâu sẽ tập trung rất đông ở phía bờ bắc Bán đảo, nơi có độ cao dưới 200m".

Như vậy, theo kết luận của nghiên cứu này thì nguyên tắc “không gây ảnh hưởng đến loài Voọc Chà vá chân nâu tập trung chủ yếu tại khu vực phía bắc và đông bắc của bán đảo” do TP Đà Nẵng đề xuất ra là chưa hợp lý và chưa đúng với thực tế.

Ngoài ra, cũng dựa trên báo cáo khoa học mới đây nhất cho thấy, xu thế biến động của các hệ sinh thái rạn san hô và thảm cỏ biển ở vùng biển ven bờ bán đảo Sơn Trà đều suy giảm về diện tích và độ phủ. Các hệ sinh thái này đều đóng vai trò quan trọng về đa dạng sinh học của bán đảo. Sự suy giảm và thậm chí biến mất của các hệ nói trên được cho là trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Nguyên nhân được kết luận là “có thể do những tác động của các hoạt động con người ở vùng ven bờ như phát triển cơ sở hạ tầng vùng ven biển và hoạt động khai thác hải sản...”. Đã từng có ý kiến, sự đa dạng sinh học quý báu của bán đảo Sơn Trà phải được xem xét và nhìn nhận trên tổng thể.

Ngoài ra, như đã phát biểu tại buổi làm việc với UBND TP trước đây, ông Huỳnh Tấn Vinh nhắc lại rằng: Xây dựng cơ sở lưu trú hay công trình kiên cố ở bình độ 100m trở xuống ở một số dự án cũng sẽ không đảm bảo được nguyên tắc bảo đảm an ninh quốc phòng.

Theo ông Vinh, cần thiết phải có sự xem xét thấu đáo hơn.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới?

“Trong đơn kiến nghị được ký bởi các đại biểu, nhà khoa học, nhân sĩ trí thức và 15.000 người ủng hộ Sơn Trà, chúng tôi đã có kiến nghị lên Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, Các Bộ ngành liên quan và Tp Đà Nẵng việc có thể xem xét, nghiên cứu phát triển bán đảo Sơn Trà hợp với Hải Vân thành lập Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận” - ông Huỳnh Tấn Vinh cho biết.

Ông Vinh khẳng định: “Riêng cá nhân tôi sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu, kiến nghị này vì Sơn Trà”.

Được biết, Khu dự trữ sinh quyển hiện là hình thức tối ưu trên thế giới giải quyết được vấn đề kết hợp chặt chẽ giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Lựa chọn và phát triển Khu dự trữ sinh quyển vẫn đang được các tổ chức thế giới tiếp tục nghiên cứu, với mục tiêu cộng đồng cư dân địa phương, quốc gia và quốc tế đều được hưởng lợi từ giá trị này.

“Thủ tướng Chính phủ sẽ có những xem xét thấu đáo tổng thể các vấn đề, kể cả nguyện vọng của nhân dân”, ông Huỳnh Tấn Vinh bày tỏ tin tưởng.